Đầu năm 2012, tại Cung nghệ thuật thành phố Miami (bang Florida), nữ họa sĩ Thanh Hương – gương mặt mỹ thuật Việt kiều nổi tiếng bậc nhất tại Hoa Kỳ đã công bố một bức tranh kích thước 2,4 x 60m, có tên Bức tranh tường di dân (Immigration Mural).
Tháng 4-1975, Nguyễn Thị Thanh Hương đặt chân đến nước Mỹ và sau một thời gian sống ở California, chị quyết định chọn Alaska để định cư cùng cậu con trai nhỏ. Chính tại bang lạnh giá ở cực Bắc của nước Mỹ, chị đã tìm thấy con đường nghệ thuật của riêng mình.
Hương – Alaska và chuyến đi triển lãm khắp nước Mỹ
Phong cảnh Alaska với những ngọn núi quanh năm trắng xóa, những bông hoa dại nở rộ vào mùa hè, những bầy hải cẩu, những con cá voi và cuộc sống thường nhật của người dân Eskimo… đã khiến Thanh Hương không cưỡng lại được ham muốn thể hiện tất cả bằng màu sắc, dù chị chưa từng học qua trường lớp hội họa nào lúc thiếu thời ở quê nhà. Chính hội họa, ngôn ngữ nghệ thuật quốc tế đã giúp chị bày tỏ cảm xúc của mình ở chốn ngụ cư heo hút. Không ngờ những bức vẽ màu nước đầu tiên của chị vềAlaskabán được ngay cho dân địa phương và du khách bởi chúng chan chứa những cảm xúc mới mẻ và được thể hiện bằng một bảng màu hồn nhiên, trong trẻo.
Dần dà Thanh Hương trở nên nổi tiếng với những bức tranh vẽ Alaskavà được gọi là “Hương – Alaska”. Đến năm 1980, ở tuổi 34, nữ họa sĩ đã sở hữu vài gallery của riêng mình tại ba thành phố Kodiak, Anchoragevà Juneau. “Alaskađã mở lòng ra đón nhận tôi và tác phẩm của tôi”, Hương – Alaskaviết như thế trên tạp chí Juneau Art Journal, số tháng 9-1984. Trong số các nhân vật nổi tiếng đã mua tranh của chị có Don Young – dân biểu bangAlaska, Lee Iacocca – Chủ tịch tập đoàn xe hơi Chrysler…
Năm 1985, Hương – Alaska tạm biệt bang lạnh giá khi suy thoái kinh tế diễn ra để bắt đầu hành trình triển lãm cá nhân khắp nước Mỹ và Canada. Trong bốn năm, trên chiếc xe Buick có kéo theo rơ-moóc chở dụng cụ, vật liệu vẽ và tranh, chị đã cùng cậu con trai mười tuổi rong ruổi qua các bang của Mỹ, đi tới đâu vẽ – triển lãm tranh tới đó; vừa đi vừa dạy con học; đến năm 1990 thì hai mẹ con dừng bước ở Florida. Tại đây chị gặp và kết hôn với người chồng hiện nay – một viên chức ngành ngân hàng yêu nghệ thuật. Tình yêu dành cho những con sông băng lạnh giá ở Alaska được chuyển sang những dòng sông cỏ của khu bảo tồn thiên nhiên Everglades ở Nam Florida, nơi trở thành chốn dung thân của chị và tổ ấm mới. “Đó là lúc kết thúc cuộc sống nghệ sĩ du mục và gầy dựng lại xưởng vẽ để vẽ những tác phẩm nghiêm túc hơn” – Hương (bây giờ không còn từ Alaska đi kèm) nhớ lại.
Những dự án nghệ thuật lớn
Năm 2000, kỷ niệm 25 năm ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam, Thanh Hương thực hiện một trong những dự án nghệ thuật quan trọng nhất của chị: loạt tranh có tựa chung Những mảnh vỡ chiến tranh, phản ánh những nỗi kinh hoàng của cuộc chiến cùng những mất mát mà nó mang lại cho nhiều người, trong đó có chính gia đình của chị.
