“Chúng ta không nên kỳ vọng tự chủ đại học sẽ trở thành “cây đũa thần” cho các vấn đề giáo dục đại học hiện nay, nhưng ít ra cũng hình thành được cấu trúc tự chủ, qua sự tự chịu trách nhiệm, tính linh động và sáng tạo trong việc quản lý, điều hành, xây dựng các chương trình giáo dục”, ông Trần Đức Cảnh, nguyên Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của bang Massachusetts (Mỹ), nhiều năm từng là cố vấn ban tuyển sinh cho ĐH Harvard nói.
Bản chất của tự chủ đại học
Tự chủ đại học là con đường tất yếu trong phát triển giáo dục đại học. Việt Nam lẽ ra phải tiến hành việc này từ nhiều năm trước thì các đại học của ta bắt kịp các trường trong khu vực Đông Nam Á. Không may, chúng ta bắt đầu khá trễ mà tiến trình còn diễn ra chậm chạp. Hiện nay có ba trường đại học được chọn làm thí điểm cho mô hình tự chủ đại học gồm: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Và họ đang trong thời gian xây dựng cơ chế, chính sách vận hành trường theo hướng này.
Theo TS Hoàng Trung Hải, việc trao quyền tự chủ được xem là điều kiện cần thiết cho sự phát triển của trường đại học. Theo đó, các trường đại học được quyền tự do trong việc quản trị tổ chức. Đây là điều kiện để tác động và khuyến khích tư duy sáng tạo trong công việc và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, và như vậy phát triển trường đại học theo chiều hướng năng động hơn. Nếu không được trao quyền tự chủ thì các trường đại học sẽ trì trệ, dựa dẫm vào bao cấp của nhà nước, không còn động lực để phấn đấu tự khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh trên thị trường giáo dục đại học, khó đứng vững và có thể bị sàng lọc.
Ngoài ra, khi được trao quyền tự chủ, các trường đại học sẽ sử dụng một cách cẩn trọng các nguồn lực, từ nguồn lực tài chính đến đội ngũ nhân sự. Thứ nhất, về tự chủ tài chính, trường tự cân đối ngân sách và linh hoạt hơn trong việc chi thu, đầu tư cho trường, cũng như phát triển các chương trình liên quan đến giáo dục đào tạo.
Thứ hai, về nhân sự cũng vậy, các trường được tự do tuyển dụng nhân sự đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, và các công việc quản lý hành chính, mà không cần phải xin phép đơn vị chủ quản. Tuy nhiên, cả tự chủ tài chính và nhân sự đều nhằm vào mục tiêu học thuật, đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng lâu dài.
Tuy nhiên, trao quyền tự chủ cho trường đại học không có nghĩa là để trường đại học tự tồn tại, tự lo mọi nguồn lực hoạt động, không còn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Ngược lại, cùng với việc trao quyền tự chủ, nhà nước vẫn sử dụng ngân sách và các nguồn lực để đầu tư cho trường đại học nhưng sẽ thay đổi và đa dạng về phương thức đầu tư, dựa trên các tiêu chí phản ánh chất lượng và kết quả đầu ra.
Học thuật phải là mục tiêu
“Học thuật phải được xem là thành tố thiết yếu của một nền tự chủ đại học. Vì mục đích của giáo dục đại học không dừng lại ở việc truyền trao kiến thức có sẵn mà quan trọng hơn là đi tìm chân lý thông qua việc phát triển tri thức mới. Điều quan trọng nhất đánh giá kết quả là chất lượng của nguồn nhân lực, chứ không phải chỉ là giáo trình, môn học, người dạy, tài liệu…”, ông Trần Đức Cảnh cho biết.
Tuy nhiên, do đặc thù của thể chế chính trị nước ta và can thiệp sâu của nhà nước vào đại học, nên không tránh được những ràng buộc ít nhiều vào “khung”. Do đó, chúng ta nên nói đến việc xây dựng tự chủ đại học sao cho nhắm đến mục tiêu học thuật chất lượng và tính sáng tạo, tư duy phản biện khoa học phải được xây dựng trong các chương trình cơ bản.
Ở nước ta, định chế nào cũng thường bị ràng buộc bởi nhiều bộ luật khác nhau trong quá trình hoạt động, do đó khi các trường muốn thực thi hết mức các quy định về tự chủ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi những quy định pháp lý khác nhau. Chẳng hạn, nếu trường đại học muốn huy động các nguồn lực tài chính cho hoạt động của mình (tức thực thi quyền tự chủ tài chính) thì sẽ gặp phải những quy định của các luật như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công… như vậy sẽ khó có sự tự chủ đúng nghĩa khi vẫn còn quá nhiều đầu mối can dự vào quá trình hoạt động của trường đại học.
Trong trường hợp khó huy động các nguồn lực tài chính, các trường tự chủ sẽ phải tăng học phí như là cách để thực hiện tự chủ tài chính. Nhưng học phí thì không thể tăng mãi vì điều kiện kinh tế nói chung của đất nước. Vì thế, nếu các trường xem nguồn lực tài chính là yếu tố quan trọng nhất để tăng chất lượng đào tạo thì rõ ràng dùng giải pháp tăng học phí là không khả thi.
Mức độ tự chủ càng lớn thì trường đại học phải tự chịu trách nhiệm càng cao, điều đó có nghĩa là chất lượng mọi mặt hoạt động của trường đại học phải được cải tiến một cách tuyến tính so với mức độ tự chủ được trao. Tuy nhiên cần có công cụ đo lường tính tự chịu trách nhiệm của trường đại học. Công cụ này phải được lượng hóa, cụ thể, rõ ràng làm cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng xã hội kiểm tra và đánh giá nhằm đảm bảo tính công khai và minh bạch.
Chỉ có như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các trường đại học. Tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học là hai mặt luôn đi đôi với nhau trong một cơ chế thống nhất. Quyền tự chủ, khi thực hiện với tính tự chịu trách nhiệm phải dẫn đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của trường đại học, còn nếu không dẫn đến điều này, thì có thể khẳng định là quyền tự chủ đó đã bị lạm dụng.
“Chúng ta sẽ còn thấy rất nhiều khó khăn trên con đường tự chủ đại học. Một đứa trẻ muốn sống tự lập vào năm 18 tuổi thì cha mẹ cần có sự chuẩn bị về các kỹ năng cần thiết từ nhỏ. Trẻ em được nuôi kiểu “gà công nghiệp” như giáo dục Việt Nam truyền thống thì khó mà sống tự lập ngay được”, ông Trần Đức Cảnh nói. Đại học Việt Nam cũng vốn được “bao cấp” và “bộ quản lý” như vậy hằng bao thập niên, từ cơ chế đến hình thái cấu trúc đại học hiện nay đều không cho phép đại học tự chủ hoàn toàn ngay được, nên chắc chắn sẽ còn nhiều thách thức, thậm chí thất bại.
Nhưng không vì vậy mà chúng ta không quyết tâm đi theo con đường này. Nước Mỹ cũng cần đến cả trăm năm để hình thành đại học đúng nghỉa. Chúng ta cũng vẫn phải kiên trì định hướng này, nếu không nền giáo dục nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung sẽ không bao giờ có thể trưởng thành, đừng nói chuyện cạnh tranh với thế giới lớn.