Công ty cổ phần Chế tạo thiết bị điện Đông Anh từ một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa- Ảnh TTXVN
Quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bắt đầu từ năm 1992, đến năm 2001 thì được đẩy mạnh. Đến hết năm 2011 đã CPH được gần 4.000 doanh nghiệp, góp phần cơ bản vào việc sắp xếp DNNN, từ chỗ DNNN trước đây là 12.000, đến nay thì cả nước còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Điều đáng nói là trong năm 2011 số lượng DNNN cổ phần hóa rất thấp, chỉ được 60 doanh nghiệp và trong bốn tháng đầu năm 2012 thêm được bốn doanh nghiệp nữa, đây là những doanh nghiệp theo kế hoạch phải được CPH trong năm qua.
Theo Bộ Tài chính, có tới chín nguyên nhân khiến tiến trình CPH bị chậm lại như kinh tế toàn cầu và khu vực trong thời gian vừa qua có nhiều biến động bất thường; thị trường chứng khoán giảm sút; chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất vay vốn cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm nên việc bán cổ phần gặp khó khăn; phần lớn doanh nghiệp CPH trong thời gian này có quy mô vừa hoặc lớn còn nhiều tồn tại về tài chính…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên còn có không ít nguyên nhân chủ quan như việc lạm dụng mệnh lệnh hành chính của công ty mẹ vào công ty con gây mất lòng tin của nhà đầu tư; quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa được bảo đảm… cũng góp phần vào làm đình đốn tiến trình CPH.
Cổ phần hóa bị chậm tiến độ còn do một số cơ chế chính sách chưa phù hợp với thực tiễn trong tình hình mới; nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, ngành và doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa có sự thống nhất cao, chưa có sự phối hợp chặt chẽ; việc tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng… tỏ ra thận trọng nên việc chuyển đổi sở hữu cũng gặp không ít khó khăn.
Hệ quả của những nguyên nhân trên, theo số liệu của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, nếu như trong giai đoạn 2003-2006 cả nước CPH được 2.649 doanh nghiệp thì bốn năm sau đó (2007-2011), số doanh nghiệp được CPH chỉ đạt khoảng 25% kế hoạch; nhiều doanh nghiệp quy mô lớn không bán được cổ phần, chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng tài chính, khả năng quản trị tham gia mua cổ phần.
Một nguyên nhân nữa là thị trường hiện nay chưa hồi phục. Cầu không lớn nên doanh nghiệp đưa ra bán rất hạn chế. Như năm 2011 có doanh nghiệp đưa ra bán 20% cổ phần, nhưng chỉ bán được có 3 – 10%, thông thường là không bán hết.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, vấn đề quyết định là sự chỉ đạo của các bộ, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên thực tế chưa quyết liệt.
Theo các phương án sắp xếp lại DNNN thì giai đoạn từ nay đến 2015, sẽ có 573 trong số 692 doanh nghiệp mà nhà nước giữ lại 100% vốn sẽ thực hiện cổ phần hóa.
Trong 573 doanh nghiệp này thì có 30 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 75% vốn điều lệ, 45 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 65%, 108 doanh nghiệp nhà nước giữ trên 50%, và 391 doanh nghiệp nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần; còn lại giải thể, phá sản và tái cơ cấu 44 doanh nghiệp.
Như vậy, với tốc độ bình quân mỗi năm cổ phần hóa khoảng 150 doanh nghiệp, nếu không giải quyết tốt các cơ chế về đất đai, kiểm toán, thống kê, kiểm kê, xử lý tài chính, giải quyết lao động dôi dư… thì khó đẩy nhanh tốc độ.
Có thể nói, số doanh nghiệp vướng mắc trong quá trình CPH phần lớn thuộc sáu bộ và hai địa phương, gồm Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và hai thành phố là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế có quá trình tham gia chính sách và theo dõi diễn biến CPH từ ngày đầu, cho rằng cần chọn “điểm nổ” là hình thành cơ chế cụ thể nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, nhất là giai đoạn sau CPH. Thông qua việc các nhà đầu tư này rót một lượng vốn lớn vào doanh nghiệp cùng với việc thay đổi căn bản về quản trị doanh nghiệp cho họ tham gia điều hành, giám sát doanh nghiệp thì sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tốt cho cả quá trình cổ phần hóa lẫn niêm yết. Việc cổ phần hóa gắn với niêm yết các tập đoàn, tổng công ty cần diễn ra minh bạch hơn và theo tín hiệu của thị trường. Nghĩa là xem nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành, lĩnh vực nào, thì trong điều kiện cho phép nên đáp ứng sớm đòi hỏi của họ, thay vì CPH những doanh nghiệp mà nhà đầu tư thiếu quan tâm.
Về cơ bản, chỉ trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, dầu khí và một vài lĩnh vực đặc thù khác, các DNNN quy mô lớn còn lại nên sớm cổ phần hóa, để tạo cú hích về thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia. Thực tế, suốt nhiều năm qua, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào các DNNN lớn, nhưng không thể triển khai do tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp này diễn ra quá chậm.
Theo ông Lê Đăng Doanh, tái cơ cấu DNNN là việc rất khó và đặc biệt hệ trọng đối với nền kinh tế, bởi một khi thực hiện thành công sẽ có nhiều tiềm lực của nền kinh tế được phát huy, đồng thời Nhà nước có thêm những nguồn lực lớn để đầu tư cho nền kinh tế. Bởi vậy, từ Chính phủ cho tới các bộ, UBND cấp tỉnh… đều phải đầu tư nhiều tâm sức suốt thời gian dài. Kèm theo đó là một quyết tâm cao nếu muốn tạo bước chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu DNNN, một việc đã tiến hành từ nhiều năm nay, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong điều kiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được xem là yêu cầu bức thiết thì không có lĩnh vực nào là cấm kỵ đối với CPH.
Chẳng hạn như dệt may là một ngành hoàn toàn có thể cạnh tranh bình thường. Doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài tham gia rất nhiều thì hà cớ gì còn phải giữ Tập đoàn Dệt may của Nhà nước.
Sẽ không thừa khi nhắc lại một nguyên tắc của kinh tế thị trường là Nhà nước điều hành bằng chính sách, chứ không nhất thiết phải lập ra các đơn vị để trực tiếp kinh doanh. Bởi vậy, có rất nhiều lĩnh vực mà về lâu dài, Nhà nước không cần nắm giữ. Ví dụ như điện chẳng hạn. Với Luật Điện lực đang dự kiến sửa đổi, tư tưởng thị trường hóa dần dần đã rõ thì việc duy trì một tập đoàn là không cần thiết. Dầu khí cũng vậy khi mà Petro Việt Nam đã chấp nhận sự tham gia của nhiều đối tác.
Khi các doanh nghiệp của Tổng công ty Điện lực (EVN) có thể cổ phần hóa được thì không có doanh nghiệp nào là cấm kỵ cả. Như vậy chúng ta sẽ huy động vốn tốt từ nền kinh tế, Chính phủ không phải bỏ tiền đồng thời cũng giữ được cam kết khi gia nhập WTO. Ngoài vấn đề tài chính thì năng lực quản trị của doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện. Khi đó, chắc chắn sẽ không có những vụ việc như Vinashin, Vinalines… làm ăn thua lỗ gây thiệt hại cả trăm ngàn tỉ đồng cho ngân sách.
Đức Minh