Giữa những năm 2003-2009, lại thêm một dự án nghệ thuật lớn nữa được Thanh Hương tiến hành: Bức tường Hòa bình, một tập hợp gồm 2.000 bức tranh của chị, thể hiện sự phản kháng của nữ họa sĩ đối với cuộc chiến tranh Iraq, qua đó chị bị nhiều phản ứng bất lợi từ phía những người chủ chiến ở Mỹ, nhưng điều đó không làm chị nhụt chí. Tiếp theo là một dự án nghệ thuật khác của chị có tên Nước Mỹ vẫn sống (USAlive) được thực hiện dành riêng cho Tổng thống Barack Obama, bắt đầu từ lúc ông Obama đọc diễn văn nhậm chức tổng thống và kết thúc vào tháng 12-2009 khi ông lên đường sang Oslo nhận giải Nobel Hòa bình nhờ những nỗ lực của ông để đi đến kết thúc cuộc chiến tranh tại Iraq. Cũng vẫn là hàng trăm bức tranh nhỏ ghép lại thành một tác phẩm khổ lớn.
Tháng 6-2010, dự án nghệ thuật có tên Máu loang trong Vịnh – Mùa hè 2010 được Thanh Hương thực hiện nhân thảm họa tràn dầu lớn nhất nước Mỹ do vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon của hãng BP tại vịnhMexico. Một bức tranh dài 30m, cao 2,4m được ghép từ 120 bức tranh nhỏ thể hiện tấn thảm kịch môi trường đã được trưng bày tại Trung tâm hội nghị tại thủ đô Washington trước khi được đưa tới New Orleans, Mississippi và Alabama, các bang chịu thiệt hại nặng nề nhất do vụ nổ giàn khoan của BP.
Và dự án mới nhất hiện nay của chị là Bức tranh tường di dân hay còn gọi là Di dân – Bức tường của những biên giới (Immigration – Wall of Borders). Dự án này lấy cảm hứng từ sự truy tìm nguồn cội của những di dân từ khắp nơi đến nước Mỹ, và xứ sở hợp chủng này có được sự thịnh vượng là nhờ sự góp sức của những cộng đồng người nhập cư đa chủng tộc, đa văn hóa đó. Qua tác phẩm của mình, nữ họa sĩ mong muốn người thưởng ngoạn sẽ có những phút giây lắng mình để nhớ về nguồn cội và để biết đã có bao mồ hôi, xương máu của di dân đổ xuống cho đất nước Mỹ có được ngày hôm nay. Mặt khác, tác phẩm còn nhắm tới hòa giải giữa những người ủng hộ và những người chống đối tình trạng nhập cư ở Mỹ, tôn trọng mọi ý kiến khác biệt chung quanh vấn đề nhạy cảm và còn gây nhiều bất đồng này.
Thanh Hương cho biết: “Bức tranh tường này là một cuốn sách khổng lồ bao gồm tác phẩm cả đời của cố họa sĩ Jospeh Demarais cùng hơn 200 câu trích dẫn, thể hiện những tiếng nói khác nhau của nước Mỹ”. Trong số hơn 200 trích dẫn ở bức tranh tường khổng lồ, có lời của từ những người đứng đầu Nhà Trắng cho đến các di dân mới nhất ở nước Mỹ, lời của các nhà bác học, nhà văn…, và có cả những câu trong Hiến pháp Mỹ cũng như những câu tranh cãi chung quanh vấn đề người nhập cư.
Tại sao Thanh Hương lại sử dụng tác phẩm của Jospeh Demarais (1927-1971) cho dự án này thay vì là chính tranh của chị? Jospeh Demarais là một họa sĩ nổi tiếng về tranh in khắc lõm (intaglio print) trên kim loại, được nhiều bảo tàng trên thế giới ưa chuộng. Duyên may đến với Thanh Hương khi vào giữa thập niên 1990, người vợ góa của Jospeh Demarais đã tặng cho chị khoảng 500 tranh của ông. Chưa có dịp nào để giới thiệu bộ sưu tập quý giá này, đến lúc bắt tay thực hiện dự án Bức tranh tường di dân, chị quyết định sẽ dùng 200 tranh của Demarais vì kỹ thuật làm tranh và tông màu trầm của các tác phẩm ấy rất thích hợp để thể hiện tinh thần nguồn cội và những đóng góp của người nhập cư cho nước Mỹ.
Sau thời gian trưng bày tại Cung nghệ thuật Miami – xưởng sáng tác và cũng là ngôi nhà riêng của chị – tác phẩm hoành tráng này dự kiến sẽ được triển lãm lưu động qua 50 thành phố lớn của nước Mỹ và Canada trong vòng hai năm, đặc biệt dành ưu tiên cho các thành phố vùng biên giới giữa Mỹ và Mexico tại các bang California, Utah, Arizona và Alabama. Triển lãm sẽ kết thúc tại thủ đô Washington và bức tranh tường sẽ được tặng để trưng bày vĩnh viễn tại trụ sở Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nơi phụ trách những vấn đề về di dân và nhập cư.