Sau “ozone hóa” vườn nho, García còn dày công sáng tạo ra cả 100 kỹ thuật khác nhau để tinh chế rượu vang. Bất chấp nhiều người chê bai “thiếu khoa học”, ông tự mày mò, rút kinh nghiệm, cực đoan đến mức làm mọi thứ một mình. Từ khâu chăm sóc vườn nho, thu hoạch đến ủ rượu, García đều không cho phép người khác đụng tay.
Las Pedro#eras, Cuenca, Tây Ban Nha, nơi Hilario García sinh sống là vùng đất… trồng tỏi. Nhờ chất lượng vượt trội mà tỏi tím (Ajos Morados) của họ nổi danh toàn cầu. Tuy chỉ có từ 7.000-10.000 dân (dao động theo mùa, thưa thớt dần khi đông sang), Las Pedro#eras nổi danh là “thủ đô tỏi” của quốc gia. Cứ mỗi mùa hè, trong thị trấn lại tưng bừng lễ hội tỏi.
Phép màu giữa đời thực
Mặc dù trong cộng đồng nông nghiệp của Las Pedro#eras cũng có người trồng nho, ủ rượu vang nhưng không nhiều. Nhà Hilario là một trong số ít ấy. Họ bắt đầu trồng nho từ 120 năm trước. García là thế hệ thứ ba tiếp nối truyền thống của gia đình. Tuy nhiên, chuyện kế tục này chỉ xảy ra khi một tai họa bất thần ập đến. Khoảng 20 năm về trước, García đang là một tư vấn viên tài chính và thuế thì bất ngờ hay mình bị hẹp ống sống (evere spinal stenosis) nặng.
Hẹp ống sống là tình trạng ống cột sống phình ra, chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh, gây tê vai, mỏi cổ, đau lưng, tê chân tay… Ở trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.
Các bác sĩ điều trị nói rằng, không có thứ thuốc men nào khiến García di chuyển được nữa. Thế nhưng vào năm 2005, García nghe nói đến có một cách chữa trị khác cho căn bệnh của mình mà không cần dùng tới thuốc men là liệu pháp ozone. Nó đang được một phòng khám ở thủ đô Madrid sử dụng. Ông bèn chuyển tới đây, hy vọng thông qua điều trị mà phục hồi.
- Xem thêm: Cuộc “Trò chuyện” với những ly rượu vang
Về cơ bản, liệu pháp ozone là phương pháp bơm khí ozone vào mạch máu. Trong tự nhiên, ozone là một dạng hình thù của oxy nhưng thay vì chứa 2 nguyên tử oxy (O2) như bình thường, nó chứa đến 3 nguyên tử (O3). Khi đi vào máu, O3 sẽ phân tán ra thành O2 và O. Trong cơ thể của chúng ta có tế bào già yếu, bệnh tật và tế bào khỏe mạnh. Các tế bào khỏe mạnh chỉ chấp nhận O2 và từ chối O.
Còn các tế bào yếu, bệnh, do không đủ sức để đẩy O buộc phải hấp thụ cả nó vào, cuối cùng bị chính O trung hòa hoặc giết chết. Với y học, liệu pháp tăng cường ozone trong máu là cách thức “1 tên trúng 2 đích”. Nó vừa cường hóa tế bào khỏe vừa hủy diệt tế bào yếu, bệnh, từ đó giúp thương tích mau lành, loại bỏ các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, kim loại độc…
Chỉ sau một tháng tiếp nhận liệu pháp ozone, García đã đi lại được. Song thay vì quay trở lại công việc cũ, ông hướng đến thừa kế sự nghiệp trồng nho có từ thời ông nội của mình. Qua 2 năm “quan hệ” với ozone, García hoàn toàn khỏe mạnh. “Nếu mình đã nhờ ozone mà phục hồi thì liệu vườn nho già cỗi cũng thế không”, ông suy tư.
Ozone cho vườn nho
Như hầu hết các nước ở châu Âu, Tây Ban Nha sớm biết trồng nho và làm rượu vang. Song vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cả Tây Ban Nha lẫn các quốc gia châu Âu khác đều không tránh khỏi nạn rệp rễ nho (phylloxera) hoành hành. Sự giao thương giữa các châu lục đã đem loại côn trùng gây hại này từ châu Mỹ tới. Chúng quá giang trên các tàu thuyền đi biển, sinh sôi mạnh mẽ ngay khi vừa đáp xuống đất liền, dần lan tỏa, tàn phá mọi vườn nho trong tầm xâm phạm.
Không rõ vườn nho của nhà Hilario thì ra sao nhưng García khẳng định nó là một trong rất ít những mảnh đất may mắn thoát khỏi dịch rệp ăn rễ. Sau khi “kết đôi” với ozone, ông học được O3 có tác dụng thế nào với sinh vật sống. Chúng tấn công tế bào bị nhiễm bệnh, giúp sinh vật tự khử trùng và tăng cường khả năng miễn dịch, từ đó sinh trưởng tốt hơn. Sau khi thử liệu pháp ozone với hành tây và thấy có tác dụng, García liền mạnh tay tiến hành với nho.
Vào năm 2007, ông chế ra một cỗ máy cho phép hòa ozone vào nước bơm tưới. Đúng như García mong đợi từ nước tưới có nồng độ oxy cao, cả vườn nho như bừng sức sống, phơi phới lá non. Quả nho được nuôi dưỡng từ thân cây dư thừa oxy cũng thơm ngon, to mọng hơn hẳn. Theo suy đoán của ông thì nhờ giàu oxy, rễ nho đã hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn từ đất.
