Là vị vua thứ 12 của vương triều Nguyễn, vua Khải Định cũng rất mong muốn được ra thăm miền Bắc. Trước khi lên làm vua, Khải Định đã từng có những chuyến thăm thú tới Đà Nẵng, Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa, Quảng Trị. Tuy nhiên, một chuyến Bắc tuần xa nhất và lâu ngày nhất của vua Khải Định lại mới được thực hiện vào năm Mậu Ngọ (1918).
Trước ngày lên đường, trong buổi dự triều, vua Khải Định đã xuống dụ cho các quần thần rằng: “Trị nước để nuôi dân phải luôn nhớ tới đức hiếu sinh; Vâng lời mà cầm quyền chớ có quên giữ yên nguồn sống. Các bậc đế vương sở dĩ đi tuần thăm viếng phong cảnh chính là nhằm vào mục đích ấy.
Trẫm đức bạc, nay mang trọng trách tiếp nhận cơ đồ to lớn, thường vẫn cảm thấy hổ thẹn vì nước yếu mà mình tài hèn chẳng làm được chút gì bổ ích, thương dân lầm than mà chẳng làm được chút gì để thi ân. Từ ngày lên ngôi, bên ngoài thì được các Đại thần Bảo hộ giúp đỡ, bên trong có các bậc thạc phụ Viện Cơ Mật phụ tá, nên đất nước may cũng tạm được yên ổn. Tuy nhiên, lòng trẫm vẫn thấy là chưa đủ. Như các địa hạt xứ Bắc kỳ đất ở xa xôi, dân cư đông đúc, chính sách trước nay vẫn phó cho người ngoài coi giúp, nên nhiều nội tình thầm kín khó có thể từ xa mà thấu hiểu được. Bởi vậy, lần này noi theo lệ cổ ra thăm phương Bắc để bày tỏ chút tình của trẫm lo lắng cho dân…”.
Và vào ngày mồng 9 tháng 3 năm 1918, vua Khải Định cùng đoàn tùy tùng ngự giá khởi hành. Trái với các vua đầu triều đi “Ngự giá Bắc tuần” cùng phái đoàn tới cả nghìn quan văn võ và vài nghìn lính hộ vệ, riêng vua Khải Định thì chỉ đi với 20 người bao gồm: Viện trưởng Viện Cơ Mật kiêm Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân, Thượng thư Bộ Công kiêm Bộ Binh Đoàn Đình Duyệt, Thống chế Lê Văn Bá, Tham tri Bộ Lễ Lê Bửu Trạch, Chưởng vệ Nguyễn Hữu Tiễn, Tham tá Nội các Phạm Hoan, Ngự tiền văn phòng kiêm thông ngôn Hường Đề, Lang trung Ty Cẩn tín Ưng Bàng, hai quan ngự y, tám thị vệ, hai quan Nội các và một nhân viên Viện Cơ Mật.
- Xem thêm: Bảo vật quốc gia Việt Nam
Trong khi vắng mặt, vua ra dụ giao cho Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài và Thượng thư Bộ Học Hồ Đắc Trung điều hành công việc triều chính. Trung quân Đô thống Hường Thỏa và Thống chế Võ Văn Khiêm trông coi về an ninh kinh thành và đại nội.
Đoàn tùy tùng của vua Khải Định xuất hành tại ga Huế, với lễ tiễn đưa của các quan chức Pháp, quan Nam triều và tỉnh Thừa Thiên, học sinh các trường và rất đông dân chúng. Chuyến ngự giá ấy được ghi chép rất cụ thể trong Mộc bản sách Khải Định chính yếu sơ tập, quyển 3, mặt khắc 5, 6, 7 như sau:
- “Ngày 9 tháng 3, ngự giá xuất phát từ Kinh sư ra Quảng Bình, rồi đi qua Hà Tĩnh, Nghệ An. Tại các tỉnh ấy đều dừng chân thiết triều ở hành cung. Ngự giá đi thăm Sở Lục lộ Hà Trai, xem bắt voi, thăm đồn đền của quý quan.
- Ngày 13, ngự giá đến Thanh Hóa. Ngày 14, ngự giá đi viếng các Tôn lăng, Tôn miếu.
- Tối ngày 16, ngự giá tới Hà Nội, lấy Phủ Toàn quyền làm hành cung. Quý Toàn quyền đại thần Sa Lộ dẫn quý quan Tây và quan ta mở hội chào mừng. Sáng sớm hôm sau, bày nghi thức đại triều. Thần dân Bắc Kỳ dâng biểu mừng. Sau đó, ngự giá đi thăm tượng đồng viên Tiền Toàn quyền Côn Ba. Xem triển lãm Nông Công Thương. Tới nhà Thái học dự lễ khánh thành. Thăm Văn Miếu Bắc Kỳ, sinh từ của Vĩnh Quốc Công. Ngự lễ duyệt binh. Lên Sơn Tây xem Sở Dinh điền của quan Tây. Tới Tòa Thượng thẩm Bắc Kỳ.
- Ngày 20, ngự giá lên Lạng Sơn tuần thị đồn binh, leo lên núi Kỳ Lừa quan sát cửa ải, du ngoạn Đồng Đăng, thăm động Tam Thanh.
