Đồng hồ cổ mang đến sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật cơ học và vẻ đẹp rực rỡ. Dù cho bạn đến với đồng hồ cổ do ưa thích độ chính xác của tiếng “tích tắc” hay vì những nhà chế tác đồng hồ vĩ đại đã mang đến các tác phẩm nghệ thuật khiến bạn say mê thì việc sưu tập đồng hồ cổ cũng có thể nhanh chóng trở thành một niềm đam mê cả đời.
Khi nói đến sưu tập đồng hồ cổ, một quyết định mua hàng thông minh có nghĩa là bạn phải hiểu biết về các nhà sản xuất và kiểu dáng, nhưng cũng cần kiểm tra một số khía cạnh của đồng hồ để đảm bảo rằng chiếc đồng hồ bạn đã chọn có giá trị đầy đủ. Các yếu tố có thể giúp bạn xác định giá trị của đồng hồ cổ bao gồm:
Tình trạng của đồng hồ
Đồng hồ trong tình trạng tốt sẽ có giá cao hơn so với những đồng hồ bị hỏng, trầy xước hoặc thiếu các thành phần. Dù một chiếc đồng hồ cổ có vẻ ngoài đẹp mắt thì bạn cũng cần phải kiểm tra tình trạng hoạt động của đồng hồ, bao gồm tất cả các yếu tố tạo nên chức năng của đồng hồ. Bạn nên kiểm tra mọi thứ từ mặt số đến bộ thoát – thiết bị điều khiển mức năng lượng sẽ được giải phóng từ dây cót, giúp cho chiếc đồng hồ đạt được sự chính xác trong việc đếm giờ.
Đồng hồ đã được phục chế hay chưa?
Mặc dù một số đồng hồ có thể trở lại ánh hào quang trước đây của chúng với sự phục chế phù hợp, nhưng điều quan trọng mà người sưu tập cần lưu ý là đồng hồ chưa phục chế so với các tính năng ban đầu hoặc mặt kính vẫn còn trong tình trạng tốt sẽ có xu hướng được bán với giá cao hơn.
Nhãn hiệu của nhà chế tác đồng hồ
Thông thường, tính xác thực của đồng hồ cổ có thể được xác nhận bằng nhãn hiệu của hãng đồng hồ hiện diện trên bộ máy. Nếu không có nhãn hiệu hoặc nhãn liên quan, chiếc đồng hồ được “gán cho” một nhà sản xuất nào đó rất có thể sẽ bị đánh giá thấp hơn.
Lai lịch của chiếc đồng hồ
Nếu chiếc đồng hồ cổ đến từ một bộ sưu tập nổi bật, giá trị của nó cũng tăng lên. Ví dụ như chiếc đồng hồ Breguet Sympathique từng thuộc sở hữu của Công tước xứ Orleans đã giữ kỷ lục là một trong những chiếc đồng hồ cổ đắt nhất từng xuất hiện trong cuộc đấu giá.
Thiết lập đồng hồ cổ
Một trong những khía cạnh hấp dẫn của việc sưu tập đồng hồ cổ là chúng phản ánh trình độ chế tác thủ công đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, bảo trì những “kỳ quan cơ học” này có nghĩa là cần phải thiết lập chúng một cách chính xác và duy trì một chế độ chăm sóc thường xuyên.
Điều chỉnh con lắc
Đối với những đồng hồ cổ dựa vào động lượng của con lắc để báo giờ, bước đầu tiên để thiết lập đồng hồ là đảm bảo rằng con lắc này không lắc lư quá nhanh hoặc quá chậm. Bạn có thể điều chỉnh trọng lượng gần cuối của con lắc (lúc lắc nhẹ) – lên hoặc xuống để tăng tốc hoặc làm chậm dao động của con lắc. Bạn cũng sẽ cần phải đảm bảo đồng hồ của mình cân bằng để nó có thể luôn “đúng nhịp”, nghĩa là thời gian giữa tiếng “tick” và “tock” kinh điển luôn đồng đều. Nếu đồng hồ cổ của bạn rơi ra khỏi nhịp điệu này, rất có thể nó sẽ dừng lại.
Lên dây cót đồng hồ
Đối với những chiếc đồng hồ cổ sử dụng lò xo lên dây cót để báo giờ, bạn sẽ cần phải lên lịch lên dây cót cho đồng hồ. Khi đến lịch, bạn sẽ sử dụng tay quay của đồng hồ để lên dây cót cho đến khi gặp lực cản. Đừng cố vặn đồng hồ quá mức vì điều này có thể gây nhiều áp lực lên dây nguồn và thậm chí có thể gây hỏng hóc cho hoạt động bên trong của đồng hồ. Tần suất bạn lên dây cót cho đồng hồ cổ sẽ tùy thuộc vào kiểu dáng. Ví dụ, những đồng hồ 8 ngày nên được lên dây cót mỗi tuần một lần (lý tưởng nhất là vào cùng một ngày trong tuần). Trong khi đó, đồng hồ 30 giờ cần lên dây một lần mỗi ngày.
