Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí vẫn đang nợ quá hạn 1.731 tỉ đồng (nợ của Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất – nhận bàn giao từ Vinashin). Kế đến là nợ quá hạn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam 467 tỉ đồng, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 6 là 128 tỉ đồng, Tổng công ty Rau quả nông sản 30 tỉ đồng.
Theo báo cáo của các công ty mẹ, tổng số nợ phải trả là 606.606 tỉ đồng, tăng 22% so với 2010, nợ nước ngoài là 142.853 tỉ đồng, bằng 23,5% tổng nợ phải trả, tăng 14% so với năm 2010. Đáng chú ý, Công ty mẹ – EVN nợ nước ngoài lên tới 99.260 tỉ đồng (do vay đầu tư nhà máy điện). Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 24.027 tỉ đồng (do vay đầu tư mua máy bay mới). Có đến 18 công ty mẹ, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần, trong đó năm công ty mẹ trên 10 lần.
Với nợ nước ngoài, Bộ trưởng Huệ cho hay, theo quy định của Luật Quản lý nợ công thì trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn Bộ Tài chính sẽ ứng tiền từ quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay, không lấy từ ngân sách hằng năm. Các doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc và có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền được ứng cho quỹ.
Cho tới thời điểm hiện tại, quỹ tích lũy trả nợ đang ứng trả thay cho Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng, đều là các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ với tổng số tiền là 109,7 triệu USD.
Trong một diễn biến khác, phương án phân bổ ngân sách năm 2013 lại dành khá nhiều khoản cho các tập đoàn, tổng công ty.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách Trung ương, theo đó trong năm 2013 ngân sách Trung ương sẽ bố trí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) 1.600 tỉ đồng theo quy định của Luật Dầu khí về thu nhập từ hoạt động dầu khí sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được ngân sách nhà nước giao lại một phần hợp lý cho tập đoàn này.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ được bố trí 238 tỉ đồng để nhằm đưa điện về thôn bản, đồng bào dân tộc nghèo. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được bố trí 25,2 tỉ đồng để nhằm thực hiện dịch vụ viễn thông công ích.
Ngoài ra, hai tổng công ty khác là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được bố trí 1.824,5 tỉ đồng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 17 tỉ đồng để thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao.