Trong thời điểm lễ tốt nghiệp tại các trường đại học trên cả nước đang cận kề, chính phủ Mỹ tuần qua công bố một tin vui hiếm hoi cho các tân cử nhân rằng thị trường việc làm đã khởi sắc trở lại. Rõ ràng, tìm kiếm việc làm, đặc biệt là công việc mơ ước, vẫn đang ngày một khó khăn đối với những sinh viên mới ra trường tại Mỹ, khi ngày càng có nhiều người sẵn sàng chấp nhận làm những công việc nằm ngoài lĩnh vực học tập hoặc chi trả ít lương hơn họ kỳ vọng. Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2013 đối với sinh viên tốt nghiệp trong độ tuổi 20-29 với tấm bằng cử nhân vẫn ở mức rất cao (10,9%) dù đã giảm mạnh so với mức 13,3% của năm 2012. Bởi con số ấy vẫn còn cao hơn tỷ lệ 9,6% của tất cả thanh niên Mỹ trong độ tuổi 20-29 bao gồm cả những người không có bằng cử nhân. Nói cách khác, trong bối cảnh hiện nay, mang bằng cử nhân tại Mỹ lại dễ thất nghiệp hơn những người chưa tốt nghiệp cử nhân hoặc không theo đuổi con đường đại học. Còn xét về lâu dài, theo chuyên gia tại Đại học Colorado School of Mines, những ai mang bằng cử nhân hẳn nhiên có khả năng cao hơn khi tìm kiếm việc làm và được trả lương cao hơn những người không có bằng cấp. Dù cơ hội việc làm của họ hiện còn thấp nhưng số lượng ấy đang ngày một tăng. Mặt khác, số liệu thống kê từ tháng 10-2013 cũng cho thấy nữ dễ kiếm việc làm hơn nam khi 9% nữ giới tốt nghiệp bị thất nghiệp trong khi con số ấy ở nam giới là 13,7%. Giới phân tích nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ suốt những năm gần đây tạo ra nhiều việc làm hơn trong các lĩnh vực có mức thu nhập thấp như bán lẻ, dịch vụ nhà hàng và khách sạn và đó là những ngành phù hợp với nữ giới hơn. Thậm chí, cả ngành y tế, vốn dĩ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế vừa qua cũng đang thu hút nhiều nữ hơn nam.
Hội chợ việc làm tại Trường Đại học Harvard
Ngoài ra, khảo sát hồi năm 2013 từ Công ty tư vấn McKinsey & Company cho thấy 41% sinh viên tốt nghiệp từ nhóm các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Princeton, Yale, Pennsylvania, Harvard hay Colombia và 48% tại các trường đại học khác không thể kiếm được làm phù hợp với lĩnh vực học tập sau khi tốt nghiệp. Nhóm nghiên cứu tại Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh New York cho thấy kể từ đầu năm nay, hiện tượng sinh viên có bằng cử nhân làm việc tại các ngành có mức lương thấp hay làm việc bán thời gian đang ngày càng phổ biến. Bộ Lao động Hoa Kỳ cũng cho biết 260.000 sinh viên tốt nghiệp trong năm 2013 giờ đây vẫn đang bị “kẹt” tại các vị trí trả lương tối thiểu 7,25 USD/giờ, cao gấp đôi con số 127.000 người vào năm 2007. Một báo cáo khác từ Trường University of British Columbia và York University tại Canada cho thấy sinh viên giờ đây sẵn sàng làm nhiều công việc chân tay và đơn giản hơn giai đoạn năm 2000 bởi các công ty kỹ thuật giờ đây đã giảm bớt vị trí quản lý cấp trung và sinh viên buộc phải cạnh tranh ở những công việc đòi hỏi ít bằng cấp hơn. Trong phần kết luận, bản báo cáo nêu một thực tế là việc sở hữu bằng cử nhân giờ đây không phải nhằm dễ xin vào những vị trí quản lý hay kỹ sư lương cao mà để vượt mặt những công nhân ít bằng cấp hơn cho các vị trí thư ký hay phục vụ nhà hàng mà thôi.
B. Trịnh theo AP