Điều cần lưu ý là khi thiết lập lại đồng hồ cổ, tốt nhất là tránh di chuyển kim đồng hồ theo cách thủ công. Những chuyển động như vậy cũng có thể làm hỏng cơ chế hoạt động bên trong của đồng hồ.
Chăm sóc bảo trì đồng hồ cổ
Một khi đã thiết lập thời gian chính xác cho đồng hồ , bạn nên bắt đầu nghĩ đến việc chăm sóc lâu dài cho chiếc đồng hồ quý giá của mình. Một số mẹo cần thiết bao gồm:
- Duy trì các điều kiện tối ưu: Tránh để đồng hồ của bạn trong không gian quá nóng hoặc ẩm ướt. Điều này có nghĩa là tránh đặt gần bộ tản nhiệt hoặc lò sưởi. Bạn cũng không nên đặt đồng hồ cổ dưới ánh nắng trực tiếp.
- Thường xuyên tra dầu: Đồng hồ cổ có thể chạy liên tục, vì vậy, cứ vài năm một lần, bạn nên lên kế hoạch tra dầu cho các cơ cấu của đồng hồ. Tuy nhiên, lau dầu cho đồng hồ cổ đòi hỏi phải có kỹ năng đặc biệt, vì quá nhiều dầu có thể làm hỏng các cơ chế thiết yếu. Ngoài việc bảo dưỡng định kỳ này, bạn cũng nên đưa đồng hồ đến một chuyên gia để “chăm sóc toàn diện” ít nhất mười năm một lần.
- Nếu có nghi ngờ, hãy hỏi chuyên gia: Với sự đa dạng của các kiểu dáng đồng hồ cổ và nhiều khía cạnh có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của chúng, bạn nên dành các câu hỏi về sửa chữa đồng hồ cổ cho một chuyên gia. Họ sẽ biết về sự khác nhau của các nhà sản xuất và mẫu đồng hồ của bạn để có thể giúp bạn bảo trì nó cho phù hợp.
Những kiểu đồng hồ cổ
Lịch sử đồng hồ cổ bắt nguồn từ thời Trung cổ ở Châu Âu và đặc biệt phổ biến trong giới sưu tập vì chúng có rất nhiều kiểu dáng. Ngoài các loại đồng hồ treo tường, còn có đồng hồ để bàn, đồng hồ lò sưởi và đồng hồ cây. Sau đây là một số phong cách đồng hồ cổ được yêu thích nhất:
Đồng hồ vỏ bằng sứ
Những ví dụ về đồng hồ cổ toát lên không khí sang trọng vương giả trong quá khứ vẫn còn rất nhiều trên thị trường đấu giá hiện đại. Những chiếc đồng hồ sứ đẹp mắt từ thế kỷ 18 và 19 với vỏ của các nhà chế tác nổi tiếng như Meissen, Sevres và Limoges mang đến những tạo tác nổi bật không kém gì tác phẩm nghệ thuật mà chúng còn là công cụ đếm thời gian. Các điểm nhấn tráng men và ormolu cũng thường làm duyên cho những chiếc đồng hồ này, càng làm tăng thêm vẻ ngoài thanh lịch của chúng.
Phong cách tinh gọn – nhưng không kém phần tinh tế – sang trọng có thể được tìm thấy trong những chiếc đồng hồ cổ của thời đại Art Deco đầu thế kỷ 20. Những tác phẩm tinh xảo này đã sử dụng các vật liệu rực rỡ như san hô và mã não để làm nổi bật thể hình học gọn gàng trong thiết kế của chúng.
Đồng hồ Skeleton tới đồng hồ Eureka
Các nhà sưu tập cũng có thể bị thu hút vào lĩnh vực sưu tập đồng hồ cổ vì sự xuất sắc trong kỹ nghệ, và một số nhà sản xuất sáng tạo đã thể hiện khía cạnh này khá tốt. Ví dụ, đồng hồ Skeleton, được giới thiệu vào cuối thế kỷ 18, là một trong những phong cách đầu tiên để lộ bộ máy bên trong của đồng hồ và do đó thể hiện tay nghề thủ công chuyên nghiệp mà những chiếc đồng hồ đó yêu cầu. Thế kỷ 20 chứng kiến sự ra đời của đồng hồ Eureka, đồng hồ mang tính cách mạng ở chỗ hoạt động của nó được hỗ trợ bởi xung điện.
Sự đổi mới tương tự có thể được nhìn thấy trong những chiếc đồng hồ cổ ngoạn mục do công ty Breguet et Fils sản xuất. Thành lập công ty của mình vào những năm cuối của thế kỷ 18, Breguet đã làm say lòng những khách hàng đầu tiên – bao gồm cả Vương hậu Marie Antoinette – với chiếc đồng hồ bỏ túi tự lên dây cót. Nhà chế tác này cũng đã cách mạng hóa lĩnh vực đồng hồ để bàn với việc liên tục cải tiến các chuyển động của mỗi chiếc đồng hồ. Breguet cũng đã phát triển các dạng kim mới dễ đọc hơn trong khi vẫn duy trì vẻ ngoài thanh mảnh, thanh lịch trên mỗi mặt đồng hồ.