Mấy năm qua, chúng ta cũng được nghe nói về chữ viết tắt của chỉ số thông minh là IQ khá nhiều ở Việt Nam. Chẳng hạn dân nào có IQ cao thì nước đó có tàu cao tốc.
Mấy năm vừa rồi lại có thông tin một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội vì hoang mang trước quyết định mới về việc tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đã có “sáng kiến” dùng chỉ số thông minh IQ để thay thế các bài thi các môn học thông thường. Chúng ta hãy thử bàn xem việc này có nên hay không?
Chỉ số IQ đúng là có tương quan tỷ lệ thuận với học lực. Trẻ có chỉ số thông minh cao thường đạt điểm cao trong lớp, trong các kỳ thi và học lên cao hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta không nên sử dụng IQ để đánh giá học lực vì các điểm sau. Thứ nhất, IQ và học lực chỉ tương quan thuận chứ IQ không phải là nguyên nhân của học lực. Thứ hai, có rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến học lực như động lực học tập, phẩm chất sư phạm, trình độ học vấn và các nguồn lực khác của gia đình, giáo dục và kỷ luật của gia đình, ảnh hưởng của bạn bè hay của người hướng dẫn tinh thần… Một đứa trẻ có IQ cao nhưng bị những chấn thương tinh thần, không có óc cầu tiến, bạn bè xấu lôi kéo… sẽ học kém trong khi học sinh chăm chỉ, tinh thần ổn định, có ý chí, nghị lực, có phương pháp học tập tốt sẽ đạt được điểm cao và dễ thành công dù IQ thấp hơn.
IQ là điểm tổng hợp một số lĩnh vực trí năng như xử lý thông tin nhanh nhạy, biết các định nghĩa và khái niệm trừu tượng, ghi nhớ các hình mẫu hay bảng từ vựng… Một em có thể có điểm cao trong lĩnh vực trí năng này nhưng thấp ở lĩnh vực khác. Nếu tổng hợp điểm của các lĩnh vực trí năng lại để cho ra chỉ số IQ, chỉ số này không phản ảnh được điểm mạnh và điểm yếu của các em. Việc đo chỉ số IQ không thể tiên đoán khả năng học tập của học sinh trong thời gian ngắn và kết quả không thể đúng trong năm, mười năm.
Việc dùng trắc nghiệm IQ để tuyển sinh còn có một hậu quả tai hại về mặt xã hội là duy trì sự phân biệt giai cấp và thành phần xã hội. Viện lý lẽ với nguồn lực giới hạn, quốc gia cần phải phân loại trẻ có trí năng cao với trẻ có trí năng thấp để từ đó dồn nguồn lực giáo dục cho trẻ có trí năng cao để chúng sau này lãnh đạo xã hội và phát triển quốc gia, một chính quyền có thể đã vô tình hay hữu ý duy trì hố ngăn cách giàu nghèo qua việc chỉ dành cho trẻ có điểm IQ cao những đặc quyền giáo dục.
Mặc dù sự giàu có không phải là nguyên nhân của chỉ số IQ cao, nhưng các nghiên cứu cho thấy trẻ có cha mẹ giàu có và bằng cấp sẽ có điểm IQ cao hơn trẻ ở các gia đình nghèo khó và ít học. Ở 6 tuổi, độ chênh lệch là 6 điểm nhưng đến 16 tuổi thì độ chênh lệch của trẻ ở hai thành phần giàu nghèo là 18 điểm, gấp ba lần trong 10 năm tuổi.
Ở mức khởi đầu khác biệt đó, những đứa trẻ giàu có sẽ được xếp vào những trường và lớp có giáo trình chi tiết và phong phú hơn, giáo viên giỏi với kiến thức chuyên ngành và kỹ năng sư phạm tốt hơn, giáo viên sẽ kỳ vọng cao hơn và vì thế động viên nhiều hơn, bạn bè giỏi hơn nên kích thích tinh thần thi đua hay hỗ trợ nhau tốt hơn.
Ngược lại, những trẻ có kết quả thấp trên bài trắc nghiệm IQ vì nghèo khổ sẽ không có cơ hội học tập tại các trường với chất lượng giáo dục cao khiến chúng sẽ thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho sự thành đạt trong xã hội khi trưởng thành. Vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục khi con em của họ lại vì thiếu nguồn lực từ cha mẹ nên không có điểm IQ cao lại tiếp tục không được học ở những trường chất lượng cao. Đây cũng chính là Hiệu ứng Matthew, trẻ bị xem là học kém sẽ tiếp tục học kém, trẻ được cho là học giỏi sẽ tiếp tục học giỏi. Những ai có lòng yêu người và yêu nước làm sao có thể chấp nhận một phần con em chúng ta cứ mãi trầm luân trong vòng nghèo đói và ngu dốt.
Hiện ở Việt Nam đã có hệ thống phân hạng (tracking streaming, setting hay phasing) về trường chất lượng cao để cho các em học sinh thi tuyển vào. Thậm chí các trường nội thành lại có khuynh hướng tốt hơn các trường ngoại thành.
Tại Hoa Kỳ hệ thống phân hạng này cũng được áp dụng một cách giới hạn trong trường với những điểm tích cực như giáo viên dễ soạn giáo án và dễ dạy, phù hợp trình độ và đáp ứng nhu cầu của từng khối học sinh… nhưng những khuyết điểm của hệ thống này thì nguy hại hơn cho lý tưởng công bằng trong xã hội. Nghiên cứu cho thấy các lớp thuộc hạng thấp thường tập trung trẻ di dân, gia đình có thu nhập thấp, trong khi lớp hạng cao thường là nhiều học sinh da trắng và thuộc vào các thành phần thành đạt trong xã hội.
Tương tự, giáo viên của các lớp hạng cao thường có nhiều năm kinh nghiệm và được đánh giá có năng lực chuyên môn hơn, trong khi các lớp hạng thấp thường dành cho giáo viên ít kinh nghiệm, có bằng cấp thấp hơn và ít năng lực hơn. Giáo viên của các lớp hạng cao cũng nhiệt tình trong việc giảng dạy, giảng bài và cung cấp thông tin về bài học chi tiết, và đề ra yêu cầu cao hơn đối với học sinh.
Chúng ta cứ thử tưởng tượng là vì điểm thi xếp hạng trong những năm cuối một cấp lớp, hay vì chỉ số IQ nếu Việt Nam áp dụng cách tuyển sinh này, con của bạn bị xếp vào những lớp hạng thấp thì tương lai của chúng sẽ như thế nào. Dính vào cái vòng luẩn quẩn “con sãi ở chùa lại quét lá đa” này vốn là từ một số quan niệm và mô hình giáo dục cũ của Hoa Kỳ, nhưng nay đã có khả năng mon men vào những trường học muốn tiếp thị đến gia đình thành công hay giàu xổi ở Việt Nam.
Việc thiếu tri thức chuyên sâu về một lĩnh vực như IQ có thể dẫn đến những sáng kiến kỳ quặc. Bạn có thể tưởng tượng là đã có một số trường tư tại Thượng Hải, Trung Quốc đã yêu cầu cha mẹ các em muốn nhập học phải được trắc nghiệm IQ, không được mập phì và có lý lịch tổ tiên có học lực cao. Một trường ở Quảng Châu thì chỉ cho trẻ em mà cha mẹ có bằng cấp vào học. Thế thì trước khi xin cho con nhập học, các bạn phải tham gia chương trình Big Losers để giảm cân, cầu hồn ông bà tổ tiên lên để hỏi điểm số của các ngài và ráng học để kiếm cái bằng trước nhé.
Thật lạ là các trường này mức học phí lại không rẻ. Trường Qingpu bắt trẻ 6 tuổi phải đóng 98 triệu đồng cho một mùa học, còn Trường Yangpu bắt đóng 36 triệu và Qibao thì 41 triệu. Khi bị Sở Giáo dục địa phương bắt chính thức hủy bỏ các yêu cầu này và công khai xin lỗi, một trường biện hộ là bài thi nhằm để giúp phụ huynh “thư giãn” trong việc xin cho con nhập học (?!).
Trong quá khứ, giới học thuật Hoa Kỳ cho rằng trí thông minh không thay đổi từ lúc sanh ra đến khi qua đời. Từ quan điểm này, một số lý thuyết về thoái hóa nhân cách và trí tuệ đã xuất hiện với chủ trương là những bậc cha mẹ thất bại vì không thích ứng với cuộc sống và xã hội với những đòi hỏi về trí tuệ sẽ truyền những đặc tính này cho con cái cho tới khi cả dòng tộc bị thoái hóa và đào thải vì những khiếm khuyết về trí năng, cảm xúc và hành vi của những dòng tộc này.
Trắc nghiệm IQ do đó đã được dùng để nhận diện và kiểm soát những thành viên của các gia đình và dòng tộc này. Nếu bạn nhìn con em nhà nghèo khó mà nghĩ khi chúng lớn lên sẽ có nguy cơ trở thành tội phạm, công nhân, nông dân nghèo đói… thì chính bạn cũng đang suy nghĩ theo thiên kiến nói trên. Trong một xã hội và quốc gia mà nền giáo dục quá tụt hậu hay cơ hội việc làm chỉ dành cho kẻ có thân thế, thì khả năng “con vua thì lại làm vua” rất cao.