Những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có thể trở thành một vụ đại án sau khi Ban bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo xử lý nghiêm khắc. Tuần qua, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị chuyển cơ quan công an khởi tố điều tra từ việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính kinh doanh của Công ty AVG.
Về xử lý kinh tế, theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) và MobiFone chịu trách nhiệm xử lý, thu hồi số tiền mà MobiFone đã thanh toán trong việc mua 95% cổ phần AVG; thực hiện các kết luận, xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Truy thu từ MobiFone, nộp vào ngân sách nhà nước về Thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 1,3 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng và kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu để xem xét, khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
Cùng với đó là việc nghiệm thu và sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần bên cạnh lập dự án, trình phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình. Theo kết luận thanh tra, trong việc đề xuất dự án đầu tư, đặc biệt trong việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của Công ty AVG có dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm và làm trái.
Vụ việc diễn ra kể từ ngày 25-12-2015, MobiFone ký hợp đồng với các cổ đông Công ty AVG nhận chuyển nhượng 95% cổ phần với tổng giá trị khoảng 8.889 tỉ đồng. Trong vòng 22 ngày sau đó, MobiFone đã thanh toán khoản tiền gần 8.445 tỉ đồng cho AVG.
Được biết tháng 12-2014, Bộ TT-TT đã ban hành Quyết định 1798 thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động, bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh phát thanh truyền hình.
Chưa đầy hai tháng sau, ngày 27-1-2015, ông Lê Nam Trà, quyền Chủ tịch HĐQT MobiFone đã có văn bản trình Bộ TT-TT xin phê duyệt đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Khoảng một tuần lễ sau, đề xuất này được Bộ TT-TT thống nhất chủ trương theo đề xuất của MobiFone. Đến ngày 20-3, MobiFone và AVG bắt tay nhau ghi nhớ việc mua bán cổ phần.
Việc mua bán chuyển nhượng này có giá trị lên tới hàng ngàn tỉ bằng tiền của Nhà nước đã bị phủ một tấm màn đen, theo kiểu danh mục tài liệu “mật”, đã chi phối toàn bộ quá trình đàm phán, đấu thầu, kể cả thẩm định giá, lẽ ra phải được thực hiện một cách công khai minh bạch.
Những kịch bản trên đã được đạo diễn ngay từ đầu, do đó việc lạm quyền dẫn đến việc phê duyệt sai chủ trương đầu tư của dự án, dù biết tình hình kinh doanh của AVG rất xấu và yếu kém.
Diễn biến sau đó cho thấy, khi tiến hành thẩm định, lập và phê duyệt dự án, lãnh đạo Bộ TT-TT không chỉ gạt bỏ ý kiến phản biện của cấp dưới, báo cáo sai sự thật với Thủ tướng về tình trạng bết bát của AVG. Thậm chí Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son còn “bút phê” cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (nay là bộ trưởng), lạm quyền ký luôn quyết định phê duyệt dự án thay cho Thủ tướng.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm đề xuất đầu tư thì AVG đang thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, âm gần 50% vốn điều lệ, các số liệu, phương án trong kinh doanh hoàn toàn là giả định mơ hồ, thiếu thực tế, không thể đạt được trong môi trường cạnh tranh gay gắt về thị phần. Các số liệu về dự án này thiếu cơ sở, kết quả thẩm định giá của các đơn vị thẩm định thiếu căn cứ.
Các cơ quan bộ, ngành hành chính nhà nước làm việc theo chế độ thủ trưởng, người chịu trách nhiệm phải là người đứng đầu. Kết luận thanh tra là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước nhìn lại hiệu lực của bộ máy cũng như việc bố trí sử dụng cán bộ.
Thông tin về vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố” do Nguyễn Thanh Hóa – nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – cầm đầu đang gây rúng động dư luận.
Ngày 11-3-2018, Đảng ủy Công an Trung ương đã báo cáo Ban Bí thư về vụ án và xin ý kiến về việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thanh Hóa.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư, cùng ngày, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Hóa về hành vi tổ chức đánh bạc.
Qua quá trình điều tra Bộ Công an đã xác định đường dây tổ chức đánh bạc này do Phan Sào Nam (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến – VTC online), Nguyễn Văn Dương (sinh 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) và Hoàng Thành Trung (sinh năm 1978, Phó giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt, nguyên Giám đốc Công ty VTC công nghệ và nội dung số – VTC Intecom) bàn bạc thực hiện. Trong đó, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương có vai trò chủ mưu, cầm đầu; Hoàng Thành Trung có vai trò thực hành.
Đây là vụ án đánh bạc có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với khoảng 43 triệu tài khoản, 14 triệu con bạc và số tiền tham gia lên tới 9.538,2 tỉ đồng. Tính đến 14-3, Bộ Công an đã khởi tố 83 đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến này, trong các game bài thì nổi cộm nhất là Rikvip, sau đổi tên thành Tip.club. Đặc biệt, vụ án còn cho thấy có sự liên quan lớn tới các nhà mạng, nhà phát hành game tại Việt Nam.
Bộ Công an khẳng định vụ án cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý thẻ cào viễn thông, thẻ game, hoạt động trung gian thanh toán.
Theo Bộ Công an, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VinaPhone, MobiFone) được hưởng từ 15,5 – 16,3%.
Các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân lượng, Home Direct, Giải trí số dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài.
Việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, tên miền, đầu số còn lỏng lẻo, các đối tượng tổ chức đánh bạc dễ dàng được cung cấp dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ, đường truyền internet, IP, tên miền, kể cả tên miền quốc gia (.vn) từ các doanh nghiệp trong nước (VNPT, Viettel, Công ty cổ phần Mắt Bão, Công ty GMO Runsystem…); dễ dàng thuê các đầu số tổng đài của FPT để “chăm sóc khách hàng” và sử dụng dịch vụ nhắn tin thương hiệu của Công ty cổ phần Truyền thông VMG để quảng bá Rikvip/Tip.club qua tin nhắn.
Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, đồng thời, đưa nhiều nội dung nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế này trong dự thảo Luật An ninh mạng dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5 sắp tới.