Tăng hắc sắc tố da xảy ra khi melanin được sản xuất quá mức tại một số điểm trên làn da. Tình trạng tăng sắc tố da gây nên nám da, tàn nhang, đồi mồi tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.
Hiện tượng tăng sắc tố dẫn đến những vùng da phẳng nhưng tối màu, từ màu nâu nhạt đến đen và đa dạng về hình dạng cũng như kích thước, phát triển chậm nhưng có xu hướng ngày càng đậm màu nếu không có biện pháp phòng ngừa. Tình trạng tăng sắc tố da gây nên nám da, tàn nhang, đồi mồi tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ.
Nám da, tàn nhang, đồi mồi do đâu?
Tình trạng tăng hắc tố melanin dưới một vùng da nhất định gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, xuất hiện rất phổ biến ở phụ nữ các độ tuổi. Melanin vốn là một sắc tố được sản sinh bởi các tế bào melanocyte bên dưới lớp biểu bì, có nhiệm vụ giúp bảo vệ làn da trước tác hại của các tia UV.
Tuy nhiên, khi các hắc tố này tập trung với mật độ lớn sẽ gây ra tình trạng nám da, tàn nhang, đồi mồi. Việc tăng sản sinh melanin thường xuất hiện trong thai kỳ nhưng cũng rất phổ biến khi người phụ nữ bước vào tuổi trung niên, giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh. Tuy nhiên, về đặc điểm của từng loại có những điểm khác nhau như sau:
Nám da
Xuất hiện chủ yếu trên mặt, là các đốm sắc tố sẫm màu, mức độ đậm nhạt khác nhau. Các vị trí nám thường xuất hiện là: đối xứng hai bên má, môi trên, cằm hoặc trán hoặc ở những nơi thường xuyên tiếp xúc với ánh mặt trời. Có ba loại nám là:
Nám mảng: Đây là loại có “chân nám” nông (nằm ở lớp biểu bì – lớp trên cùng của da) và dễ điều trị dứt điểm nhất. Nám xuất hiện theo từng mảng màu khá nhạt, nguyên nhân là do các nhân tố khách quan từ môi trường như nắng nóng, ô nhiễm hay việc dùng các loại mỹ phẩm kém chất lượng, uống thuốc ngừa thai…
- Xem thêm: Làm đẹp bằng kem đánh răng
Nám sâu (nám đốm): Loại này có màu sẫm hơn và xuất hiện theo từng đốm nhỏ. Nếu soi trên máy có thể thấy ngay chân nám nằm sâu dưới lớp hạ bì của da. Nguyên nhân có thể do di truyền, nội tiết tố, hormone thay đổi đột ngột vì quá trình làm mẹ… Đây là loại nám “lỳ lợm” và khó điều trị nhất với thời gian kéo dài, thông thường chỉ có thể dứt điểm 80%.
Nám hỗn hợp: Nếu ai xuất hiện cả hai loại nám nêu trên thì sẽ được xếp vào loại nám hỗn hợp. Loại này phức tạp ở chỗ phải điều trị bằng hai cách cho những vùng nám khác nhau trên cùng một khuôn mặt.
Tàn nhang
Là tập hợp các đốm có sự gia tăng sắc tố melanin (đậm màu) kích thước nhỏ từ đầu tăm đến hạt vừng có màu đậm hơn các vùng da xung quanh, ranh giới thường rõ hoặc cũng có khi nham nhở: màu từ nâu sẫm, nâu nhạt, vàng, xám, đỏ hoặc đen. Vị trí thường gặp là các vùng da hở như phần mặt, cổ, lưng, mặt ngoài cánh tay.
Độ đậm nhạt của tàn nhang thay đổi khi tiếp xúc với ánh nắng, tàn nhang sẽ đậm hơn nếu tăng tiếp xúc dưới ánh nắng mặt trời. Mùa đông giảm đi, mùa hè tăng đậm lên. Những người có nước da sáng, mịn, mỏng, nhất là màu đỏ thì dễ bị tàn nhang hơn, không kể tuổi tác. Ngoài các nguyên nhân do ánh nắng, nội tiết lão hóa da… thì tàn nhang còn có nguyên nhân do di truyền.
Đồi mồi
Là các đốm màu đỏ, nâu, nâu đỏ hoặc đen có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên cơ thể khi có sự lão hóa, đặc biệt là ở gò má, cổ, cánh tay, cổ tay, trước ngực. Đồi mồi thường phổ biến ở lứa tuổi ngoài 55 nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở các đối tượng trẻ hơn (khoảng 30 tuổi).
Cũng giống các bệnh do gia tăng hắc sắc tố melanin khác, đồi mồi xuất hiện nhiều hơn ở người tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời. Ban đầu, các đốm đồi mồi thường có màu nâu nhạt, sau đó ngày càng đậm hơn với kích thước to nhỏ không đều. Đồi mồi thường có hai loại là nổi trên da như nốt ruồi (nhưng kích cỡ to hơn và đậm dần), có loại đồi mồi chỉ nằm dẹp trên da.
- Xem thêm: Nguyên nhân và cách chăm sóc da nám
Biện pháp phòng ngừa tăng sắc tố da
Việc điều trị dứt điểm các vấn đề về tăng hắc sắc tố da không dễ dàng, đòi hỏi một quá trình kiên nhẫn, lâu dài và tốn kém. Tuy nhiên, việc phòng ngừa lại rất cần thiết. Hãy làm theo những lời khuyên này để hạn chế sự tiếp xúc của ánh nắng mặt trời – nguyên nhân chính của hiện tượng tăng sắc tố:
- Tránh ánh nắng mặt trời trong khoảng 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Đây là khoảng thời gian tia nắng mặt trời hoạt động mãnh liệt nhất, cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào các thời điểm khác trong ngày.
- Sử dụng kem chống nắng thường xuyên, bôi kem 15-30 phút trước khi đi ra ngoài, bôi kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UVA và UVB. Sử dụng kem chống nắng với một chỉ số che nắng (SPF) ít nhất là 30. Mỗi lần chỉ cần bôi một lượng kem chống nắng vừa đủ và bôi lại sau mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đi bơi hoặc đổ mồ hôi.
- Để bảo vệ trước ánh mặt trời, hãy đội mũ rộng vành và đảm bảo tia nắng không tác động vào da mặt. Nên sử dụng cả quần áo được thiết kế để bảo vệ da, chống nắng.
Lưu ý trong ăn uống: Có những thức ăn làm sung huyết trên da, do đó sẽ làm các vết nám, tàn nhang đậm hơn. Cần tránh rượu, bia và các gia vị gây nóng. Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, chơi thể thao đều đặn và tránh nắng. Cần cải thiện chế độ dinh dưỡng bằng thực phẩm giàu các vitamin A, C, E, omega-3, selen để chống lão hóa da.
Tuyệt đối không bôi thuốc hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Các hóa chất được dùng nhiều trong các mỹ phẩm làm trắng da, chống nám… đều chứa lượng chất tẩy mạnh, có thể lúc mới dùng da được tẩy trắng nhưng càng dùng, da càng ngày càng bị bào mòn, lớp da non sẽ hiện lên, nếu đi nắng rất dễ bị nám da; đồng thời trong kem có hàm lượng thủy ngân nhỏ có thể gây teo da, nếu dùng lâu, da mặt sẽ nám vĩnh viễn, không thể chữa trị được nữa.