Hoa xuân là cái đẹp tự nhiên trong vương quốc cảm giác hài hòa giữa thiên nhiên và thế giới tinh thần. Hoa xuân được trải nghiệm qua bút hoa kết tinh trong thơ ca chính là chân lý nghệ thuật mang tính cảm xúc trên nền tảng tâm thức dân tộc và văn hóa triết mĩ. Mùa xuân, khí xuân, sắc xuân, hương xuân, tuổi xuân, tình xuân… đều kết tụ lặng tỏa trong hoa xuân. Không diễn giải ngôn từ, hoa thốt thành lời.
Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng – Thơm gốc thơm rễ người trồng cũng thơm. Nhân văn giàu mĩ cảm tự nhiên từ hồn xưa. Người ta là hoa đất. Ca dao, dân ca chưa nghệ thuật dụng công bút hoa nhưng tuổi xuân, tình xuân đã tươi thơm năm cánh tay hoa. Mai vàng chào xuân ấm hồng môi, đào phai thắm yếm lụa đào, màu cổ tích ca dao chạp Tết. Ai ơi dẫu có đi xa – Nhờ gieo vạn thọ mười ba tháng mười. Tinh tú cúc vạn thọ vàng mơ vàng cam ủ tỏa mùi hương đặc trưng nồng ấm thanh bình.
Không chuẩn mực thanh cao như hoa cổ điển với những danh xưng dễ mặc định trong tứ quý mai – lan – cúc – trúc, hoa xuân dân gian mộc mạc tự nhiên miệt vườn sông nước lắng đọng phù sa. Tay ai thơm hái rau ngò – Mắt ai sóng nước đò đưa duyên tình. Dù thu đẹp buồn, ánh nắng sen hồng rồi cũng man mác qua đi, đông trắng ủ nắng, hoa xuân tình vẫn mang mạch sinh hóa. Nắng thu thoảng gió sen hồng – Môi sen xuân thắm ngọt nồng núm sen.
Hoa xuân là sự tích hợp hài hòa sắc – hương – tình… Nhưng ca dao ít chú trọng đến tiêu chí mùi hương – đặc biệt hương thân thể phái đẹp… dù ngày Tết tắm hoa – tắm thơm. Ngay cả đất Hà thành cũng chỉ dùng một thứ hương mộc mạc ví với sự thanh lịch. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài… Giản đơn dáng hình lặng ủ hương. Miệng cười như thể hoa ngâu…
Dân dã mộc mạc mà tinh tế trữ tình… trong sự tiếc nuối – giãi bày, tương hợp cảm thông. Hoa bưởi trắng thơm tầm xuân xanh biếc… thuần phác mà nghịch lý đa đoan, gần gũi hóa vu vơ ly biệt. Duyên cớ xuân tình… trong cái sự trèo lên – bước xuống, hái hoa – hái nụ… Trèo lên cây bưởi hái hoa – Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Tầm xuân thường hoang dã, cùng loại với hoa hồng, hoa nhỏ màu đỏ – trắng hay hồng… dưng chuyển sang xanh biếc giàu hàm nghĩa tu từ. Màu duyên thầm, màu cảnh huống, màu tâm trạng, màu khơi trêu… Hoa là người, là tình yêu, nỗi nhớ, dở dang, chấp nhận, khát khao… Hoa xuân nắng tần ngần. Ủ chút lòng biêng biếc.
Thơ ca cổ điển mang cái đẹp hài hòa lý tưởng giàu ẩn dụ tu từ. Hoa vừa tự nó vừa mang tâm cảm, những danh xưng mĩ lệ đi liền với những giá trị tinh thần… như cúc hoa – kẻ ẩn sĩ, sen – bậc quân tử, mẫu đơn – trang quốc sắc thiên hương… Hoa xuân từ xưa đã có Khuất Nguyên với hoa lan, Thôi Hộ với hoa đào, Nguyễn Gia Thiều với đêm xuân lãng mạn Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu, Lâm Bô với hoa mai chim hạc cốt cách tâm giao… Ngay trong thời niên thiếu, Nguyễn Trung Ngạn đã cảm nhận được Cốt cách mai rừng không vướng tục – Phong tư hạc biển chẳng trong bầy. Hoa mai là sứ giả báo tín hiệu xuân về. Tin gió sớm về mai nở bông (Lục Du). Đến Ức Trai cảm thán bút hoa xuân Mai Lâm Bô đâm được câu thần. Trong 21 bài Ngôn chí, có 8 bài nói đến mai như tâm cảnh giản dị thanh cao. Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng – Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu. Trầm lắng như Nguyễn Du vẫn mang cốt cách hưởng thụ xuân đời Nghêu ngao vui thú yên hà – Mai là bạn cũ, hạc là người quen. Hương sắc hài hòa thuần khiết thanh thoát trong nhánh mai rừng ngụ tâm đạo Hương Sơn Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái – Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh (Chu Mạnh Trinh). Sang Cao Bá Quát khắc khoải bi thương – đầy khí tiết cũng Nhất sinh đê thủ bái mai hoa. Tâm thức mai vàng an nhiên nắng, mộc đất nâu thanh khiết trời xanh.
