Đến một lúc nào đó, con người ta sẽ bắt gặp được một loài hoa bình dị, giản dị ấy và tự đáy lòng thốt lên: “Hoa mùa Xuân”. Hoàn toàn xứng đáng với tên gọi ấy. Không thể gọi khác. Một năm có bốn mùa thì vào lúc Hạ, Thu, Đông lẽ nào hoa cũng nở sao? Tại sao không? Vẫn nở. Hương vẫn thơm. Nói như thi sĩ Xuân Diệu: “Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương”. Thế mới ngộ làm sao.
Loài hoa kỳ diệu ấy
Hiện diện ở quanh ta
Phúc cho mọi đứa trẻ
Được gặp ngay trong nhà
Nghe vậy, ắt các nhà thực vật học sẽ ngạc nhiên lắm đây, ắt không ít người vốn mê hoa viên cây cảnh sẽ lật từ điển mày mò tìm hiểu về loài hoa mà họ chưa từng nghe nhắc đến bao giờ. Có thể tìm gặp không? Khoan vội trả lời. Trước hết, ta hãy đồng ý định nghĩa về hoa như Đại từ điển tiếng Việt đã giải thích: “Cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm”. Vậy, nếu xét về sự vật cụ thể theo miêu tả như vừa nêu trên, chắc chắn ta sẽ không bao giờ gặp.
Vậy mà loài hoa ấy lại có thật trong đời.
Thế không ngộ là gì?
Trong các câu chuyện cổ tích từ ngàn xưa, một trong những yếu tố khiến trẻ em lẫn người lớn yêu thích, theo tôi vẫn là lúc các muôn thú, muôn hoa cất lên tiếng nói. Các mẩu đối đáp ấy đã khiến con trẻ yêu thích hơn thiên nhiên, động vật và cảm thấy thế giới chung quanh thân thiện, đáng yêu biết dường nào. Mà này bạn ơi, đừng tưởng sự thần tiên, kỳ diệu ấy chỉ có trong cổ tích. Còn có cả trong đời thường nữa đấy. Bằng chứng là đã có nhiều, rất nhiều, thậm chí hàng tỷ con người trên hành tinh này đã nhìn thấy một loài hoa biết nói. Và trìu mến thốt lên tiếng gọi: “Hoa mùa Xuân”.
***
Ai sẽ được gặp loài hoa kỳ diệu này?
Tôi nghĩ, chỉ những ai đã lập gia đình, đã sinh con thì mới có có cơ may. Tôi vừa trải qua, từng ngày ẳm bồng ru con với nỗi niềm hân hoan, hy vọng lẫn nhọc nhằn đêm hôm mất ngủ, rã rời mỏi mệt nhưng rồi mọi việc đều nhẹ nhàng, thong dong vượt qua. Nhờ đâu? Nhờ Hoa mùa Xuân để rồi bật ra từ trong sâu thẳm lòng biết ơn:
Loài hoa từ ngàn xưa
Đến nay còn tồn tại
Tượng hình mẹ chăm con
Bây giờ và mãi mãi
Vâng, Hoa mùa Xuân đã “Tượng hình mẹ chăm con”. Ai lại không ý thức rằng, trong cõi hỗn mang trời đất chỉ có tình mẫu tử mới có thể sánh với “nước ngoài biển Đông”, “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…” – nhưng rồi, chắc gì ta đã thấm thía một cách thấu đáo nhất? Không phải ngẫu nhiên ca dao có câu: “Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền”. Đã từng nghe lời dặn dò này, nghe thì nghe, gật gù nghe nhưng chắc gì ta đã “tâm phục khẩu phục”? Phải đến lúc trải qua và tận mắt chứng kiến, ta mới giật mình để rồi thốt lên thành thật: “Đúng lắm”.
Hỡi các đấng mày râu quân tử dù to thân lớn xác đến cỡ nào đi nữa nhưng lúc chăm con, từng đêm dăm ba lần phải thức giấc ẳm bông, ru con, pha sữa, thay tã… có chịu đựng nổi không? Ắt có người mạnh miệng: “Đã đàn ông thì phải đội đá vá trời. Nhằm nhò gì ba cái chuyện vặt vãnh, lẻ tẻ này”. Tôi đã từng ưỡn ngực, vác mặt lên trời trả lời một cách kiêu hãnh.
Thế rồi, từng đêm lập lại từng đêm đã khiến tôi mặt mày xụi lơ như bong bóng xì hơi. Rã rời. Mỏi mệt. Mất ngủ liên tục nên qua ngày hôm sau, hôm sau nữa cứ bần thần như gà nuốt dây thun. Và nói thật, tôi đã đầu hàng vô điều kiện. Giương cờ trắng đầu hàng trước công việc tưởng rằng dễ ẹt, chẳng mấy hao tâm tổn lực.
