Đoàn tụ với người thân yêu đã khuất là một khoảnh khắc tuyệt vời, cho dù chỉ là trong giấc mơ. Nhưng công nghệ đang làm cho các cuộc đoàn tụ trong mơ trở thành hiện thực, ban đầu với những hình ảnh, giọng nói cùng các cuộc đàm thoại trên mạng xã hội, và nay bắt đầu thời kỳ những cuộc hội ngộ diễn ra thực sự trong thế giới ảo. Đó hẳn sẽ là những cuộc hội ngộ đẫm nước mắt.
Mẹ ơi! Mẹ ở đâu? Mẹ còn nhớ con không?
Khi con bướm trắng bay qua và tìm chỗ đậu, người ta bắt đầu nghe văng vẳng tiếng hát quen thuộc của Nayeon ở đâu đó. Và rồi Jang, người mẹ đau khổ mất con từ mấy năm trước, tuôn trào nước mắt khi thấy đứa con gái chạy về phía mình và la lên: “Mẹ ơi, mẹ đã ở đâu thế? Mẹ còn nhớ con không?”. Trong niềm nhớ nhung vô hạn, bà Jang âu yếm trả lời: “Mẹ luôn nhớ con, nhớ con mọi lúc”. Và khi cô bé lên tiếng: “Con rất nhớ mẹ”, bà cũng trả lời: “Mẹ cũng rất nhớ con”.
Người cha và những anh em của Nayeon quan sát cuộc đoàn tụ cũng không thể nào cầm được nước mắt, và chắc chắn những ai xem buổi trình chiếu qua màn hình cũng cảm thấy mũi lòng bởi cùng chia sẻ với cảm xúc của hai mẹ con và gia đình, và cả bởi vì ai trong chúng ta cũng đã mất đi những người thân yêu và ước mong có ngày gặp lại dưới bất cứ hình thức nào. Có thể công nghệ đã đi quá xa khi mạnh dạn đưa những người đã khuất trở về với gia đình, và đó lại là niềm hy vọng của những người đang sống.
Vì sợ đứa con biến mất như trong những giấc mơ nên bà Jang đã thận trọng khi đưa tay chạm vào con gái, nhưng Nayeon khăng khăng đòi: “Mẹ ơi, xin hãy nắm tay con”. Cuối cùng, bà cũng cầm được tay con gái mình và những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt. Cha, anh trai và em gái của Nayeon đã xem cuộc gặp gỡ mà họ mơ ước ở bên cạnh sân khấu ảo cũng òa lên khóc. Sau đó, một bữa tiệc sinh nhật được tổ chức với súp rong biển và họ thắp nến trên chiếc bánh sinh nhật với Nayeon, với mong muốn từ nay người mẹ sẽ không còn khóc.
Nayeon là người con thứ ba trong gia đình đã qua đời năm 2016 lúc lên 7 tuổi bởi một bệnh nan y. Từ đó, bà Jang xâm tên và ngày sinh của con lên mình để nhớ, và luôn đeo theo mặt dây chuyền có chứa tro cốt của Nayeon. “Có lẽ đó là chốn thiên đường”, bà Jang Ji-sung nói về khoảnh khắc bà gặp lại được đứa con quá cố của mình. Bà nói tiếp: “Tôi đã gặp Nayeon, nó gọi tôi sau một nụ cười, trong một thời gian rất ngắn, nhưng đó là khoảng thời gian rất hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng tôi đã có giấc mơ mà tôi luôn mong muốn”.
Một công nghệ, một tác phẩm cho mỗi một người
Đây là một đoạn trong bộ phim tài liệu đặc biệt mô tả cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt giữa hai mẹ con được Munhwa Broadcasting Corporation thực hiện và trình chiếu công khai trên truyền hình Hàn Quốc vào ngày 6.2.2020 trong chương trình “Tôi đã gặp bạn”. Đội ngũ sản xuất đã làm việc trong 8 tháng, sử dụng công nghệ thực tế ảo (virtual reality) để biểu thị khuôn mặt, cơ thể và giọng nói của Nayeon. Cuộc hội ngộ diễn ra trong khung cảnh một công viên có những kỷ niệm về Jang và con gái. Và, để có thể nhìn thấy Nayeon, bà Jang phải đeo cặp kính VR, và để có thể sờ mó vào đứa con, bà phải mang đôi găng tay cảm xúc.
