TRẦN NHẬT VY
(Nam Kỳ tuần báo số 61 ngày 22.12.1898)
Người kia học hành không được bao nhiêu mà muốn làm thầy thuốc, vì dễ kiếm ăn. Nghĩ rằng: dẫu có hốt thuốc lầm, người ta có chết thì đổ tại mạng chớ chẳng đổ cho thầy bao giờ. Vậy nên mới bày hốt thuốc. Thời may, gặp bịnh chúng(1) chữa gần lành mà chủ thấy lâu, ngã lòng mới chạy đến thầy ta nên được nổi danh tiếng lớn.
Sau ai có bịnh chi cũng chạy tới, dầu không biết chúng đau bịnh gì thầy ta cũng chịu hết vì sợ mất danh tiếng. Vậy mới hốt thuốc không nhằm đâu vào đâu, chúng chết thôi chẳng biết bao nhiêu. Mà may không ai tới than trách, họ đỗ tại số tại mạng mà thôi.
Lão thầy biết hết thời rồi nên tổ không đãi nữa, mới tính đi làm thầy bói. Bỏ xứ đó đến xứ khác.
Trong việc bói thì thầy ta nghĩ cũng còn dễ hơn làm thầy thuốc, vì có một cái nói láo mà ăn tiền, lại không hại ai. Chú thầy ta lấy làm tiếc phải khi trước đừng làm thầy thuốc để làm thầy bói còn hơn, vì không dè cho họ ăn cơm nguội uống nước lạnh mà phải chết. Thuốc nước của thầy ta thì là nước lạnh, còn thuốc hườn thì là cơm nguội quết với mật ong rồi vò viên lại. Bây giờ đi làm thầy bói cứ nói đưa đẩy theo chúng mà ăn tiền. Như chúng tới bói, hỏi cha mẹ, anh em, đi chừng nào về thì thầy ta nói “Sớm tối cũng về” cứ dùng tiếng nói trống mà nói. Có nhiều quẽ, chúng cũng lấy làm ứng lắm.
Họ đồn dậy xóm dậy làng thấu tới tay bà Tổng trấn. Bà nầy có làm mất một chiếc cà rá thủy xoàn(2) trọng giá lắm. Bấy lâu nay rao cùng, ai có được đem tới sẽ trọng thưởng, song không thấy ai đem tới. Chiếc cà rá ấy là của ông chồng cho hồi mới cưới về.
Lúc ấy, quan Tổng trấn về kinh chầu vua chưa về. Bà vợ nhơn lúc chồng đi khỏi, đòi tên thầy bói vào bói thử họa may có được không. Cho quân gia đem võng giá dù lọng ra rước lão thầy bói vào. Lão thầy thấy quân lính tới nhà không biết lành dữ thể nào. Quan đòi thì phải đi mà trong lòng thì không yên được. Vậy khi đi dọc đàng lão mới chợt nhớ rằng, thuở nghèo khổ có ước phải chi trời cho được sung sướng một ít ngày rồi chết cũng ưng mạng. Nghĩ trong bụng mình làm thầy bói quan đòi tới làm chi, chắc sao bà lớn cũng đòi vô bói chẳng không, vì đờn bà hay dị đoan. Lại lão cũng có nghe bà ấy có làm mất một chiếc cà rá. Lão tính thôi cái số lão nó gần mãn nên mới khiến tới đó mà bói. Vậy mới than rằng “Ôi! Chết thì chết! Tao cũng làm sao cho được phỉ chí một đôi ngày rồi hãy chết” (số 62 ngày 29.12.1898).
Vô tới nơi, lão nói với bà Tổng trấn rằng “Xin bà cho tôi quản suất tại đây ba ngày, rồi thì tôi chỉ chiếc cà rá cho bà. Bằng không thì thôi. Ấy là tôi thử bà coi có hết tình không, chớ bây giờ đây tôi cũng đã biết nó ở đâu”.
Bà Tổng trấn ban đầu không chịu, mà bởi nghe đồn thầy ấy có tài lắm, lại cũng bởi muốn kiếm cho được chiếc cà rá của mình, cho nên phải chịu. Lão thầy cứ sớm mai bắt xe của
quan Tổng trấn đi dạo chơi rồi về ăn uống cho no say rồi đi ngủ. Chiều lại say quá bội chúng phải khiêng vô để nằm trên giường chớ lão đi thôi đà không đặng. Ngủ mê man tới sáng, dậy nằm nói “Làm sao làm sao đi nữa cũng được một rồi”.
