Tọa lạc trên quốc lộ 30, ngay cửa ngõ vào thành phố Cao Lãnh, văn phòng đại diện của Công ty Asifac Việt Nam là một dự án cải tạo có diện mạo mới rất ấn tượng, vừa được xưởng thiết kế Tho.A hoàn thành.
Với một dự án cải tạo thì việc khắc phục các mặt hạn chế và kế thừa những ưu điểm luôn được đặt ra để phiên bản sau phải đáp ứng trọn vẹn các nhu cầu được định hướng, đồng thời tiết kiệm chi phí hơn so với việc xây mới. Các vấn đề trên sẽ được giải quyết qua việc thẩm định hiện trạng những ý tưởng, giải pháp được đề xuất.
“Trong dự án này, chúng tôi có cơ hội tiếp cận với một đầu bài thú vị là kết hợp các chức năng văn phòng, phòng thí nghiệm và kho xưởng. Bên cạnh yếu tố thẩm mỹ và chức năng chưa phù hợp, công trình cũ gồm hai khối nhà có kết cấu khác nhau luôn trong tình trạng thấm dột ở chỗ tiếp giáp hai khối nhà. Thay vì cố gắng giải quyết chống thấm, giải pháp của chúng tôi là tách rời hai khối, tạo một khoảng sân trong nhằm chủ động cho phép nắng, gió và nước mưa đi vào công trình; đồng thời tạo mảng sân vườn thú vị và thông thoáng cho phòng thí nghiệm và khu vệ sinh ở quanh nó”.
Về ưu điểm, họ nhận thấy rằng kết cấu của nhà xưởng cũ với bước vượt nhịp lớn và sự lặp lại tạo nên nhịp điệu của công trình là vẻ đẹp cần được giữ gìn và nhấn mạnh. Tuy nhiên, khoảng vượt nhịp và không gian quá rộng có thể đem đến cảm giác kém thân thiện trong tương quan về tỷ lệ với con người. Giải pháp là chia nhỏ không gian bằng cách tạo ra những khối chức năng có kết cấu và lớp bao che riêng: khối sân vườn, khối văn phòng, khối nhà vệ sinh, khối phòng thí nghiệm và khối nghỉ nhân viên. Tất cả đều dưới một mái lớn bao trùm toàn bộ khu xưởng.
Cách giải quyết “khối nằm trong khối” này không chỉ định hình các chức năng riêng biệt, mà còn góp phần kiểm soát và tiết kiệm năng lượng trong quá trình khai thác sử dụng. Việc tạo ra các khối đó cũng góp phần quy hoạch lại các không gian phía bên ngoài các khối, tạo nên các khu vực chờ dành cho khách, khu chứa vật liệu và giếng trời. Nó cũng xóa bỏ hoàn toàn hình dung về một văn phòng theo cách phổ biến.
Dự án cải tạo này được gọi là “the fish”, gợi ý từ lĩnh vực hoạt động của chủ đầu tư (chuyên về các loại thuốc điều trị cho cá, tôm) và cũng đến từ cảm giác mà công trình đem lại. Không gian tổng thể khiến người ta choáng ngợp trước kích thước phi-con người, kích thích thị giác đến từ những vật liệu phản ứng với ánh sáng theo từng cấp độ khác nhau (kính, lưới sắt, polycarbonate…).
Ở một mức độ nào đó, cảm giác như các khối chức năng không cố định mà bồng bềnh trôi trong một bể lớn. Các khối này được tách hẳn khỏi hệ cột và tường bao dưới mái lớn. Những trụ kết cấu vốn có được xử lý vát xéo và xoay một góc 45º… Tất cả khiến cho mọi thứ cứ lơ lửng như muốn bay lên. Còn lại là sự chăm chút về chi tiết, lựa chọn về màu sắc, cách vận dụng gạch vụn và đá rửa để tạo nên những mảng miếng có ý đồ và đem lại nhiều cảm xúc.
_______
Địa điểm: Cao Lãnh – Đồng Tháp
Thiết kế: Atelier Tho.A
Nhóm thiết kế: Phạm Nhân Thọ, Huỳnh Thư Hoàn
Graphic: T. Nhân, Huyền Trần, Nguyễn Lê Duy Vũ, Nguyễn Nhật Anh Chương
Địa chỉ: 200/09 đường Bình Lợi, P.13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
Website: www.atelierthoa.com
Email: info@atelierthoa.com
Điện thoại: (028) 62581235
Xây dựng: Chú Sơn, anh Trường, anh Phú…
Ánh sáng: Tân Mỹ Á
_______
– Ảnh Quang Trần