Xuống sân bay Catania, chúng tôi lên xe về thẳng Ragusa. Quãng đường hơn trăm cây số lướt qua thật nhanh bởi phong cảnh Sicily quá đẹp. Mùa xuân trên hòn đảo lớn nhất nước Ý không giống mùa xuân điển hình kiểu châu Âu nhưng cũng rất rực rỡ và đầy sức sống.
Phố xưa trên vách núi
Vừa ra xa lộ, khung cảnh đặc trưng miền Nam Ý đã hiện ra với những thị trấn cổ kính, tháp mái lô nhô và những vòng tường thành sừng sững trên đồi cao giữa ánh nắng chan hòa, bao quanh là màu xanh của rừng olive. Cả vùng trồng olive từ lâu đời nên đi đâu cũng thấy những cây cổ thụ gốc to đến hai người ôm, mọc nghiêng nghiêng trong những khu vườn rộng mênh mông. Mùa này hoa poppy đỏ, hoa chuông tím, hoa marguerite trắng và vàng nở thành những tấm thảm rực rỡ hai bên đường và cả trên những mảnh đất dưới bóng cây. Hướng mắt qua ngọn đồi đằng xa, ngoài màu xanh bàng bạc của lá olive còn có màu sắc của đàn cừu, đàn lừa. Chúng xen lẫn vào nhau tạo thành những mảng màu lộn xộn, khô cằn và cả những phiến đá hình thù lạ lẫm điểm xuyết thêm để tạo nên vẻ đẹp dữ dội của miền đất Nam Địa Trung Hải.
Đường vào thành phố Ragusa càng đi càng lên dốc. Chẳng mấy chốc du khách đã thấy mình trên lưng chừng đồi, nhìn lên thấy tường thành vẫn cao sừng sững ở xa tít mà nhìn xuống đã thấy những cánh đồng xanh ngắt lốm đốm hoa trải dài ra tới bờ biển xanh thẫm phía xa. Nhờ nhiều thế kỷ giữ vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa phía tây nam đảo Sicily, Ragusa có tới 13 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Tuy nhiên hiện nay thành phố chỉ còn đa số người già an dưỡng, nông dân làm việc trong những trang trại và số ít học sinh – sinh viên!
Ragusa đẹp nhất khi nhìn từ xa, trông khá giống các khối xếp hình. Những ngôi nhà xinh xắn như được dán lên các vách đá dốc đứng. Tường nhà nhàn nhạt, tỏa ra một màu sắc cũ kỹ, nhưng dưới ánh nắng thì cả thành phố lại trở nên rực rỡ. Phần nổi nhất trên khối nhà đó có lẽ là mấy tháp chuông của nhà thờ, hay mái vòm của thánh đường Duomo có thể nhìn từ mọi nơi trong thành phố. Một thành phố cổ đặc trưng của nước Ý sẽ gồm những điều căn bản sau: Nhà thờ trung tâm gọi là Duomo cùng với quảng trường cùng tên, các hệ thống nhà thờ lớn nhỏ lân cận với mỗi cái tên thì thờ một thánh, con phố chính đông đúc nhất với các cửa hàng, vài cái dinh thự giờ có thể được dùng làm một kiểu bảo tàng hay cải tạo lại làm một cái nhà nghỉ hạng sang, nhà hát kiểu cổ tùy vào đế chế trị vì trong quá khứ, công viên trung tâm, hệ thống cái quảng trường mỗi cái có một chức năng lớn nhỏ khác nhau, và các cổng dẫn vào thành phố… Ragusa có Duomo thuộc loại đẹp và tinh xảo, kiến trúc Baroque tạo cho người ta cảm giác tinh tế, tựa như những đám mây đã kiến tạo nên chúng vậy, chứ không làm cho người xem cảm giác choáng ngợp vì cầu kỳ hoành tráng như kiểu Latin hay Gothic.
Buổi chiều, một vòng lang thang của chúng tôi bắt đầu từ Duomo, đi bộ trên những bậc thang tưởng như không có điểm kết thúc, ngắm nhìn những ngôi nhà bé xinh như cây nấm, chẳng mấy chốc hết một vòng thành phố, cuối cùng là dừng lại ở công viên, và cuối cùng là về nhà, thành phố Ragusa nho nhỏ thôi mà… Nói tiếp về những ngôi nhà bé xinh như cây nấm. Những ngôi nhà như được dán lên ngọn đồi, lại gần thì nhà cũng mỏng và gọn đến tối đa. Mái nhà với những viên ngói cong lên tròn trịa và sần sùi như những miếng bánh mì bị cắt ra rồi xếp lên phơi dưới ánh nắng. Ngói có mùi của rêu và hoa đá, cái mùi ngai ngái đặc trưng khiến dân Sicily khi đi xa thường nhớ về quê nhà. Tường nhà thì bằng đá thô không trát vữa. Mùa này các ngôi nhà tràn ngập hoa đá, cây lê gai, hoa cúc vàng bé xinh, hoa anh túc đỏ chói.
