Cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva giữa chính phủ và phe đối lập Syria đã thất bại, qua đó Anh và Pháp cho rằng là do chế độ Assad cản trở việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp và gia tăng bạo lực cũng như các hành động khủng bố đối với dân thường.
Phiên đàm phán cuối cùng diễn ra chỉ trong vòng có 27 phút vào ngày 15-2, là ngày làm việc thứ sáu của vòng đàm phán thứ hai.
Ông Lakhdar Brahimi, nhà trung gian đàm phán của Liên Hiệp Quốc, đã xin lỗi người dân Syria vì hòa đàm thất bại và cho biết hiện đã có nghị trình cho vòng đàm phán thứ ba nhưng ngày đàm phán vẫn chưa được xác định.
Cảnh đổ nát ở Aleppo
Nghị trình này bao gồm bốn điểm: bạo lực và khủng bố, một cơ quan điều hành chuyển tiếp, các cơ quan quốc gia và hòa giải dân tộc.
Nhưng điểm bế tắc chủ chốt ở Geneva là các vấn đề về cơ quan điều hành chuyển tiếp và khủng bố, từ ngữ mà chính phủ thường sử dụng để gọi phiến quân.
Phát biểu trước báo giới sau hòa đàm, ông Bashar al-Jaafari, nhà đàm phán chính của ông Assad nói rằng vấn đề khủng bố phải được giải quyết rốt ráo trước khi thảo luận bất cứ vấn đề nào khác, đồng thời bác bỏ khả năng sẽ xảy ra bất kỳ một sự chuyển nhượng quyền lực nào.
Trong khi đó, ông Louay Safi, phát ngôn nhân đối lập vẫn một mực yêu cầu phải thảo luận về chính phủ chuyển tiếp không có vai trò của ông Bashar al-Assad, điều mà chính phủ Syria bác bỏ. Phía đối lập muốn chính phủ Syria phải tuyên bố bằng văn bản sẽ tôn trọng Tuyên bố Geneva 2012, vốn kêu gọi thiết lập một chính phủ tạm thời, với toàn quyền hành pháp.
Cho đến nay vẫn chưa có phản ứng chính thức từ phía Nga hay Mỹ về thất bại của cuộc đàm phán.Họ là những người đồng bảo trợ cho hòa đàm Geneva nhưng lại ủng hộ hai phía đối nghịch nhau.
Trong lúc hòa đàm thất bại thì chiến sự vẫn tiếp diễn. Có tin đạn pháo tiếp tục bắn vào thị trấn Yabroud gần biên giới với Lebanon hiện đang do phiến quân kiểm soát. Giao tranh ở đây đã khiến hàng chục ngàn người dân phải sơ tán.Thị trấn này là căn cứ cuối cùng của quân nổi dậy tại vùng núi Qalamoun, gần biên giới với Lebanon.
Theo truyền hình Syria thì quân đội của họ đã giết chết một số thành viên có liên hệ với al-Qaeda gần Yabroud.
Vào cuối tuần qua các tổ chức cứu trợ nhân đạo đang mong muốn có thể tiếp tục tiến hành sơ tán thường dân ra khỏi thành phố Homs nơi đang bị quân đội chính phủ Syria vây hãm.
Hàng trăm người vẫn đang kẹt lại khu phố cổ – tâm điểm của cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Hiện cũng đang có quan ngại về sựan toàn của nhiều người lớn và trẻ em đang bị chính quyền bắt giữ để tra hỏi sau khi rời khỏi Homs trước đó.
Ông Barazi, Thị trưởng thành phố Homs, cho biết 111 người đã bị tra hỏi rồi được phóng thích, trong khi 190 người khác vẫn còn bị giam giữ.
Chính quyền Syria nói việc sàng lọc là cần thiết nhằm loại trừ những phần tử khủng bố.
Cuộc nội chiến tại Syria đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng kể từ năm 2011 và khiến 9,5 triệu người khác phải ly tán.
Bà Valerie Amos, người đứng đầu cơ quan nhân đạo Liên Hiệp Quốc, kêu gọi Hội đồng Bảo an có hành động để chấm dứt vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và bảo đảm hàng cứu trợ tới được người dân Syria.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 13-2, bà Amos nhấn mạnh “Không thể chấp nhận được rằng đã bốn tháng kể từ khi các thành viên Hội đồng Bảo an yêu cầu có hành động và luật quốc tế về nhân đạo vẫn bị tất cả các bên trong cuộc xung đột vi phạm thường xuyên và trắng trợn”.
Hội đồng Bảo an hiện vẫn đang bế tắc về việc chuyển hàng cứu trợ tới Syria cho hàng triệu người đi sơ tán.
N. Nam