Lấy chất liệu từ chính cuộc đời của tác giả, cuốn tiểu thuyết Có một mặt trời không bao giờ tắt mang ánh sáng của niềm tin và nghị lực để sưởi ấm cho những số phận không may bị cướp đi ánh sáng.
Cái tên Có một mặt trời không bao giờ tắt được lấy từ câu hát của các em nhỏ khiếm thị. Theo chị Lê Dương Thể Hạnh, tác giả cuốn sách, mặt trời không chỉ mọc hay lặn theo quy luật tự nhiên, mà còn luôn tỏa sáng trong tim mỗi người. Đó là mặt trời của niềm tin và tình yêu thương.
Cuốn tiểu thuyết gần 500 trang viết về cuộc đời của người con gái tên Dạ Lý từ lúc được sinh ra ở thành phố hoa Đà Lạt đến những tháng ngày tăm tối chống chọi với căn bệnh u não. Người đọc sẽ bắt gặp một Dạ Lý bình yên trong tuổi thơ êm đềm, trải qua những năm tháng sinh viên với tình yêu lãng mạn, rồi sự nghiệp thăng tiến, đến khi biến cố xảy đến cướp đi tất cả. Trong những năm tháng tăm tối ấy, những cánh tay yêu thương đã dìu chị đứng lên để tiếp tục sống và vững tin bước tiếp đến hôm nay.
Dù tên các nhân vật đã được thay đổi nhưng hình ảnh cô gái Dạ Lý trong truyện được lấy từ 90% cuộc đời của chị Hạnh. Là thư ký tổng giám đốc của một công ty Nhật, có một tương lai tươi sáng phía trước và lại sắp lên xe hoa, chẳng ai ngờ được căn bệnh u não đã cướp đi tất cả mọi thứ. Đôi lúc yếu lòng, chị Hạnh đã từng nghĩ đến cái chết, nhưng khi lý trí trở về, nghĩ đến cha mẹ, thầy cô và những người vẫn sát cánh bên mình, chị lấy lại nghị lực để tiếp tục sống. Và cuốn sách này là kết quả của một quá trình dài mà tác giả của nó đã chống chọi với bệnh tật và những năm tháng tăm tối nhất để giờ đây truyền niềm tin cho những người đang ở trong tối và cả những người ngoài sáng.
Nói về cái tên của nhân vật, chị kể, Dạ Lý là loài hoa rất thơm, và chị chọn cái tên này như lời nhắc nhở bản thân rằng dù qua bao biến cố cũng phải giữ được bản lĩnh và trái tim yêu thương. Khát khao được chia sẻ, được học tập lại bùng cháy trong cô gái khiếm thị và thôi thúc chị viết sách và làm những điều phi thường.
Từ Đà Lạt trở lại TP. Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, chị Hạnh đã thực hiện các chương trình nhân ái hướng đến các em nhỏ khiếm thị. Ở tuổi 34, Hạnh là trưởng nhóm thiện nguyện Sắc màu hy vọng, nơi đã kêu gọi nhiều chuyến thiện nguyện dành cho người khiếm thị. Chị cũng vận động quyên góp hơn 100 triệu đồng xây dựng dự án thư viện chữ nổi, phục vụ nhu cầu học tập cho 30 em học sinh, sinh viên ở Mái ấm Thiên Ân… Và giờ đây là ra mắt cuốn tiểu thuyết để “truyền niềm tin đến với các bạn trẻ”.
Mơ ước của Lê Dương Thể Hạnh là thông qua tác phẩm này có thể kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức để xây dựng quỹ khuyến học dành cho những bạn nhỏ bất hạnh. Chị cũng hy vọng tác phẩm là một cầu nối để mọi người hiểu thêm về nguyện vọng được học tập, lao động và sống có ích cho cộng đồng của những người khiếm thị. “Xin hãy một lần nhắm mắt lại và lắng nghe tiếng lòng của những người không may bị số phận lấy đi ánh sáng để cho họ một sự đánh giá công bằng”, chị Hạnh chia sẻ. Hiện nay, chị đang dạy ngoại ngữ miễn phí cho người khuyết tật qua mạng Skype và có kế hoạch tự dịch cuốn sách sang tiếng Anh với hy vọng sẽ mang câu chuyện này đến với nhiều người hơn nữa.
Cuối năm, đọc Có một mặt trời không bao giờ tắt để lắng nghe khát khao của những con người bất hạnh bị số phận lấy đi ánh sáng, để tin rằng phép nhiệm màu từ niềm tin và nghị lực phi thường có thể làm nên những điều kỳ diệu, để tìm thấy những ánh sáng mặt trời khác trong chính mình dù ta đang ở ngoài sáng hay trong tối.
- Mộc Lan