Trong khi đó, với người mẹ chăm con thì ngược lại, họ đã có một sức chịu đựng bền bĩ, dai dẵng từ ngày này qua tháng nọ mà không một lời than vãn. Tại sao lại thế? Chỉ có thể từ tình yêu thương vô bờ bến dành cho con đã tạo cho họ một sức khỏe phi thường. Tôi tin là thế. Chắc bạn cũng tin là thế.
Yêu con nên da sắt
Xương thịt như hóa đồng
Qua nhọc nhằn mỏi mệt
Ẳm con là thong dong
Một khi con trẻ bé bỏng vừa lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc oa oa là báu vật. Đành rằng, các ba lẫn mẹ cùng quan tâm chăm sóc nhưng rồi sự phân công thế nào? Bạn vừa hỏi đấy à? Tôi xin được trả lời ngay: “Con là hoàng thượng nhà mình/ Mẹ làm tì nữ tận tình lo toan/ Khi hoàng thượng khóc ầm vang/ Lập tức tì nữ lẹ làng ẳm ngay/ Dỗ dành rồi lại liền tay/ Nhanh nhanh pha sữa có ngay tức thì”. Hỡi những ông ba/ bố/ cha/ tía có phụ giúp được gì cho vợ chăng? Nào, hãy trả lời đi? “Lúc ấy, ba đã làm gì?/ Ba làm nhiệm vụ… ngủ khì là xong”.
Thế đấy!
Có một điều khiến phái mạnh phải kinh ngạc, ngạc nhiên không thể lý giải nổi là dù suốt đêm chập chờn lo cho con nhưng qua sáng hôm sau, người vợ lại cứ tỉnh bơ như không. Lại nói cười thong dong, nựng nựng nà na cùng con. Tâm thế ấy, từng ngày lặp đi lặp lại một cách bền bĩ:
Nét mặt lại tươi Xuân
Từng ngày bồng, bế, mớm
Bao giờ cũng lần đầu
Nâng niu con khôn lớn
Dù nhọc nhằn cỡ nào đi nữa nhưng rồi họ cũng có một niềm vui sống thánh thiện: “Bao giờ cũng lần đầu” – tức qua con trẻ, họ luôn sống trong cảm giác hào hứng, tinh khôi đầu mùa.
***
Có lẽ một trong những điều khó khăn nhất đối với các ông chồng thi sĩ ba lăng nhăng, hay thậm tho thậm thụt mèo mỡ vẫn là… làm thơ ca ngợi vợ. Tôi cũng thế thôi. Bởi từng nghếch mặt lên trời tự phong là “trụ cột” của mái ấm, là cây tùng cây bách uy nghi lẫm liệt khiến cô vợ yếu đuối phải thốt lên: “Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng” (Truyện Kiều), ấy mà nay lại… ca ngợi vợ thì chẳng ra làm sao (!?).
Có đúng không nào?
Đúng lắm. Cứ cho là đúng. Nhưng rồi, khi có con tôi mới giật mình nhận ra suy nghĩ này rất… trẻ con. Người phụ nữ không thèm chấp, họ cứ lẳng lặng với công việc của mỗi ngày: ẳm bồng, tắm rửa, thay tả, cho con bú… Để rồi chúng ta – những đàn ông to cao, khỏe mạnh và… đẹp trai, nếu nhận lấy nhiệm vụ ấy ắt phải méo mặt như chơi. Không méo mặt sao được, khi mà chắc gì ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò của người mẹ mà con trẻ đã cảm nhận: “Lúc vui em khóc tía lia/ Bất kể trưa, sáng, chiều, khuya thế nào/ Mẹ em vẫn cứ ngọt ngào/ Thương em mẹ lại ẳm vào lòng ru”. Biểu hiện của tình mẫu tử là đấy, chứ nào phải đâu xa…
Mùa Xuân năm nay, đối với tôi những suy nghĩ này là một sự mới mẻ. Và tôi đã gọi tên cho ấn tượng này là Hoa mùa Xuân. Hoa có thật trong đời thường. Hoa bằng xương bằng thịt mà mọi nhà đã có, đang có, sẽ có – thông qua hình ảnh người mẹ, người vợ chu toàn cửa nhà, chăm sóc con cái. “Phúc cho mọi đứa trẻ/ Được gặp ngay trong nhà”. Chỉ thế thôi ư? Không, còn là cái phúc cho những ai đang làm cha, làm bố cũng gặp được Hoa mùa Xuân bây giờ và mai mãi ngay từ trong mái ấm…
- Xem thêm: Hoa xuân