Các cuộc xung đột về quân sự và sắc tộc tại nhiều điểm nóng của thế giới như Syria, Iraq và Lebanon không chỉ gây ra thương vong cho hàng chục ngàn người, sự tàn phá những nền kinh tế yếu ớt, mà còn ngăn trở các chương trình dài hạn của Liên Hiệp Quốc nhằm xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng đất trên các châu lục. Bên cạnh đó, những rối loạn chính trị ở các nước như Libya, Tunisia, Ai Cập khiến cho triển vọng hoàn tất các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015, đặc biệt trong thế giới Ả Rập, trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Trong khi đó, giữa lúc phải trải qua sự thất bại lớn về phát triển con người, gồm các mặt giáo dục, chăm sóc sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, Syria còn bị coi là một trong những quốc gia đã làm cho các rối loạn kinh tế lan rộng ra trong vùng. Theo một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cuộc xung đột tại Syria đã kéo lùi việc hoàn tất chương trình phát triển con người của nước này 35 năm, để cho trên 50% dân số (12,6 triệu người) sống trong sự nghèo khổ, 9,3 triệu người cần được hỗ trợ về mặt nhân đạo và 6,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Không chỉ vậy, còn có thêm 2,3 triệu người Syria bỏ nước đi qua nhiều nước lân cận để tìm sự sống, nhưng 80% trong số họ không ở trong các trại tị nạn mà sống lẫn lộn trong cộng đồng dân cư bản xứ, tạo ra những xáo trộn về mặt an ninh trật tự, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở…
Lều trại của người tị nạn Syria
Xét về mặt tác động của cuộc xung đột ở Syria lên sự phát triển chung của khối Ả Rập, có thể thấy những biểu hiện như:
– Cuộc xung đột trên đã làm nổ ra những vụ bạo động sắc tộc ở hai nước lân cận là Iraq và Lebanon.
– Theo một kết quả nghiên cứu hỗn hợp của Ngân hàng Thế giới và Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột ở Sirya đã làm giảm gần 3% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hằng năm của Lebanon, tương đương 7,5 tỉ USD.
– Ở Jordan, kinh phí cho việc hỗ trợ người tị nạn Syria có thể vượt quá 1,5 tỉ USD, riêng Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq cũng bị ảnh hưởng tương tự.
– Cuộc xung đột tại Syria còn kìm hãm sự phát triển kinh tế của Ai Cập, Tunisia và Yemen, khi cả ba nước này đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị đầy phức tạp.
Để góp phần giảm thiểu những tác hại do cuộc xung đột ở Syria gây ra, UNDP cần khoảng 166 triệu USD trong số 2,4 tỉ USD mà các nước tham dự hội nghị tại Kuwait đã hứa đóng góp, trong đó có 400 triệu USD đóng góp của các tổ chức phi chính phủ. Tổ chức này sẽ đề ra những ưu tiên khác nhau với sự đồng thuận của các nước cung cấp viện trợ cùng nhiều cơ quan quốc tế khác như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Văn phòng Cao ủy LHQ về
người tỵ nạn, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA)…
Lê Nguyễn tổng hợp