Vì sao thị trường chứng khoán nước ta thời gian qua đi lên nhưng vẫn không khiến cho giới chuyên gia kinh tế lạc quan? Câu trả lời đã được đưa ra, đó là vì sự tăng trưởng ấy không đồng hành với diễn biến của kinh tế trong nước cũng như hoạt động kinh doanh của đa số doanh nghiệp trên sàn niêm yết. Nhờ hai cột trụ chính là động thái mua ròng của khối ngoại và giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng mà hai chỉ số chính trên thị trường (VN-Index và HNX-Index) vẫn trong xu hướng đi lên kể từ đầu năm. Không có nền tảng tăng giá vững chắc, thị trường cần một “cú sốc” để… rơi và trở về vùng giá trị thực, dù rằng nhiều nhà đầu tư cá nhân không muốn điều này.
Cú sốc ấy đã đến, vào ngày cuối tuần 24-6, sau khi người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Sự kiện này khiến cho thị trường tài chính toàn cầu chao đảo với những hệ lụy: bảng Anh mất giá (hơn 8% so với USD, xuống thấp nhất kể từ 30 năm qua), euro và giá dầu cũng giảm, giá vàng tăng mạnh (lên mức cao nhất trong vòng hai năm) và đặc biệt là chứng khoán toàn cầu lao dốc (chứng khoán châu Âu và châu Á có phiên giao dịch tệ nhất trong nhiều năm). Đó là điều tất yếu trên thị trường tài chính toàn cầu khi xảy ra biến cố, bởi những tài sản có độ rủi ro cao như chứng khoán luôn bị nhiều nhà đầu tư ưu tiên bán ra để mua về những tài sản có tính an toàn cao như vàng.
Cũng trong ngày 24-6 đó, VN-Index có lúc giảm tới hơn 30 điểm, dù cuối cùng chỉ giảm 11,6 điểm, nhưng cũng đủ để xóa đi những nỗ lực tăng điểm suốt cả tuần trước đó. Ngoài những tác động đến chỉ số chung, Brexit còn gián tiếp có tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với khu vực EU, như các doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… trong thời gian tới. Có thể nói, Brexit chính là cái cớ để đợt điều chỉnh trở nên mạnh hơn trong ngắn hạn, bởi thị trường chứng khoán rất thích phản ứng quá đà, đặc biệt là áp lực bán chốt lời tại nhiều mã cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua. Nhưng điều đó không hẳn là tiêu cực, vì sẽ giúp thị trường xác lập vùng giá mới, hấp dẫn hơn. Như đã nói, trong bối cảnh thị trường đã trải qua chu kỳ tăng điểm khá dài gần nửa năm dù thiếu các yếu tố hỗ trợ cơ bản, sự kiện Brexit sẽ là liều thuốc thử cần thiết.
Và rủi ro luôn đi kèm với cơ hội dành cho nhà đầu tư. Một trong những điển hình cho việc nắm bắt thời cơ chính là tỉ phú đầu tư George Soros – người nổi tiếng sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn 1 tỉ USD chỉ trong một ngày (Ngày thứ Tư đen tối, khi đồng bảng Anh phải rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái cố định châu Âu – ERM). Ông đã cảnh báo giới đầu tư về biến cố này trước đó và quỹ đầu tư của ông cũng tích cực mua vào các tài sản liên quan đến vàng. Ngoài ra, với các nhà đầu tư tỉnh táo, mua khi thị trường hoảng loạn và bán khi thị trường hưng phấn chính là một trong những cách tốt nhất để hiện thực hóa lợi nhuận. Nhờ những người “đi ngược dòng” này mà thanh khoản của thị trường mới tăng vọt trong phiên 24-6, trở thành phiên có khối lượng giao dịch khớp lệch nhiều nhất lịch sử HSX (4.809 tỉ đồng). Chưa kể, vẫn có những doanh nghiệp hưởng lợi từ việc bảng Anh và euro giảm giá, đó là những đơn vị có các khoản vay hay tài trợ bằng hai đồng tiền này. Điều ấy lý giải vì sao vẫn có những cổ phiếu “ngược dòng” tăng giá khi hai sàn “đỏ rực”. Ngoài ra, việc thị trường đi xuống cũng giúp cho nhóm cổ phiếu penny hưởng lợi, do nhóm này không bị tác động mạnh từ thị trường chung như các bluechip.
Ngọc Khang (DNSGCT)