Mai – tùng – cúc – khí tiết. Mai tự nhiên ủ sắc hương phong lãm. Sắc dễ nhìn thấy, hương khó nhận ra. Chỉ có tri kỷ tri âm mới tương thức lịm đưa hương. Lập xuân giá lạnh, mai là anh hoa phát tiết – bách hoa khôi. Dáng gầy thuần khiết, góp tỏa nắng vàng, trang nhã màu sắc, thanh thoát hương thơm… Nhất chi mai – nhất chi xuân. Ấy là cái đẹp khiết nhã. Mai vàng xuân phương Nam mang giá trị phổ quát lâu bền với mỹ học truyền thống dân tộc.
Mai hé mắt cười xuân đến, mai khép mi bay xuân đi… Mai vẫn là mai. Hoa tự nhiên xuân tâm. Vẫn còn đào chầm chậm thắm đằm rét ngọt. Đào hồng lại thấy một mùa xuân… Cành xuân mơn mởn thấy xuân cười (Nguyễn Trãi). Mùa xuân tràn trề sức sống viên mãn. Xuân cười với hoa, hay hoa cười với xuân… Như âm dương thái hòa, hoa đào và gió đông tương giao hòa hợp. Phải chăng chàng gió đông kia đã có tình ý riêng tư với hây hây má đào mơn mởn. Kín đáo e lệ, quý hóa đáng yêu, xao xuyến ngẩn ngơ. Kín tiễn mùi hương khéo động lòng… Không phải ngẫu nhiên, dù nặng thế sự đạo lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn cho rằng đào là loại cây xuất xứ từ cõi tiên. Cây tiên bên quán bởi ai trồng – Mỗi độ xuân về rực rỡ bông.
Hoa đào đẹp thanh thoát huyễn mộng… đằm tươi nồng nàn quyến rũ, mong manh tàn phai bạc mệnh… Nguồn tâm thức mĩ cảm nhân văn cho tao nhân mặc khách. Chẳng trách Nguyễn Du lấy cây đào làm bối cảnh tình duyên tài tử – giai nhân, lấy màu hồng làm gam nền đời Kiều. Từ mai xuất hiện 8 lần, từ đào xuất hiện 15 lần. Với tần số xuất hiện cao, xuân (42 lần) đi liền với hoa (107 lần) làm nên cảm thức hoa xuân như mạch sống sinh hóa phận người trong khúc đoạn trường.
Mở đầu giới thiệu tài sắc Kiều – Vân. Mai cốt cách tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ đẹp riêng. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê. Mỗi mùa có thú vui riêng. Xuân chơi miền cỏ thơm. Bằng nghệ thuật dùng cặp màu tương phản diện – điểm hài hòa, trải thảm cỏ cho gót xuân tình. Cỏ non xanh tận chân trời mang cảm thức bao la về viễn cảnh cuộc đời… Cành lê trắng điểm một vài bông hoa thoáng nét thanh tân trinh trắng bông lê đầu mùa. Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân. Duyên phận kỳ ngộ lần đầu, Kim đã nhận ra Xuân lan thu cúc mặn mà. Hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu, hoa tốt mỗi mùa, cả hai nàng đều tươi trẻ xinh đẹp.
Tình chớm nở, tương ngộ, biết duyên gì, thoáng chia phôi, trường tương tư… Kiều một mình hoa bên cửa sổ ngắm trăng. Những chiếc là thon tròn răng cưa chen dày những cánh hoa tươi đỏ. Hải đường lả ngọn đông lân – Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà. Vẫn là hải đường ấy, nhưng Kiều gặp nhớ Kim, được lặp lại với Thúc Sinh ở sắc thái khác trong tình trăng hoa Hải đường mơn mởn cành tơ – Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
Lê cùng loại với táo tây, hoa trắng, quả có nhiều nước, vị ngọt… như người phụ nữ đẹp, như xúc tác tình yêu. Hội đạp thanh hợp rồi tan duyên phận… mộng Đạm Tiên báo mệnh, cửa sổ tâm hồn đẹp buồn giọt nước mắt. Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa. Một lần gót sen thoăn thoắt… Kiều đến với Kim hoa sóng tình. Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng. Vừa dời chân đi đã vội quay lại. Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình… Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. Câu thơ đẹp, ánh trăng đưa bóng hoa như thể người ngọc đi tới, trong trạng thái Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê, nàng tiên hoa bước tới cứ như mộng… Cung đàn giao duyên Hoa hương càng tỏa thức hồng.