Lão nói một ngày mà thằng hầu đó tưởng là nói nó! Nó mới chạy học lại với hai thằng kia và biểu không tin thì thay phiên hầu, đặng vô nghe mà coi.
Bữa thứ hai cũng vậy, chúng khiêng vô ngủ một giấc tới sáng, dậy nằm nói “Làm sao làm sao đi nữa cũng được hai rồi”. Hai đứa hầu ấy tưởng nói nó, nó chạy ra cho thằng kia hay.
Qua bữa sau ba đứa vô hầu lão cũng cứ ăn chơi no say rồi chúng phải khiêng vô giường ngủ cho tới sáng dậy mơ màng nói “Làm sao làm sao đi nữa cũng được ba rồi”.
Ba đứa hoảng hồn áp vô lạy thầy xin cứu, vì nó dại lỡ lấy, bây giờ không biết làm sao mà trả lại. Lão thầy nghe chúng nó nói vậy thì rằng “Tao chưa vô tới dinh thì tao đà biết là bây, mà tao nghĩ mình ăn thưởng chúng bị phạt tội nghiệp nên tao muốn lập thế mà cứu bây. Vậy thì đi lấy chiếc cà rá đem ra đây cho tao”.
Chúng nó đưa ra thì thầy ta biểu đem lấy một nắm cơm bao nó lại mà cho con ngỗng nào đó nó nuốt đi, rồi nhỗ một ít cái lông trên lưng nó làm dấu cho tao biết. Chúng nó làm y theo lời thầy dặn.
Bà Tổng trấn bữa mai đòi thầy ta ra mà rằng “Sao! Phá của tôi như vậy bây giờ tính làm sao, nói cho tôi biết một chút”.
Lão thầy rằng “Bẩm bà, tôi đà nói với bà, tôi thử bà coi có hết tình không, chớ tôi biết chiếc cà rá của bà nó ở đâu trước khi tôi vô cửa dinh bà đây”. Nói rồi xin bà ấy đi ra ngoài sân, tay thì chỉ con ngổng, miệng thì rằng “Bẩm bà, khi bà đi ra đây, bà có rẩy tay đeo chiếc cà rá ấy, nó rớt xuống đây mà bà không hay. Con ngổng nầy nó thấy cái chi sáng sáng, nó lại nuốt phứt đi, xin cho người mổ bụng nó ra thì có chiếc cà rá ở trỏng”.
Thật như lời thầy ấy nói, mổ bụng con ngổng ra coi thấy có chiếc cà rá.
Bà Tổng trấn mừng quá bội mừng, cầm thầy bói ta ở lại đặng ông chồng về có đem khoe. Chẳng bao lâu, ông Tổng trấn trở về, bà vợ lật đật ra mừng và kể chuyện đó. Ông chồng nghe nói thì rằng “Đàn bà hay tin dị đoan, nếu thật vậy thì để chiều nay các quan tới mừng tôi, tôi cầm ở lại cho có đông mặt, tôi biểu lão bói một quẻ”. Tới chiều lại, có đủ các quan tới ông Tổng trấn cầm lại ăn cơm, cũng cho mời lão thầy đó ăn luôn một tiệc. Khi ăn rồi, quan Tổng trấn chạy vô buồng lấy đậy kín lắm đem ra mà rằng “Ở đây có đủ các quan, tôi xin thầy nói cho tôi biết giống chi trong hộp nầy. Nói trúng thì tôi cho thầy một sở vườn, cho một cái nhà lầu ở tại đó cho thầy ở, bằng không thì tôi dạy treo thầy tại trước cửa nầy để mà răn chúng vì thầy gạt vợ tôi khi tôi đi khỏi, mà phá hao tốn hết nhiều lắm; và để thầy thì còn hao tốn của kẻ khác nữa”. Lão thầy đứng dậy vùng la lên rằng “Hết đời thằng Lằng rồi!”(3). Vừa nói dứt lời, ông Tổng trấn vụt dở cái nắp hộp mà la lên rằng “Thầy thật đại tài”.
Quả con thằn lằn bị ông ấy bỏ vào hộp lâu quá nó phải ngộp hơi mà chết.
Thật thì lão thầy bói nói hết đời lão rồi, vì thằng Lằng là thằng thầy bói đó, nó tên Lằng.