Nám da là biểu hiện của tình trạng sắc tố melanin bị kích thích sản sinh quá mức, tích tụ và phân bố không đồng đều trên da, khiến da xuất hiện những vùng sậm màu bất thường.
Những đốm nám có hình dạng tròn nhỏ, màu nâu hoặc xám, thường mọc tập trung thành từng mảng, phân bố chủ yếu ở hai bên gò má, mũi, trán, cằm và ở môi trên.
Tình trạng nám da xuất hiện phổ biến ở phụ nữ sau tuổi 30 và đang có xu hướng trẻ hóa. Càng để lâu mảng nám càng có xu hướng lan rộng, đậm màu lên và khó chữa trị hơn.
Những loại nám da thường gặp
– Nám da từng mảng: xuất hiện theo từng mảng màu khá nhạt, có “chân nám” nằm ở lớp biểu bì (lớp trên cùng của da) và dễ điều trị.
– Nám đốm: có màu sẫm hơn và xuất hiện theo từng đốm nhỏ. Soi trên máy có thể thấy chân nám nằm sâu dưới lớp hạ bì của da. Đây là loại nám khó điều trị dứt điểm với thời gian kéo dài, thông thường chỉ có thể giảm khoảng 80%.
– Nám da hỗn hợp: nếu xuất hiện cả hai loại nêu trên thì được xếp vào loại nám hỗn hợp, phải kết hợp điều trị bằng hai cách cho những vùng nám khác nhau trên cùng một khuôn mặt.
Nguyên nhân gây nám da
Có nhiều nguyên nhân hình thành nám nhưng cơ bản được chia thành hai nhóm:
1. Nguyên nhân bên ngoài
– Tia UV trong ánh nắng mặt trời đốt cháy da, môi trường ô nhiễm.
– Tổn thương da do chấn thương, do trị liệu da (lăn kim, laser…) không đúng cách.
– Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia…
– Dùng thuốc tránh thai thời gian dài làm rối loạn hormone và tăng độ bắt sáng của da với ánh nắng mặt trời.
– Sử dụng những loại mỹ phẩm có thành phần độc hại, bào mòn và tẩy trắng da, khiến da mỏng đi, tổn thương và nhạy cảm.
2. Nguyên nhân bên trong
– Do yếu tố di truyền.
– Phụ nữ trong các giai đoạn: mang thai, sau khi sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh hay đang trong chu kỳ kinh nguyệt… nội tiết tố nữ estrogen bị rối loạn, từ đó kích thích sản sinh melanin.
– Tâm lý căng thẳng, áp lực, tình trạng mệt mỏi diễn ra liên tục trong thời gian dài.
Làm gì khi phát hiện da bị nám?
Khi phát hiện da bị nám, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định nguyên nhân và tình trạng da. Khi nào xác định đúng nguyên nhân thì mới có thể chữa hết nám.
Tuyệt đối không tự ý dùng mỹ phẩm, thuốc trị nám bán ngoài thị trường mà trên bao bì sản phẩm không ghi thành phần cũng như những sản phẩm “truyền miệng” đã được một số người sử dụng có hiệu quả.
- Xem thêm: Hiểu làn da hơn để ngăn chặn lão hóa
Những hóa chất được dùng nhiều trong các mỹ phẩm làm trắng da, chống nám… đều chứa lượng chất tẩy mạnh, có thể lúc mới dùng, da được tẩy trắng trông rất đẹp, nhưng dùng một thời gian lâu, càng ngày da càng bị bào mòn, lớp da non sẽ hiện lên, nếu đi nắng rất dễ bị nám da; đồng thời trong kem có hàm lượng thủy ngân nhỏ có thể gây teo da, nếu dùng lâu, da mặt sẽ nám vĩnh viễn.
Nhiều trường hợp bị nám vĩnh viễn vì đã dùng qua các kem chứa adrenocorticiod như là mỹ phẩm thoa mặt. Kết quả là da mặt bị teo, dẫn tới rối loạn dinh dưỡng, mất sức đề kháng khiến da bị nám nhiều hơn.