Khác với những cảnh quay điện ảnh, nhóm sản xuất đã phải thiết kế một công viên ảo tương tự như công viên thực nơi Nayeon và mẹ vẫn đi dạo. Việc tiếp theo là họ dùng một diễn viên nhí với cùng lứa tuổi để ghi lại những chuyển động mà về sau trở thành nền cho một Nayeon đã khuất. Quá trình thực sự không đơn giản, và sản phẩm cuối cùng có thể không hoàn hảo. Nhưng giờ đây đoạn phim thực tế ảo đã được trình chiếu đầy thuyết phục và khiến những người thân yêu của họ cùng khán giả màn hình rơi nước mắt. Nhưng tác động của công nghệ đưa người thân trở về đoàn tụ trong môi trường ảo sẽ không dừng lại tại đó.
Bà Jang cho biết đã chấp nhận xuất hiện trong đoạn phim trình chiếu công khai để an ủi “những người mất con như tôi, hoặc mất anh trai hoặc cha mẹ”. Có thể lúc này phải mất một nhóm chuyên gia để sản xuất, và vấn đề là chúng ta đã đi một quãng đường dài trong việc tạo ra những đoạn phim về người thân yêu đã qua đời, và rồi tương tác với họ qua phiên bản ảo, không phải chỉ với những kỷ niệm đau buồn. Trong tương lai không xa, nhiều người sẽ nghiện phiên bản thực tế ảo, và nay là lúc các nhà tâm lý và nhà quản lý phải vào cuộc, bởi mỗi câu chuyện có thể không chỉ dừng lại ở những phiên bản ảo đó.
Đoàn tụ ảo, một số công ty đã vào cuộc
Một số công ty khởi nghiệp đang gấp rút đặt nền tảng cho những tương lai đoàn tụ đó; họ đang tổng hợp dữ liệu về người sống và người chết để có thể tạo ra các avatar kỹ thuật số cho những người đã khuất. Chía khóa cho thị trường đoàn tụ ảo là người sống chấp nhận rằng người thân của họ đã mất, và chấp nhận tương đương ảo với những gì nó đang có – một dấu tích an ủi. Ở đây cần những quy định quản lý vì liên quan đến riêng tư: thay vì để cho các công ty công nghệ tự tiện cung cấp phiên bản ảo cho thị trường, họ chỉ được phép thực hiện nghiêm ngặt phiên bản do chính những người thân yêu của người đã khuất đặt hàng, với những dữ liệu chọn lọc của khách hàng hay được sự đồng ý của khách hàng.
Phong trào tự chuẩn bị cuộc sống số cho mình sau khi mất hoặc cho người thân sau khi qua đời đã nổi lên từ nhiều năm trước, với những chỉ dẫn từ các công ty tư vấn. Nhưng nay các công ty khởi nghiệp đã nhảy vào cuộc trước một thị trường rộng mở, với việc hình thành các avatar kỹ thuật số cho những người đã khuất. Một loạt những nền tảng avatar kỹ thuật số cho người chết đã xuất hiện, từ HereAfter đến Flybits, từ những robot lai đến nền tảng kỹ thuật số lai (digital clone) như Eternime, chẳng những có khả năng tương tác giữa người sống và kẻ chết, mà còn có khả năng tự phản chiếu chính mình. Tất cả những ngôn từ, những ý niệm có thể còn xa lạ, nhưng khi đưa trí khôn nhân tạo (AI) vào công nghệ thực tế ảo (VR), mọi chuyện đều có thể trở thành hiện thực.
Công nghệ phản chiếu không chỉ làm cho thực tế ảo phong phú hơn mà còn làm cho người đã chết, với hiểu biết và kinh nghiệm của mình (như một giám đốc chẳng hạn), tiếp tục trao đổi, tư vấn cho người đang sống. Đây là một hướng đi mới trong việc tạo avatar kỹ thuật số cho người đã khuất, và hơn thế nữa đưa công nghệ này vào ngành giải trí. Fable Studio đã tạo ra một nữ diễn viên thực thể ảo như thế, đặt tên là Lucy như trong tiểu thuyết The Wolves in the Walls. Khác biệt ở đây là khi những đứa trẻ đeo cặp kính VR nhẹ nhàng lên đầu, chúng có thể nói chuyện với Lucy, thậm chí tập hát với Lucy. Điều kiện duy nhất là cung cấp tiểu sử của các cháu bé cho Fabre đưa vào bộ dữ liệu.