Trong một báo cáo 36 trang mang tên NASA’s Journey to Mars công bố hôm 8-10, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa ra kế hoạch chi tiết về hành trình đưa người đến sao Hỏa trong những thập niên tới.
Bản kế hoạch chỉ ra mục tiêu cuối cùng là “Độc lập với Trái đất” (Earth Independent), có nghĩa NASA muốn con người sẽ ở lại trên sao Hỏa thay vì đổ bộ và trở về từ hành tinh này. “Giống như Apollo, chúng tôi thực hiện hành trình này để phục vụ nhân loại nhưng khác với Apollo, chúng tôi dự định sẽ ở lại”, NASA tuyên bố trong báo cáo.
Theo NASA, hành trình tới sao Hỏa bao gồm ba bước chính. Bước đầu tiên tên là Earth Reliant, tập trung vào nghiên cứu trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Bước này hướng đến thử nghiệm những công nghệ như máy in 3D và hệ thống hỗ trợ sự sống có vai trò hữu ích cho các nhiệm vụ trên sao Hỏa. Ở trạm ISS, phi hành gia Scott Kelly và Mikhail Kornienko sắp hoàn thành “năm đầu tiên trong vũ trụ”, một bước quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ lâu dài trên sao Hỏa.
Bước thứ hai của NASA mang tên Proving Ground chú trọng kiểm tra nhiều trang thiết bị khác nhau ở quỹ đạo thấp của Trái đất. NASA đang chế tạo tên lửa đẩy khổng lồ Space Launch System (SLS) phục vụ đưa người lên sao Hỏa và tàu vũ trụ Orion có nhiệm vụ chở các phi hành gia đến sao Hỏa và trở về Trái đất. Cả hai phương tiện này sẽ bay lần đầu tiên vào cuối thập niên.
Ở bước thứ ba cũng là bước cuối cùng – Earth Independent, NASA lên kế hoạch sử dụng kinh nghiệm đã tích lũy để đưa người lên quỹ đạo sao Hỏa cùng với hai mặt trăng Phobos và Deimos lần đầu tiên vào những năm 2030, trước khi đổ bộ lên bề mặt hành tinh.
NASA cho biết, với việc con người đặt chân lên sao Hỏa, cơ quan này có thể thúc đẩy khoa học và công nghệ vượt ngoài khả năng của những robot thám hiểm hiện tại.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với các nước khác trong nhiệm vụ đến sao Hỏa. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang chung tay chế tạo tàu Orion và dự kiến các nước bao gồm Nga, Nhật, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đóng góp vào giai đoạn cuối cùng. Hiện nay, NASA dành khoảng 4 tỉ USD hằng năm cho các nhiệm vụ thám hiểm có sự tham gia của con người.
T.H (DNSGCT)