Nơi người Ý hưởng thụ cuộc sống
Đi trên những con phố nhỏ trên ngọn đồi cheo leo, chúng tôi nghĩ các thợ xây ở Ý đều là nghệ sĩ cả. Mỗi ngôi nhà, mỗi cửa hàng đều là sản phẩm thủ công không cái nào giống cái nào. Nhà cửa, các dãy phố bám vào núi theo những kiểu khác nhau, các ngõ nhỏ toàn bậc thang mở ra những khung cảnh khác nhau. Thành phố không lớn nhưng có nhiều bất ngờ ẩn giấu sau mỗi cuối dốc, mỗi ngã rẽ. Chân mỏi nhừ nhưng mắt cứ bị những cảnh đẹp lôi kéo, chẳng mấy chốc cả bọn đã ra đến ngoại vi thành phố. Dưới ánh hoàng hôn, ánh trời đỏ hồng sau đồi, không có gì che khuất tầm mắt, mà thực ra nhìn xa thì cũng chẳng có gì mấy. Ragusa được bao quanh bởi đồi, những ngọn đồi xanh non trong mùa xuân, thế thôi.
Ragusa được xem là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa và được chia thành hai phần riêng biệt: Phố cổ, phố mới. Phố cổ nằm gọn trên một ngọn núi với các tòa nhà kiến trúc cầu kỳ và những con phố nhỏ chạy dọc theo hẻm núi ngoạn mục. Một số công trình kiến trúc nổi bật là: Duomo di San Giorgio là nhà thờ chính ở Ragusa được xây dựng năm 1738 với một mái vòm hùng vĩ, Nhà thờ Santa Maria dell’Itria một nhà thờ cổ kính được xây dựng từ thế kỷ XIV với nội thất được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Bảo tàng khảo cổ IBLA là nơi người ta đã phát hiện những di tích về một khu định cư cổ đại, nhà thờ Santa Maria delle Scale, nhà thờ Santa Maria del Gesu, nhà thờ Santa Maria del Miracolin cũng là một phần di sản thế giới của Ragusa đã được UNESCO công nhận…
Vốn thích la cà quán xá, Ragusa khiến buổi tối của chúng tôi trôi qua nhanh như cái chớp mắt. Thành phố này còn tồn tại nhiều osteria và trattoria rất thú vị, hai “trường phái” nhà hàng này hội tụ những phẩm chất đặc thù nhất của văn hóa ẩm thực Ý. Osteria có thể được coi là lữ quán hay tửu quán – nơi nam giới thường tụ tập uống rượu, tán gẫu. Osteria ở Ý hiện đang phải cạnh tranh dữ dội với mô hình quán bar phong cách hiện đại. Các lữ quán kiểu Ý làm vui lòng du khách hoài cổ bằng rượu vang đặc sản, bằng những món ăn đơn giản – khẩu phần nhỏ nhưng rất ngon miệng khi nhắm với rượu. Còn trattoria là kiểu nhà hàng cha truyền con nối, phục vụ các món ăn có “bí quyết gia truyền” và nguyên liệu “cây nhà lá vườn”. Trattoria có thực đơn khiêm tốn nhưng món ăn thì ngon đến khó quên. Nhờ chịu khó lùng sục mấy trattoria nằm trong ngõ nhỏ xíu mà cả bọn được thưởng thức loại cam ruột tím quý hiếm, uống rượu vang được chế biến bằng công nghệ sinh học và thưởng thức kem nếp cẩm vừa ngon vừa rẻ. Ăn xong, chúng tôi sà vào một cửa hàng có tên Antica Drogheria chuyên bán đồ lưu niệm, rượu, các loại bánh kẹo, đặc biệt có cho ăn thử luôn. Việc cho ăn thử rất quan trọng với khách từ phương xa. Suýt tí nữa chúng tôi đã mua cả ký lô cà chua sấy khô đặc sản vì vẻ ngon mắt, đến khi nếm thử thấy món này quá dai và mặn mới thôi.
Trước chuyến đi, có người dặn tôi: Đến được Ragusa thì hãy quan sát cách người Ý tận hưởng cuộc sống. Đúng là thành phố này có nhiều điều hấp dẫn, nhưng để vui thú điền viên trong những trang trại olive dưới chân dãy núi đá thơ mộng, hay tắm nắng trên bãi biển được xếp hạng đẹp nhất nước Ý thì cần đến ngân sách và quỹ thời gian gấp mấy lần chúng tôi đang có bây giờ. Ragusa ơi hẹn lần sau!