Năm 2009, García thành công sản xuất chai AurumRed Gold đầu tiên từ “nho ozone”. Năm 2012, ông giới thiệu sản phẩm rượu vang có một không hai của mình. Lúc này, AurumRed Gold bán được 4.000 Euro/chai, tương đương 104 triệu VNĐ. Nhưng sau khi bán không lâu, García hay tin nó đã được sang tay cho một khách hàng Trung Quốc với giá 17.000 Euro (khoảng 443 triệu VNĐ).
Tính đến nay, AurumRed Gold đã có mặt trên thế giới được 7 năm. Giá của nó cũng leo thang đều đặn, hiện đang ở mức 25.000 Euro/chai (khoảng 654 triệu VNĐ), và luôn trong danh sách những loại rượu đắt nhất thế giới. Ngoại trừ cái danh “rượu ozone”, nó còn “cắt cổ” vì hiếm. Mỗi năm, García chỉ sản xuất đúng 300 chai. Chỉ 150 chai trong số này được đem ra bán, còn lại vẫn nằm trong hầm rượu cá nhân của “cha đẻ”.
Thêm vào đó là để cho “sang chảnh”, ông còn gắn lên mỗi chai một huy hiệu đôi cá bằng vàng 18 cara. Cái đuôi “Gold” trong cái tên AurumRed Gold chính là từ huy hiệu vàng thật này. Tùy vào quốc gia của khách hàng, giá thành AurumRed Gold cũng khác (do phí giao hàng tận nơi, thuế nhập khẩu…). García không thông qua trung gian mà tự mình nhận đơn, đóng gói, gửi hàng.
- Xem thêm: Nhà sưu tập rượu vang Nguyễn Mỹ Giáng Hương – Sưu tập vang không nhất thiết phải có nhiều tiền
Ngoài AurumRed Gold, ông còn sản xuất tối đa 6.000 chai AurumRed Silver/năm. Nó cũng là rượu nho ozone nhưng không phải từ những gốc nho 120 tuổi mà là từ đám nho mới trồng hoặc ghép. Tuy nhiên, ông cũng không bán hết mà chỉ bán một nửa, với giá 1.250 Euro/chai (khoảng 32,6 triệu VNĐ). Phần còn lại lại cất vào hầm rượu.
Hương vị như ma thuật
Với cả 2 loại AurumRed, García đều tự tin đó là hương vị rượu hiếm có khó tìm nhất. Nhờ được “ozone hóa” mà rượu vang “nho ozone” không dễ bị hỏng, có mở nắp để đó cả hàng năm vẫn ngon lành, thậm chí còn ngon hơn nữa. Chí ít, AurumRed vẫn “an toàn” sau 4 năm bị mở nắp.
Đặc biệt hơn cả là AurumRed của García còn đổi vị tùy vào việc người uống lắc ly rượu vang của mình theo hướng kim đồng hồ hay chiều ngược lại. Nghe thấy điều này, nhà phê bình ẩm thực Jose Carlos Capel của Tây Ban Nha không khỏi nghĩ García chỉ “nổ”. Ông liền mời 2 nhà thưởng thức rượu vang có tiếng là Juancho Asenjo và Javier Gila cùng mình đến uống thử xem sao.
Ấn tượng là uống xong, cả 3 đều gật gù công nhận đúng là vị rượu có đổi khác tùy hướng xoay thật. Không chỉ Capel mà rất nhiều người khác cảm thấy khó tin. Song một khi đã thử, ai nấy cũng phải ngỡ ngàng vì cái sự thay đổi như ma thuật ấy. Khi lắc li để sóng rượu xoay theo chiều từ phải sang trái, mùi thơm của nho sẽ nổi lên lấn át, còn theo chiều ngược lại thì vị cồn mạnh mẽ sẽ áp đảo.
Sau “ozone hóa” vườn nho, García còn dày công sáng tạo ra cả 100 kỹ thuật khác nhau để tinh chế rượu vang. Bất chấp nhiều người chê bai “thiếu khoa học”, ông tự mày mò, rút kinh nghiệm, cực đoan đến mức làm mọi thứ một mình. Từ khâu chăm sóc vườn nho, thu hoạch đến ủ rượu, García đều không cho phép người khác đụng tay.
Ông sùng bái Masaru Emoto, tác giả Nhật Bản tuyên bố rằng hơi người ảnh hưởng đến cấu trúc phân tử của nước. Vì sợ “hơi” người khác gây tác động đến vị rượu của mình, García đặc biệt yêu cầu tránh xa. Ông cũng chỉ dùng duy nhất một loại gỗ là gỗ sồi Pháp để đóng thùng rượu. Ngoài ra còn “hầm bà lằng” các nguyên tắc chẳng liên quan gì đến khoa học khác. Bị gièm pha là mê tín cũng khó trách!
- Xem thêm: Lựa chọn sắc vang cho mùa lễ hội
Có điều gần đây, García đã hơi nới lỏng một chút. Ông vẫn một tay làm tất cả song đã hợp tác với 12 nghệ sĩ đương đại khác để mở rộng tiếng tăm. Người đầu tiên bắt tay với García là Alberto Rodríguez Serrano, họa sĩ Tây Ban Nha mới nổi. Nhờ Serrano vẽ thiết kế bình AurumRed Gold 16 lít mà chỉ giá khởi điểm trong một cuộc đấu giá của nó đã là 340.000 Euro (khoảng 8,9 tỷ VNĐ).
Dẫu vậy, García vẫn thích chìm đắm vào quy trình sản xuất “tự chế” hơn. “Tôi hiến dâng tất cả cho rượu vang”, ông bày tỏ. “Giấc mơ của tôi nằm ở bên trong chứ không phải bề ngoài cái chai. Giá cả chỉ là thứ lặt vặt không đáng nói”.