Cho dù chứng tự kỷ hủy hoại khả năng giao tiếp của trẻ nhỏ với người khác nhưng căn bệnh thần kinh này không ngăn được các em tự biểu đạt tâm hồn và năng lực bẩm sinh của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật – như trường hợp một bé gái năm tuổi ở Anh mà với tài năng hội họa em được coi là một “Monet nhí”.
Em tên là Iris Grace, hiện sống với cha mẹ tại quận Leicestershire, vùng trung du nước Anh. Bắt đầu vẽ từ năm ngoái, lạ lùng thay những gì Iris Grace vẽ không phải là những đường nét nguệch ngoạc, những mảng màu lem luốc như cách thường thấy ở một đứa trẻ lên bốn khi vui đùa với sắc màu. Thay vào đó là những tác phẩm hội họa thực sự với một bảng màu thật hài hòa và với bố cục, đường nét của một người đã làm chủ được kỹ thuật hội họa; lạ hơn nữa là tranh của Iris Grace rất gần gũi với phong cách Ấn tượng, gợi nhớ những tác phẩm phong cảnh của bậc thầy Claude Monet. Chính vì vậy mà em được gọi là “Cô bé Monet”.
Câu chuyện của cô bé tự kỷ
Nhìn vẻ ngoài, Iris Grace là một bé gái xinh xắn, rạng rỡ, tươi tắn, lanh lợi, trông thật đáng yêu, khó ai ngờ em là một bệnh nhân tự kỷ nặng. Dù vậy, Iris biết thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên, hoa cỏ trong khu vườn nhà em, thích xem sách, xem tranh và thường nhún nhảy trên đôi chân trần. “Iris có nhạc cảm đặc biệt đối với âm nhạc cổ điển và biết rõ các loại nhạc cụ. Cháu thích nhất cây đàn violon”, bà Arabella Carter-Johnson, mẹ của Iris cho biết.
Năm Iris lên hai, em đã được xác định mắc chứng tự kỷ. Ngay từ lúc đó, gia đình em đã tìm mọi cách để có thể giúp con mình chống chọi với căn bệnh thần kinh quái ác. Với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia về trị liệu chứng tự kỷ, Iris đã có được những chuyển biến tích cực chỉ trong một thời gian ngắn. Từ chỗ không biết thế nào là vui đùa với những người thân yêu nhất, nay cô bé đã biết cười khi chơi cưỡi lên lưng mẹ, biết kêu lên bày tỏ sự vui sướng, thích thú. Ở tuổi lên năm, bây giờ Iris mới đang bập bẹ nói vài từ. Tuy nhiên, em hoàn toàn không thể giao tiếp, vui đùa với các trẻ cùng tuổi. Và thế giới của Iris chỉ rộng mở hoàn toàn khi em bắt đầu vẽ.
Bà Arabella Carter-Johnson kể: “Với sự hỗ trợ của liệu pháp thoại qua video được Công ty Gemiini phát minh, chúng tôi đã khuyến khích Iris vẽ, giúp cháu tập trung chú ý vào hoạt động này. Thế rồi chúng tôi nhận ra cháu thật sự có tài năng hội họa, và Iris đã tập trung được một khoảng thời gian khó tin nổi (với trẻ tự kỷ) là chừng hai giờ mỗi khi cháu vẽ. Khi tôi bày ra một số ca đựng màu nước, Iris tự chọn màu nào cháu dùng để vẽ, đòi thêm màu khi cần và tự pha màu bằng cách nhúng cọ từ ca này qua ca khác. Chứng tự kỷ đã khiến cháu sáng tạo một phong cách vẽ tranh mà tôi chưa từng thấy bao giờở một đứa trẻ cùng tuổi với cháu. Iris có một sự hiểu biết về màu sắc cũng như cách thức pha màu sao cho màu này hài hòa với màu khác. Cứ mỗi khi tôi mang màu ra, tâm tính cháu thay đổi hẳn: trông cháu thật rạng rỡ trong niềm vui và sự hào hứng. Thật tuyệt vời khi Iris tìm được cách để biểu đạt chính mình, và chúng tôi muốn chia sẻ điều đó với những gia đình có con em bị tự kỷ như cháu”. Hiện có khoảng 100.000 trẻ tự kỷ tại Anh và con số này đang ngày càng tăng, nên trường hợp của Iris Grace đem lại hy vọng cho rất nhiều gia đình.
