Hongkong nằm trên bờ biển Đông Nam của Trung Quốc, cạnh tỉnh Quảng Đông, gồm 262 hòn đảo, có diện tích 1.104km², trở thành lãnh thổ phụ thuộc của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland sau cuộc chiến 1840-1842. Vào lúc đó Hongkong chỉ có khoảng 7.450 cư dân, nhưng nay dân số Hongkong khoảng 7.070.000 người, trong đó người Hoa chiếm 93,6%. Ngôn ngữ chính ở Hongkong là tiếng Trung Hoa (Quảng Đông) và tiếng Anh. Bốn đảo chính là Hongkong (81km²), Cửu Long (Kowloon, 47km²), Tân Giới (New Territories, 748km²) và Đại Nhĩ Sơn (Lantau, 228km²).
Người Anh thuê Hongkong của Trung Quốc trong 99 năm, đến năm 1997 là mãn hạn. Sau nhiều cuộc thương lượng, ngày 19-12-1984 tại Bắc Kinh, bà Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh và Triệu Tử Dương, Thủ tướng Trung Quốc, đã ký bản Tuyên bố chung về việc trao trả Hongkong cho Trung Quốc từ 1-7-1997.
Tuyên bố gồm 12 điều khoản chính, thiết lập “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc sẽ không được thực hành ở Đặc khu hành chính Hongkong và hệ thống tư bản chủ nghĩa trước đây của Hongkong và lối sống sẽ không thay đổi trong thời gian 50 năm, tức cho đến năm 2047.
Chính quyền của Đặc khu hành chính Hongkong chịu trách nhiệm cho việc duy trì trật tự công cộng. Lực lượng quân đội được Chính phủ Trung Quốc gửi đến, đóng quân tại Đặc khu hành chính Hongkong cho các mục đích quốc phòng sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ trong đặc khu.
Theo đó Hongkong duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản báo chí, hệ thống giáo dục của Anh, các đại biểu trong các tổ chức quốc tế.
Ngày 4-4-1990, Quốc hội Trung Quốc đã ban hành “Luật cơ bản của Đặc khu hành chính Hongkong của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” như một “Hiến pháp mini” của đặc khu. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-1997. Theo luật này, cơ quan lập pháp của Hongkong không được ban hành các văn bản luật trái với Luật Cơ bản. Các đạo luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không được áp dụng ở Hongkong, ngoại trừ các đạo luật về quốc phòng và đối ngoại.
Đặc khu hành chính Hongkong do một đặc khu trưởng cai trị, tiếng Anh gọi là “Chief Executive of Hongkong”. Điều 43 của Luật Cơ bản quy định: “Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hongkong là người đứng đầu Đặc khu hành chính Hongkong và đại diện khu”.
Đặc khu trưởng do một Ủy ban bầu cử gồm 1.200 người bầu ra, nhiệm kỳ là năm năm. Từ 1997 đến nay, Hongkong đã có ba người đắc cử chức Đặc khu trưởng: Năm 2003 là ông Đổng Kiến Hoa. Đến năm 2005, ông Đổng Kiến Hoa từ chức, ông Tăng Âm Quyền thay. Năm 2012, ông Lương Chấn Anh kế nhiệm. Năm 2017, đặc khu này sẽ bầu lại người đứng đầu.
Ngày 31-8-2014, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua quyết định quan trọng liên quan việc bầu cử Hội đồng Lập pháp và Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hongkong. Theo quyết định mới này, từ năm 2017, việc bầu Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hongkong sẽ tiến hành theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Nhưng các ứng cử viên sẽ được Ủy ban Đề cử chọn từ hai đến ba người. Người được chọn phải đạt được 50% số phiếu của Ủy ban Đề cử. Ứng cử viên trúng cử vào chức vụ Đặc khu trưởng phải do Chính phủ Trung ương Trung Quốc bổ nhiệm.
Giới trí thức và sinh viên cho rằng đây là lối bầu cử giống như trong nội địa Trung Quốc mà họ cho rằng đó không phải là một cuộc bầu cử dân chủ.
Ông Lương Chấn Anh sinh ngày 12-8-1954 trong một gia đình cảnh sát bình thường ở Hongkong. Quê gốc của ông ở thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông đã kết hôn năm 1981 với một nữ luật sư khá tên tuổi ở Hongkong và họ hiện có ba con, một trai, hai gái.
Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Hongkong, ông qua Anh học về Kiểm định chất lượng công trình xây dựng tại Đại học West of England. Trở về trong một thời gian ngắn, ông đã trở thành một người có tên tuổi ở thương trường cũng như chính trường Hongkong. Mới 30 tuổi, ông làm chủ tịch một công ty bất động sản ở Hongkong với thu nhập cá nhân hơn 1 triệu USD/năm. Sau đó được cử giữ chức Trưởng tiểu ban Hội đồng Điều hành của Hongkong cho đến tháng 9-2011. Trong vụ tranh cử Đặc khu trưởng Hongkong nhiệm kỳ 4 từ ngày 1-7-2012 đến ngày 30-6-2017, ông đã đương đầu với hai ứng cử viên khác là Đường Anh Niên và Hà Tuấn Nhân. Kết quả ông được 689 phiếu, ông Niên 285 phiếu và ông Nhân 76 phiếu. Ông đắc cử.
Hàng chục người bị thương trong biểu tình ở Hongkong
Cuộc biểu tình ở Hongkong đã bước sang tuần thứ tư và thế bế tắc đang gia tăng khi chính quyền không có nhiều lựa chọn để chấm dứt khủng hoảng, trong khi người biểu tình ngày càng sẵn sàng đối đầu với cảnh sát.
Hãng tin Reuters cho biết, hàng chục người, trong đó có 22 cảnh sát, được cho là đã bị thương trong hai đêm đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát bắt đầu từ ngày thứ Sáu (17-10). Các cuộc đụng độ đã diễn ra ở quận đông dân Mong Kok. Cảnh sát Hongkong cho biết, bốn người đã bị bắt vào sáng sớm Chủ nhật (19-10).
Đến 20-10, căng thẳng đã lắng xuống ở khu Mong Kok, nhưng nhiều người biểu tình vẫn có mặt trên đường phố ở quận này.
Hy vọng về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Hongkong kể từ khi vùng lãnh thổ này được trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 hiện đang nằm cả ở cuộc đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày mai giữa các thủ lĩnh biểu tình và quan chức chính quyền. Theo kế hoạch, cuộc đàm phán sẽ được truyền hình trực tiếp.
Tuy vậy, dư luận không kỳ vọng nhiều vào khả năng đạt giải pháp trong cuộc đàm phán này, bởi hai bên đang có sự khác biệt quan điểm quá lớn về cách thức tiến hành cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính vào năm 2017.
Đ.N