- Ngày 22, ngự giá ra Hải Phòng, các quý quan Tây, quan ta và các công đoàn mở hội chào mừng tại Tòa Thị chính Hải Phòng, rước ngự giá tuần thị hải cảng, ra nhà nghỉ mát Đồ Sơn, đi xem máy móc và các xưởng chế tạo, ra Lục Hải thăm các động và cửa biển Cẩm Phả.
- Ngày 24, trở về Hà Nội, thăm trường Bác Cổ Đông Dương, Viện Bảo tàng và Sở Hội nghị Thương nghiệp Bắc Kỳ.
- Ngày 26, ngự giá Nam Định, các quý quan Tây, quan ta mở hội chào mừng ở hành cung. Ngự giá tuần thị các trại lính và bến sông Vị Hoàng. Thăm nhà máy tơ.
- Ngày 27, ngự giá từ Nam Định quay trở về, dừng chân nghỉ lại ở Nghệ An.
- Ngày 28, tới Quảng Trị dừng lại nghỉ.
- Ngày 29, sáng sớm tới Sở Phúc Môn. Chiều hôm đó, ngự giá về tới Kinh sư”.
Như vậy, sau 20 ngày “Ngự giá Bắc tuần” vua Khải Định đã kết thúc chuyến kinh lý của mình. Đi đến đâu vị vua thứ 12 của triều Nguyễn cũng nhận được sự tiếp đón long trọng của chính quyền và dân chúng. Từ Kinh sư khởi hành qua Quảng Trị, Quảng Bình trở ra Bắc đều phóng 21 tiếng pháo lệnh.
Ở bến đò, bến sông hoặc ở ga xe trạm dịch của mỗi địa phương vua đến đều dựng rạp kết hoa rực rỡ. Trước đó, vua Khải Định cũng chuẩn trích cho mỗi tỉnh 5.000 đồng để bổ sung kinh phí chuẩn bị. Và trên cả hành trình đi đường cũng như nơi dừng nghỉ, có rất nhiều phong cảnh đẹp được vua tức cảnh vịnh thành 44 bài thơ. Chẳng hạn, tới Thanh Hóa, khi kính yết lăng Triệu Tường, Khải Định làm bài thơ ngự chế:
Phiên âm
Triệu tạo di mưu quyết hậu xương,
Thiên thu linh tú địa chung tường.
Giang triều cửu khúc loan hoàn thủy,
Sơn củng thiên trùng tả hữu cương.
Thanh sử nhân do truyền nghĩa khí,
Huyền thành thiên vị báo trung lương.
Hồng cơ thế thế tương thừa thiệu,
Ư vạn tư niên quốc mạch trường
Dịch nghĩa
Cảnh đẹp từ xưa cuộc đất linh,
Dựng nền lưu kế rạng tài danh.
Ngàn trùng núi lạy gò lên xuống,
Chín khúc sông chầu nước uốn quanh.
Sử sách người còn truyền nghĩa lớn
Lửa hương trời để báo tôi lành
Cơ đồ kẻ trước người sau nối
Mạch nước muôn năm một mối lành.
Khi tới thăm Văn Miếu ở Hà Nội, nhà vua cũng tức cảnh mà vịnh thành hai bài thơ như sau:
Phiên âm (bài 1)
Hóa hành Nam quốc ái văn ba
Thánh đạo chân truyền quán bách gia
Tằng vị Bắc phương danh giáo địa,
Nghi hồ miếu mạo vĩnh nguy nga
Dịch nghĩa (bài 1)
Đạo thánh ngôi tôn trước bách gia
Lưu truyền Nam quốc rỡ văn hoa.
Bắc Hà vẫn nói miền danh giáo,
Miếu mạo bao năm vẫn sáng lòa
Phiên âm (bài 2)
Thần trung văn giáo nhập Viêm đô
Bách thế chuyên sùng đệ nhất Nho
Thử đặc Lý triều lưu cổ tích
Kinh lý tự hữu hảo quy mô
Dịch nghĩa (bài 2)
Thần trung văn giáo tới Viêm đô
Muôn thuở tôn sùng chỉ đạo Nho
Triều Lý chút còn lưu vết cổ
Thần kinh riêng tự có quy mô
Sau khi kinh lý ra Bắc trở về triều, vua Khải Định đã quyết định ban thưởng cho các bề tôi hộ giá Bắc tuần. Trong đó, Cơ Mật viện đại thần là Đông các Đại học sĩ lãnh Thượng thư Bộ Hình Tôn Thất Hân một tấm Long bội tinh hạng hai, Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Thượng thư Bộ Công Đoàn Đình Duyệt cùng Thống chế Lê Văn Bá mỗi người một tấm Cao Man bội tinh hạng bốn, Chưởng vệ Nguyễn Hữu Tiển một tấm An Nam bội tinh hạng bốn, Lang trung Ty Cẩn tín Ưng Bạn một tấm Cao Man bội tinh hạng năm.
- Xem thêm: Báu vật tìm thấy dưới lòng đất Việt
Có thể nói, chuyến “Ngự giá Bắc tuần” của Vua Khải Định đã kết thúc một cách tốt đẹp, đúng như mong muốn nhà vua: “Lúc đầu, trẫm cho rằng Bắc kỳ đã lâu không biết triều nghi quốc thể, nhưng hôm trước ngự giá thấy dân gian đã không ai làm trái vượt phận mà lòng người vẫn nhiều kẻ thương mến suy tôn, có thể nghiệm biết ơn trạch của liệt thánh với người rất sâu”.