Mặc dù được sinh ra trong cung cấm, là “lá ngọc cành vàng” của vua Minh Mạng nhưng Công chúa An Thường lại nổi tiếng là một người bình dị, khiêm nhường và rất mực hiếu thảo. Đặc biệt, phẩm hạnh của công chúa đã làm lay động không biết bao người trong hoàng cung.
Công chúa An Thường tên thật là Nguyễn Phước Lương Đức, sinh năm Đinh Sửu (1817), là con gái thứ 4 của vua Minh Mạng và mẹ là mỹ nhân họ Nguyễn, là chị cùng mẹ với hoàng tử thứ 9 Hàm Thuận Công Miên Thủ. Lúc đầu, công chúa tên Tam Xuân, sau đổi thành Lương Đức.
Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, quyển 9, mặt khắc 4, 5, có ghi về công chúa An Thường như sau: “Công chúa sinh ra đĩnh ngộ lạ thường, có tính hiếu đễ. Vua rất yêu quý. Khi lên 9 tuổi, mẹ đẻ bị ốm, gặp tiết Vạn thọ, các hoàng nữ vào hầu cơm. Gặp đại quan tiến món đuôi dê và nầm dê, vua chia ban cho các hoàng nữ ăn. Đến lượt công chúa, chỉ ngậm mà không nuốt. Vua lấy làm lạ mới hỏi tại sao, công chúa đứng dậy ra khỏi tiệc tâu rằng: mẹ thần có bệnh, không được thấm ơn; thần trộm nghĩ vị này rất bổ, nên để lại (cho mẹ). Vua rất khen cho là lạ, cho riêng một đĩa khác sai mang về cho mẹ. Tả hữu đều cảm động khen ngợi, có người chảy nước mắt. Lúc hơi lớn, cho ở điện Trinh Minh, sai nữ quan dạy cho sử sách, nữ công chúa hơi biết qua loa. Năm Minh Mạng thứ 9, mùa hạ tháng tư, vào ban đêm, cung tỳ ở điện Trinh Minh giữ lửa bất cẩn, cháy cả trướng màn. Công chúa kinh sợ trở dậy, vội kêu ban trực, thân tự đốc suất dập tắt được. Khi ấy vua thăm Thuận An trở về nghe tâu, vua khen ngợi, cho 3 lạng vàng”.
Năm Giáp Ngọ (1834), vua Minh Mạng đi tuần phía Nam, người được vua tin tưởng giao cho hầu cung Từ Thọ không ai khác chính là An Thường. An Thường đối đãi với bà rất chu đáo, vui vẻ và được bà hết mực tin yêu. Khi vua cha trở về, thấy thế đã ban thưởng cho công chúa một tấm bài đeo bằng ngọc trắng màu mỡ dê, có dây thao rủ xuống. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện còn ghi lại mẩu chuyện rằng: “Năm thứ 18, mùa đông, gặp tang mẹ đẻ, thương xót để thân thể gầy còm hết lễ. Năm thứ 21, vua không khỏe. Công chúa thân sắc thuốc nấu cháo để tiến, sớm chiều hầu hạ không mỏi. Đến ngày vua mất, công chúa thương đau ngất đi tưởng tắt thở. Hiến tổ thường lấy cháo của vua ăn còn lại đem cho, dụ nên bớt lòng thương. Lại thời thường kính đến cung Từ Thọ thăm hỏi. Đến khi đem chôn, theo hầu bàn thờ, chực hầu đền thờ ở mà, trọn tang 3 năm, chưa từng thấy cười đùa”.
Năm Thiệu Trị thứ nhất, An Thường công chúa kết hôn với Phấn Dũng tướng quân Đô úy Phan Văn Oánh, con của Đô thống phủ Chưởng phủ sự Chương Nghĩa hầu Phan Văn Thúy, người ở Thuận Xương, Quảng Trị. Sau khi vu quy, bà thờ mẹ chồng, dạy con, giữ đức khuê môn, không cậy mình là con vua. Năm Tự Đức thứ nhất, bà được tấn phong làm An Thường Công chúa.
Năm Giáp Dần (1854), vua Tự Đức có dụ gia cấp bổng lộc cho các Thái thái trưởng công chúa, Thái trưởng công chúa và Trưởng công chúa. Thái trưởng công chúa An Thường cũng có tên trong số những người được thưởng. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, quyển 14, mặt khắc 22, ghi rằng: “Thái trưởng công chúa An Phú, An Thường, Anh Vĩnh, An Trang, An Cát… bẩm tính cung kính, thuận thảo, nết hạnh dịu dàng đã được tấn phong làm rạng rỡ tiếng tăm, cần được gia cấp bổng lộc để tỏ rõ đặc ân”. Thái trưởng công chúa An Thường mỗi năm được cấp thêm 100 quan tiền và 60 phương gạo”.
Năm Nhâm Tuất (1862), Phò mã Phan Văn Oánh bị bệnh rồi mất, An Thường công chúa dâng sớ xin đắp sinh phần để làm kế ngày sau hợp táng. 4 năm sau (1866), khi chúa 50 tuổi, vua sai người đem tờ dụ và phẩm nghi ban cho để làm lễ thọ. Năm Mậu Dần (1878), vua thấy An Thường tuổi đã hơi nhiều, mà còn có thể bảo ban các công chúa phòng hầu Từ cung, gia thưởng cho mỗi năm 100 quan tiền, 50 phương gạo để nuôi tuổi già.
Năm Hàm Nghi thứ 1, công chúa vào trực điện Hiếu Tư, chợt nghe báo động, lạy khóc ra đi để tránh, đến Hiếu Lăng thì binh coi giữ lăng đã chạy tan, vào thấy đền thờ ở miếu bỏ ngổn ngang, liền khóc to, rồi ở lại đấy coi giữ. Đến khi từ giá 3 cung trở về, công chúa đến yết kiến hầu hạ tả hữu. Năm ấy, sau khi Cảnh Tông Thuần hoàng đế, lên ngôi chúa mới về phủ đệ. Thường được từ chỉ khen ngợi, ban cho rất hậu. Năm Thành Thái thứ 3, mùa xuân, vào hầu Lệ Thiên Thái Hoàng Thái Hậu, Tuy Lý Vương có làm bài tán đề vào ảnh nhỏ của công chúa rằng:
Dịch nghĩa:
Tốt đẹp thay chị ta,
Dịu dàng thành thực,
đội mũ, gài tóc, khoan thai,
Nói không ra ngoài bực cửa,
là con vua tôn quý,
mà cần kiệm khiêm nhường,
răn 7 điều thuộc cả,
đạo tam tòng làm khuôn phép.
Có con biết hiếu thảo,
Có cháu hầu bên cạnh,
Phước thọ chưa
khang ninh đức tốt,
Phong hóa nhà vua kính nghiêm,
từ nhà rồi đến thiên hạ,
Bốn phương trông vào mà cảm hóa,
Sử sách chép lại để làm mẫu thức.
là ghi chép lại sự thực vậy.
Có thể nói, tuy xuất thân quyền quý, cao sang nhưng Công chúa An Thường luôn giữ lối sống bình dị và tấm lòng hiếu thảo, nhân hậu. Đến tuổi già, bà quy y cửa Phật với pháp danh Thanh Từ. Mùa hạ tháng tư, năm Tân Mão, bà qua đời, hưởng thọ 75 tuổi, thụy là Mỹ Thục.