Hiện nay, sữa đã trở thành thực phẩm quan trọng trong đời sống, đặc biệt là đối với trẻ em. Nước ta có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi nên việc bình ổn giá mặt hàng sữa cho đối tượng này là rất cần thiết. Thời gian qua, cụ thể là trong năm 2013 và quý I-2014, giá sữa dành cho trẻ em liên tục tăng khiến nhiều bậc làm cha mẹ chuyển từ lo lắng sang bất bình. Đã có nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước sớm có biện pháp can thiệp để bình ổn giá sữa. Vấn đề đặt ra là liệu dùng biện pháp hành chính để quản lý giá sữa có trái với những cam kết thương mại WTO không?
Tại nhiều nước, từ Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc đến New Zealand, Mỹ…, những biện pháp quản lý đặc thù để bình ổn giá sữa đều đã được vận dụng. Vì vậy, sau khi kiểm tra thị trường sữa và tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng biện pháp áp giá trần để bình ổn giá mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 5 tuổi, đảm bảo không phân biệt đối xử, không phương hại đến lợi ích của nhà nhập khẩu sữa của nước thành viên WTO.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 4-2014 của Chính phủ vào chiều tối ngày 29-4, Bộ Tài chính đã chính thức trình Thủ tướng Chính phủ phương án bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp áp giá trần định kỳ thời hạn 12 tháng nhằm đối phó với tình trạng các doanh nghiệp sữa bắt tay nhau tăng giá, thu lợi 20 – 30% và đã được Thủ tướng đồng ý. Việc này có thể sẽ giúp giá sữa giảm khoảng 50-70 ngàn đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành sữa phải đăng ký giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực hiện kê khai đầy đủ và chính xác các mặt hàng sữa cũng như thu nhập doanh nghiệp, các loại thuế, không được chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị vượt mức quy định. Sau khi có nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 4-2014, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai ngay biện pháp này.