Dòng cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần lớn, đang tạo sóng trên thị trường chứng khoán và được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường trong năm nay. Ngoài vấn đề về khẩu vị đầu tư, chắc hẳn giới đầu tư chứng khoán đã nhận ra tiềm năng của ngành ngân hàng trong ngắn hạn cũng như trung hạn. Điều này cũng có nghĩa tương lai của ngành này được dự báo là khá tươi sáng. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra với hệ thống ngân hàng thương mại trong năm qua, vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm, dù các chỉ số cơ bản của hệ thống được đánh giá khá tốt, quy mô hoạt động của một số ngân hàng được mở rộng…
Theo dữ liệu cập nhật về các chỉ tiêu cơ bản của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trong năm qua do Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, các chỉ tiêu quan trọng nhất như tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của hệ thống được giữ ở mức tốt (12,75%), tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung, dài hạn khá thấp (20,15%) so với “trần”, quy mô tổng tài sản có của toàn hệ thống tiếp tục tăng trưởng (12,2%),… Những chỉ số này cho thấy các ngân hàng đang thực hiện việc kinh doanh đồng vốn một cách nghiêm túc nhằm đảm bảo sự an toàn cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quy mô vốn của các tổ chức tín dụng lại có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tổng quy mô vốn điều lệ và vốn tự có của toàn hệ thống đều tăng trưởng kém, trong đó vốn tự có toàn hệ thống tăng 4,36%, còn tổng quy mô vốn điều lệ chỉ tăng 3,29%. Hai nguồn vốn này phản ánh rõ nhất quy mô của các ngân hàng thương mại, ảnh hưởng trực tiếp tới độ an toàn đối với người gửi tiền, chưa kể đó chính là cơ sở để các tổ chức tín dụng có thể mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh, mở thêm chi nhánh mới… Nếu muốn ổn định và phát triển, các ngân hàng thương mại phải tăng được hai loại vốn này. Tốc độ tăng trưởng thấp của vốn điều lệ và vốn tự có của các ngân hàng thương mại cũng đã nói lên sự khó khăn trong hoạt động của các ngân hàng cũng như sự giảm sút về mức độ thu hút các nguồn vốn đầu tư của lĩnh vực này trong thời gian qua.
Đó không phải là sự thu hút trên thị trường thứ cấp, phản ánh qua việc mua đi bán lại cổ phiếu của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán – không đem lại sự thay đổi nào về nguồn vốn chủ sở hữu, mà là sự thu hút vốn trên thị trường sơ cấp để có thể tăng vốn của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng thời gian qua đã không thể tăng được vốn điều lệ dù đã lên kế hoạch, đặc biệt là các ngân hàng chưa niêm yết. Phần lớn cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết được giao dịch dưới mệnh giá và thanh khoản kém, khiến cho yêu cầu thực hiện niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại trên sàn chứng khoán khó thể diễn ra.
Trong quá trình tái cơ cấu và sắp xếp lại hệ thống ngân hàng sẽ diễn ra quyết liệt trong năm nay, quy mô nguồn vốn tự có là một chỉ tiêu tạo áp lực cho nhiều ngân hàng nhỏ. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng vốn, bởi Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt hơn trong việc giám sát nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, vay mượn, vốn ảo của các ngân hàng, buộc các cổ đông lớn phải chứng minh được nguồn vốn tham gia đầu tư vào ngân hàng thương mại. Nếu không giải quyết được vấn đề này, một số ngân hàng nhỏ sẽ phải sáp nhập. Sẽ có ít nhất sáu ngân hàng phải sáp nhập trong năm nay, theo thông tin từ cơ quan chủ quản của ngành ngân hàng. Dù sao thì động thái này cũng sẽ củng cố hệ thống, giúp cho các ngân hàng thương mại đi vào giai đoạn phát triển bền vững.
Minh Hằng (DNSGCT)