Cách chăm sóc da nám
1. Dùng kem chống nắng
Theo tiến sĩ da liễu Nick Lowe (Đại học Y khoa, London, Anh quốc), tia UVA trong ánh nắng mặt trời kích thích các tế bào sắc tố melanocytes sản xuất sắc tố melanin làm hình thành nám và các mảng tối trên da.
Những mảng tối này có thể mất tới 10-20 năm để phát triển, vì vậy nếu bạn nhận thấy một số biểu hiện của nám thì có thể nó đã được gây ra từ rất lâu rồi. Do vậy việc chống nắng cho da là cực kỳ quan trọng đối với da nám.
2. Rửa mặt đúng cách
Trong các bước chăm sóc da thì làm sạch là bước cực kỳ quan trọng. Nên tẩy trang kỹ trước khi rửa mặt để lấy đi lớp trang điểm và bụi bẩn tích tụ trên bề mặt da.
Rửa mặt sạch còn giúp da hấp thụ dưỡng chất trị nám tốt hơn. Không nên chà xát nhiều vào da mặt khiến da bị kích ứng, tổn thương.
3. Tẩy tế bào chết
Với da nám, nên tẩy tế bào chết hằng tuần để giúp lấy đi lớp tế bào sừng trên cùng của bề mặt da để da có thể hấp thu tối đa các dưỡng chất từ sản phẩm dưỡng, từ đó thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, đào thải chân nám ra khỏi cấu trúc da.
Tẩy tế bào chết không có nghĩa là chà xát hay dùng các sản phẩm có chứa chất tẩy da. Da nám vốn nhạy cảm, hãy ưu tiên sử dụng tẩy tế bào chết dạng enzym để vẫn lấy đi được hết tế bào chết mà không gây tổn thương cho da.
Enzyme là một chất xúc tác các phản ứng hóa học, có trong mọi hoạt động của tế bào. Trong việc làm đẹp, enzyme có tác dụng tẩy tế bào da chết bằng cách hòa tan và tiêu hóa các protein (từ lớp tế bào chết) thành các hạt nhỏ, tự “rụng” khỏi bề mặt da khi rửa mặt khiến làn da mịn màng hơn.
4. Sử dụng toner
Toner làm sạch sâu với thành phần Multi Fruit BSC (AHA) chiết xuất từ các loại trái cây và Betaline Salicylate (BHA) từ thiên nhiên là lựa chọn tối ưu cho da nám vì các thành phần này sẽ giúp làm sạch sâu và thúc đẩy tái tạo bề mặt da giúp da sáng hơn.
Lưu ý lựa chọn sản phẩm có AHA và BHA chiết xuất từ tự nhiên với hàm lượng nhẹ vì hàm lượng AHA và BHA cao khiến da dễ bị kích ứng và dễ bắt nắng, khiến tình trạng nám càng thêm trầm trọng.
Ngoài hai thành phần trên, toner còn chứa thêm các thành phần khác giúp bổ sung dưỡng chất, dưỡng ẩm hoặc có tác dụng làm dịu da để da nám ít bị kích ứng khi dùng tinh chất hay kem đặc trị. Cũng lưu ý lựa chọn loại toner không chứa cồn.
5. Áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học
– Hạn chế dùng rượu, bia và thức ăn có các gia vị gây nóng.
– Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, C, E, omega-3 và ăn nhiều rau quả tươi.
– Nên uống đủ nước, ngủ đủ giấc, không thức khuya, chơi thể thao đều đặn để giúp da đào thải độc tố cũng như tăng tuần hoàn máu để thúc đẩy tăng sinh tế bào da mới và giúp da khỏe mạnh.
– Nên đội mũ rộng vành khi ra ngoài trời và sử dụng kem chống nắng thường xuyên để ngăn tác hại của ánh nắng mặt trời đối với da