Khoảng dăm năm trước, khái niệm phượt ra đời chỉ sự đam mê khám phá trải nghiệm thiên nhiên, cuộc sống ở mọi vùng đất theo cách riêng của mỗi người. Đã có một thời, những người yêu phượt tự hào khi nhận mình là một phượt thủ.Nhưng bây giờ, nhiều người yêu phượt lại cảm thấy nặng nề khi mang danh hiệu đó bởi họ không muốn bị đánh đồng với cái gọi là “phượt biến tướng”.
Phong trào phượt phát triển mạnh mẽ giúp nhiều người thêm cơ hội đi khắp mọi vùng của đất nước. Không chỉ vậy, những người yêu phượt còn chung tay chia sẻ khó khăn với đồng bào các vùng sâu vùng xa với nhiều chương trình và hoạt động ý nghĩa như Áo ấm biên cương của anh Mai Thanh Hải, Hua Pư – Rộn rã ngày khai trường của nhóm phượt Trái Tim Việt và Phượt Tình Nguyện, Tằng Hách – Niềm vui cho bé đến trường của bạn Nguyễn Cao Nguyên, Xây dựng trường mẫu giáo ở Háng Đồng của bạn Trần Thùy Dung. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động tương tự thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia. Những nơi họ đến giúp đỡ đều là vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn hiểm trở, nên mỗi chuyến đi đều được chuẩn bị hết sức kỹ càng, mỗi cá nhân đều trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, và phương tiện tốt nhất. Trưởng đoàn cũng là những người có uy tín, có kinh nghiệm dẫn đoàn đông người và quan trọng hơn cả là họ làm bằng tất cả trách nhiệm, ý thức nên các chuyến đi đều an toàn, thành công.
Một nhóm phượt được tổ chức chu đáo
Thế nhưng bên cạnh những hoạt động ý nghĩa như vậy đã có những “biến tướng” để lại nhiều hình ảnh xấu cùng hậu quả nghiêm trọng. Hình ảnh một người trẻ phi xe vào vườn hoa tam giác mạch ở Hà Giang, một nhóm bạn giẫm nát vườn cải ở Mộc Châu hay ngồi lên cột mốc nơi biên giới… đã tạo nên những cách nhìn phản cảm, những đánh giá xấu trong lòng người dân địa phương và của cả xã hội. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đi phượt đã mất cả tính mạng trong những tai nạn không đáng có. Sự thiếu kỹ năng của từng cá nhân, sự vô trách nhiệm của những người dẫn đoàn đã vẽ nên nhiều bức tranh đen tối cho phong trào phượt. Những câu chuyện thương tâm như một cô gái tử nạn khi khám phá cực Đông, một nam sinh viên mất tích trên đường chinh phục đỉnh Fansipan, hai bạn trẻ bị cuốn trôi khi chụp hình giữa dòng nước xiết ở Tây Bắc, và gần đây nhất là tai nạn thương tâm cướp đi mạng sống của một sinh viên trên đường đi phượt Mộc Châu. Những tai nạn đó thật sự là nỗi đau, nỗi mất mát lớn và gióng lên những hồi chuông mạnh mẽ về ý thức phượt, về “Phượt an toàn” và “Phượt trách nhiệm”. Đan Anh, sinh viên Trường RMIT chia sẻ: “Nhiều bạn của em đều nghĩ phượt là đi không kế hoạch, thích đâu đi đó, bả đâu ngủ đó, ngẫu hứng, không cần người dẫn đường, không cần dịch vụ rườm rà”. Chính những suy nghĩ sai lệch như vậy đã làm cho hình ảnh phượt thật xấu xí và chính những bạn trẻ khi bắt đầu bước vào phượt cũng là bắt đầu bước vào những hiểm họa không lường trước.
Với một chuyến độc hành, trước khi bắt đầu hành trình, phượt thủ cần có những chuẩn bị thật chu đáo: Tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ khám phá, kiểm tra trang phục, hành trang, phương tiện cho phù hợp, trang bị những kỹ năng hướng đạo, lắng nghe ý kiến từ bạn bè, người thân để nhận được sự chia sẻ, góp ý và hỗ trợ khi cần thiết. Đối với những chuyến phượt theo nhóm, phượt thủ chỉ tham gia những nhóm có người dẫn đoàn nhiều kinh nghiệm và uy tín. Với những nhóm lạ không nên tham gia một mình mà hãy rủ thêm vài người bạn đi cùng.Phượt thủ chỉ tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng của mình, không nên cố gắng hoạt động nếu thấy mình không đủ sức. Bản thân người trưởng nhóm cần phải có hoạt động tiền trạm để hiểu rõ nơi sẽ đến để có những sắp xếp cho đoàn chu đáo, an toàn, có những quy tắc chặt chẽ về trang phục, ký hiệu khi di chuyển bằng xe máy, đoàn đi cần trang bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ, lấy thông tin của cơ quan chức năng ở địa phương sẽ đến để được hỗ trợ khi cần thiết.
Phượt là một sân chơi thú vị, giàu tính nhân văn và nên được phát triển bởi những giá trị sâu sắc nằm phía sau nó. Song mỗi một phượt thủ phải ý thức được trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình, và xã hội để giữ an toàn và trưởng thành từ những chuyến đi.
Hải An