Hình tượng hoa và sắc vừa tự nó vừa rộng giàu giá trị thẩm mĩ. Nàng Kiều trước sau vẫn là đóa hồng, bóng hồng. Biết khôn khéo lựa lời như Tú Bà với Kiều thì cũng là Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài. Kim về hộ tang chú quay lại trống vắng… cảnh đó, người đâu… Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Từ Hải đến lầu xanh nàng ở bỗng chốc hóa lầu hồng Thiếp danh đưa đến lầu hồng. Ấy là màu hoa – hoa tình yêu, màu môi thiếu nữ, màu niềm vui sự sống… Để kết thúc truyện trăm năm – cõi người – cõi hoa là Vườn xuân một cửa…
Cổ điển tiếp vào trong hiện đại. Xuân trong Thơ mới là mùa tự nó, là một phạm trù có tính biểu trưng trong tư duy và mĩ cảm của cái tôi thi sĩ. Cảm thức lãng mạn ở cá thể thực cảm chân thành trọn niềm tin thánh thiện – trần thế – yêu thương. Đời người như một bông hoa mà tình yêu như mật ngọt nhựa sống tuôn trào (V. Hugo). Hoa xuân mang những thông điệp tươi mát tâm hồn và pha cả hương sắc nhục cảm qua nghệ thuật tương giao hiện diện trong trần thế tuyệt mĩ dẫu đầy bụi trần ai. Môi nhỏ nhắn, tròn trịa căng mọng hoa tulip. Mồ hôi thánh thót thân thể ngọc ngà sương long lanh đóa phong lan.
Khung trời mộng tưởng mà hữu thực hòa hợp không – thời gian xuân ở cái tôi cá nhân mà nở bao hoa phong phú đa dạng trong cảm nhận và biểu hiện. Trên giàn thiên lý bóng xuân sang (Hàn Mặc Tử)… Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi (Chế Lan Viên)… Này đây hoa của đồng nội xanh rì (Xuân Diệu)… Hoa xuân nở lòng tay, cảm bằng tim, tỏa hương bằng mắt… riêng mình trong sự tri nhận đầy cảm giao vô biên. Dù là chân quê… Buổi ấy mưa xuân phơi phới bay – Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (Nguyễn Bính)… hay là Mơ tiên siêu thực Bao giờ cho mộng nở hoa – Bao giờ xuân chín nõn nà trên môi (Bích Khê). Ấy là đóa hoa triết mĩ nở tươi thực tại. Dù là Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng… mà vẫn Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi (Xuân Diệu).
Căn tính dân tộc nằm trong chiều sâu tâm thức. Nở đóa hoa xuân đỉnh núi… mượt phù sa… thơm sóng biển. Từ dân gian qua cổ điển qua hiện đại, văn hóa truyền thống ám thị đương đại Việt mang dấu ấn của hoa, đặc biệt kết tụ tỏa hương hài hòa duyên xuân, nằm trong tâm thức và biểu hiện ở ứng xử. Lòng xuân nở hoa xuân, chẳng những trong nghệ thuật ngôn từ mà cả tay hoa mỗi người dung dị nhạy cảm.
Hiểu sâu để mà biết vui. Trí tuệ giàu để tâm hồn đẹp. Cành hoa nào chẳng tự đơm hương. Trăm hoa đua nở trăm tư tưởng. Một giọt sương hoa không tên. Căn tính Việt Nam nằm sâu trong tâm thức Việt, nét tâm linh an lành, vui hạnh phúc an nhiên, hệ giá trị văn hóa… Tứ thơ thực hư tương sinh, động tĩnh giao hòa, mở diện phác điểm. Bút pháp tả vật biểu tâm, dung tình nhập cảnh, cảnh vật và tâm thức giao dung, ấm áp thân thuộc và trong sáng thanh cao… lặng kết lan tỏa hương hoa xuân. Đây cúc, kìa mai, nọ hải đường – Cùng mai hoa tụ nhóm thiên chương – Ấm trà mạn hảo lai rai rót – Phảng phất hương thầm bạch ngọc lan (Yến Lan).
Mọi việc rồi qua… Mình là hoa đất nâu hòa trời xanh rộng. Hoa hé mắt tinh vân. Giao thừa ngát hương thanh. Hoa rụng thoảng làn hương. Điệu thương xuân tay hoa. Tỏa mát khí dương hòa. Tết tươi nét mặt cười. Hoa xuân thắm hương quê. Chân thiện mĩ hằng mong…
- Xem thêm: Thơ R. Tagore – Sắc xuân gửi lại