Trên vùng biển Thái Bình Dương đang có một cuộc cạnh tranh khốc liệt về đánh bắt hải sản giữa năm nước và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Đài Loan và Mỹ. Nhật Bản từ vị trí một nước hàng đầu trong đánh bắt và tiêu thụ hải sản, đang dần bị lấn thế bởi những nước khác, khiến việc cung cấp hải sản cho các hộ gia đình và nhà hàng gặp nhiều khó khăn. Với món ăn từ cá mà các gia đình Nhật Bản thường sử dụng là sushi và sashami, Nhật Bản từng 16 năm liền là quốc gia đánh bắt cá hàng đầu thế giới. Nhưng đến năm 1987, vị thế này không còn nữa, sản lượng đánh bắt được đã từ cao điểm 12 triệu tấn/năm giảm còn khoảng 4 triệu tấn/năm.
Trong nửa thế kỷ qua, mức tiêu thụ (tính theo đầu người) cá và tôm cua sò ốc hằng năm trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi do nhận thức về sức khỏe của con người được nâng cao. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ nhiều hải sản nhất thế giới. Với dân số 1,38 tỉ người, trong năm năm qua, lượng hải sản họ đánh bắt được đã tăng hơn 20%. Tuy nhiên, việc đánh bắt gần bờ đã gây ra tình trạng lạm thác và ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp trong nước. Ngư dân Trung Quốc tham gia tìm ngư trường mới cùng các đồng nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc, các phương tiện truyền thông Trung Quốc có lúc gọi đó là thế chân vạc trên biển như thời Tam quốc.
Giữa tháng 8-2017, một buổi sáng, các đoàn tàu trở về cảng Hanasaki ở Hokkaido (Nhật Bản), trên thuyền đầy cá thu (mackerel) và cá thu đao (saury), ước khoảng 700 tấn. Điều làm Hiệp hội cá thu đao Hokkaido không hài lòng là khối lượng bình quân cá đánh bắt được chỉ khoảng 120gr/con, không được 150 – 180gr/con như trước. Vấn đề không chỉ là khối lượng cá, mà còn là tổng sản lượng. Theo Hiệp hội cá thu đao Nhật Bản, năm 2016, lượng cá thu đao đánh bắt được là 109.000 tấn, chỉ bằng 1/2 lượng đánh bắt năm 2014, và 1/3 lượng đánh bắt năm 2008. Có hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, một là nhiệt độ nước biển tăng lên và hai là cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều đánh bắt một lượng cá thu đao rất lớn.
Người ta đặt ra câu hỏi vì sao người Trung Quốc không tiêu thụ nhiều cá thu đao, nhưng lại đánh bắt nhiều cá thu đao đến thế. Câu trả lời của GS Takeshi Hamada, Trường Đại học Hokkai-Gakuen ở Hokkaido, là trước vụ sóng thần ngày 11-3-2011 đánh vào miền đông bắc nước Nhật, Nhật Bản xuất khẩu nhiều cá thu và cá thu đao cho Nga để làm cá đóng hộp, nhưng sau thiên tai, lượng cá do Nga nhập của Nhật sụt giảm nghiêm trọng nên Moscow phải trông cậy vào cá của Trung Quốc và Đài Loan. Tháng 7-2017, Ủy ban Ngư nghiệp Bắc Thái Bình Dương đã tổ chức một hội nghị về cá thu đao tại Sapporo, Hokkaido. tại đây, Nhật Bản đã đề nghị cấp quota (hạn ngạch) khai thác cho mỗi nước, nhưng phía Trung Quốc, với sự ủng hộ của Nga và Hàn Quốc, đã bác bỏ đề nghị này. Không chỉ riêng cá thu đao, các loại hải sản của Nhật như cá ngừ, tôm, mực ống cũng đang bị cạnh tranh mạnh mẽ từ bên ngoài. Từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm, lượng đánh bắt được mỗi ngày của các hải sản này đã từ mức 500-1.000 tấn trước đây giảm còn hơn 400 tấn.
- LHCT tổng hợp