Trong bài “Cảm ơn Asimo” (DNSGCT 40), có câu “Asimo không rõ giới tính, trông hùng dũng giống trai mà tiếng nói thanh thót như gái, thân hình lại giống trẻ con, có vẻ còn thiếu thiếu một thứ gì”.
Cái chuyện “còn thiếu thiếu một thứ gì” đó khiến cho bạn Thiên Trần, một Việt kiều ở Úc cảm khái “meo” cho tôi như sau: “…Asimo vạm vỡ với tiếng nói thanh thót có thể sẽ đánh dấu bước ngoặt “thiếu thiếu một thứ gì” trong tiến hóa của nhân loại.
Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo ra một con chuột đặt tên là Kaguya (tên một nàng công chúa trong huyền thoại Nhật) từ hai chuột mẹ, không cần phải có chuột cha. Tức là rồi đây có thể sẽ xảy ra tình trạng thừa thãi đàn ông, và theo thuyết Tiến hóa thì cái gì không dùng sẽ thun lại và biến mất”.
Anh bức xúc nói thêm: “Có lẽ vì vậy mà càng ngày càng có thêm nhiều gia đình đồng giới, nhiều người đeo vòng vàng lỗ mũi, lỗ tai, rún, lưỡi, bụng, chỗ nào cũng có…”. Chuyện từ không cần có chuột đực mà anh liên hệ tới thừa thãi đàn ông rồi nào tiến hóa, nào thun lại, nào biến mất… quả là phong phú. Anh có lo xa quá không?
- Xem thêm: Cảm ơn Asimo
Đúng là mới đây GS. Tomohiro Kono của trường Đại học Nông nghiệp Tokyo cùng các đồng sự đã lần đầu tiên thành công trong việc tạo ra một con chuột (một sinh vật có vú) bằng cách phối hợp hai cái trứng của hai con chuột cái.
Trong thí nghiệm này, hàng ngàn cái trứng chuột đã được hoạt hóa bằng hóa chất rồi “chập” vào nhau để tạo thành phôi mà không cần có tinh trùng của chuột đực, sau đó đem cấy vào tử cung các chuột “mẹ”.
Bằng cách đó, các nhà khoa học đã tạo ra được 28 con chuột con nhưng chỉ có một mình “công chúa” Kaguya còn sống sót, còn lại đều đã chết trong bụng mẹ hoặc bất thường, quái thai… Chuyện sinh sản đơn tính này hiện còn gặp nhiều khó khăn – vì tỷ lệ sống sót chỉ có 0,6% – nhưng cũng đặt ra nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Rồi đây liệu có phải hình ảnh “thiếu thiếu một thứ gì” của Asimo đó sẽ trở thành phổ biến, là đương nhiên, là mẫu “lý tưởng” của tương lai khi mà con người ngày càng trở nên “bận rộn”, ngày càng muốn được nhanh chóng, thuận lợi, đơn giản, đa năng, sẵn sàng “mọi lúc mọi nơi”?
Trong thang tiến hóa đã có những sinh vật mà bộ phận sinh dục đực và cái “cài” sẵn trên cùng một cơ thể, “trên cả tuyệt vời”, vì không cần phải vất vả tìm kiếm “nửa kia” của mình ở đâu cho mệt! Khi tiến hóa cao hơn một chút mới phân biệt ra đực cái, trống mái, rồi… nam nữ.
Ngay ở con người, trong giai đoạn đầu của phôi (gọi là phôi dâu), vẫn chưa có giới tính, mãi đến tuần lễ thứ sáu trong bụng mẹ mới xuất hiện những cấu trúc đầu tiên nhưng vẫn còn mang tính lưỡng năng, có thể biến thành trai hay gái tùy… “duyên”, tức là tùy các kích thích tố phát xuất từ vùng dưới đồi của não bộ. Nếu thiếu các kích thích tố này thì phôi đương nhiên sẽ phát triển thành nữ.
Thai hai tháng vẫn còn chưa phân biệt được giới tính mà phải sau ba tháng tuổi trong bụng mẹ mới biết được là “thằng cu hay cái bướm”. Trong suốt quá trình chuyển hóa như thế, cái khuynh hướng “cái bướm” lúc nào cũng mạnh mẽ hơn, cũng sẵn sàng hơn, cũng thuận lợi hơn.
- Xem thêm: Chuyện… “mê tín dị đoan”!
Về sinh học đã vậy mà về môi trường cũng đáng ngại. Tại Anh quốc gần đây, các nhà môi trường học đã báo động một nửa số cá đực trên các sông lớn đã dần dần biến thành cá cái, khoảng một phần tư số cá đực còn lại thì bị vô sinh do tinh trùng quá yếu, nào quặt quẹo, nào đứt đuôi. Lý do là trong nước thải đổ ra các sông có quá nhiều lượng kích thích tố nữ.
Đến một lúc nào đó, người ta sợ rằng con người có thể ăn những con cá tích chứa nhiều kích thích tố nữ đó cũng sẽ hóa nữ. Hình như chuyện vô sinh của nam giới đã ngày càng nhiều và các xét nghiệm tinh trùng cho thấy có sự suy yếu cả về số lượng và chất lượng.
Mới đây lại nghe ở Trung Quốc có một chàng trai vừa chuyển giới tính đã đoạt ngôi vị hoa hậu và Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu quốc tế cũng đã đồng ý cho “cô” dự thi cùng các người đẹp trên hoàn vũ. Biết đâu “cô” chẳng đăng quang lần nữa!
Cho nên chuyện anh bạn Thiên Trần lo xa không phải là không có cơ sở!
Hẹn thư sau. Thân mến.