Những nguồn cảm hứng của “cô bé Monet”
Chính thiên nhiên là nguồn cảm hứng lớn nhất để Iris vẽ tranh. Cô bé có thể ngắm nhìn không chán mắt cây cỏ, những chiếc lá xao động trên cành hay những bông hoa run rẩy khi gió thổi qua, nhìn mây lang thang trên bầu trời xanh, nhìn dòng suối chảy mang theo những chiếc lá khô, nhìn những cánh chim chấp chới, chao liệng trên cao… Dường như tất cả những hình ảnh đó đã được Iris đưa vào tranh theo cách riêng của em, thực và không thực nhưng đều tràn đầy tình cảm – một yếu tố không thể thiếu của tác phẩm mỹ thuật. Còn một nguồn cảm hứng khác để Iris vẽ là chú mèo thân thương Thula của em. Trong nhiều bức tranh của Iris có hình bóng của Thula, chẳng hạn như bức theo cách diễn đạt của em có tên là Những chú mèo đi mưa.
“Đã có không ít người liên tưởng đến tranh Monet bởi phong cách Ấn tượng mà Iris đã thể hiện trong tranh của cháu. Nhiều họa sĩ, nhà buôn tranh và các gallery đã liên hệ với chúng tôi, tất cả đều ca ngợi những bức tranh thật đáng yêu của cháu”, mẹ Iris cho biết. Những bức tranh của Iris Grace được mẹ em đưa lên mạng cùng với những hình ảnh cô bé xinh đẹp đang vẽ – khi thì giữa khu vườn đầy sắc hoa, khi thì trong ngôi nhà của gia đình em, hoặc lúc em đang thơ thẩn một mình giữa khung cảnh thiên nhiên hay ngủ say bên cạnh chú mèo Thula, “người bạn” thân thiết nhất của em… Và đã có biết bao lời ngợi ca từ khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ được gửi đến trang Facebook mang tên em. Giới kinh doanh và sưu tập tác phẩm nghệ thuật, chủ nhân các gallery đã mau chóng tìm đến nhà Iris Grace. Nhiều bức tranh do Iris Grace vẽ đã được họ mua với giá hàng nghìn bảng Anh.
Tiền thu được từ bán tranh được gia đình cô bé lo toan tiếp công việc trị liệu tự kỷ còn rất dài lâu, mua sắm dụng cụ và màu cho Iris tiếp tục sáng tác và hỗ trợ hoạt động của một câu lạc bộ nhằm trợ giúp trẻ tự kỷ, sinh hoạt vào mỗi cuối tuần tại Leicestershire quê hương em. Câu chuyện về Iris Grace và những bức tranh do em vẽ đã nhận được sự chia sẻ của nhiều ngôi sao điện ảnh và truyền hình nổi tiếng. Diễn viên Ashton Kutcher đã chia sẻ trên trang Facebook của anh, trong khi nữ diễn viên Olivia Colman, người ba lần đoạt giải thưởng truyền hình BAFTA của nước Anh đã đưa vào đoạn video về Iris một bài thơ do chính bà đọc. Câu chuyện kỳ lạ của Iris Grace còn kêu gọi được sự quan tâm đối với chứng tự kỷ của trẻ nhỏ khắp thế giới. Diễn viên Daniel Radcliffe đã nhận lời làm người đỡ đầu cho Quỹ Nghiên cứu chứng tự kỷ (Autism Research Trust), tổ chức quyên góp tài chính cho Trung tâm nghiên cứu tự kỷ của Đại học danh tiếng Cambridge ở Anh.