Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 20-1-2015, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới tăng trưởng 7,4% trong năm 2014, thấp hơn mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là 7,5% đồng thời là mức tăng chậm nhất trong 24 năm qua. Trong một cuộc họp báo gần đây, Tổng cục Thống kê Trung Quốc nói rằng nền kinh tế nước này đang đối mặt với khó khăn nhưng Bắc Kinh sẽ nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng “trong một khoảng phù hợp”. Sự giảm tốc của thị trường bất động sản, tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là đầu tư suy giảm và hoạt động xuất khẩu chững lại vẫn tiếp tục là những thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Trung Quốc đang mất dần lợi thế
Tờ The Diplomat đầu năm đã đăng bài phân tích của tác giả Thomas Jandl, giảng viên một trường đại học ở Washington, cho rằng nếu các cơ quan chức năng của Trung Quốc tiếp tục gây khó dễ cho các tập đoàn đa quốc gia thì ASEAN có thể là người được hưởng lợi thông qua quá trình chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN.
Theo bài báo, Bắc Kinh gần đây đã thực hiện một cách tiếp cận mang tính đối đầu với các nhà đầu tư nước ngoài. Đáp lại điều này, một số công ty nước ngoài đã chuyển các cơ sở sản xuất của họ đến Đông Nam Á.
Trong những tháng gần đây, nhà chức trách Trung Quốc đã phạt các công ty phương Tây nhiều triệu USD. Các hãng sản xuất xe hơi Volkswagen và Chrysler, nhà sản xuất đồ điện tử hàng đầu Samsung của Hàn Quốc, các công ty đa quốc gia của Mỹ như GlaxoSmithKline và Johnson & Johnson đã phải chịu các khoản tiền phạt lớn vì những gì mà Trung Quốc gọi là “hành vi độc quyền”. Một số hãng khác như Microsoft, Qualcomm và Daimler-Benz hiện đang bị điều tra.
Các cáo buộc như vậy dường như là sự bảo hộ “sân sau” trong một thị trường mở, nơi hàng chục hãng sản xuất xe hơi hay nhà sản xuất hàng gia dụng cạnh tranh giành khách hàng khốc liệt. Đây có thể không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi các lệnh phạt này được áp dụng cho các ngành công nghiệp mà Trung Quốc có kế hoạch tạo ra các sản phẩm riêng của họ.
Mới đây Ngân hàng HSBC công bố báo cáo phân tích “Cuộc dịch chuyển vĩ đại: FDI đã chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á và Ấn Độ như thế nào”, theo đó HSBC nhận định khi chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc trong thập niên tới thì Thái Lan và Việt Nam có thể được định vị để lấp đầy khoảng trống và di chuyển lên cao trong chuỗi giá trị.
Báo cáo của HSBC cho biết, Trung Quốc đã nhận được dòng vốn FDI cao nhất trong các nước đang phát triển kể từ năm 1993 do lực lượng lao động dồi dào, thị trường trong nước rộng lớn và một chính sách tạo thuận lợi.
Tuy nhiên chi phí nhân công ngày càng tăng lên, đồng nhân dân tệ tăng giá và một dân số lao động có chiều hướng giảm đang là động cơ thúc đẩy các công ty đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia ASEAN và cả Ấn Độ, nơi có lực lượng lao động lớn, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và chi phí thấp.
Đây chính là cơ hội nếu các nước này thực hiện chính sách phù hợp để tận dụng lợi ích từ sự dịch chuyển.
Không chỉ Nhật Bản, các công ty từ nhiều nước khác cũng góp phần vào sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc khi họ đi tìm những cơ sở rẻ hơn. Ấn Độ là một điểm đến hàng đầu khi sở hữu lực lượng dân số cùng kích cỡ với Trung Quốc.
Cuộc chạy đua thu hút đầu tư
Trong khi môi trường kinh doanh ởẤn Độ phức tạp, chính sách FDI hạn chế, cơ sở hạ tầng nghèo nàn có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, thì các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam, tuy không có kích cỡ dân số tương tự nhưng lực lượng lao động cũng dồi dào, môi trường kinh doanh năng động sẽ mang lại nhiều hứa hẹn cho nhà đầu tư.
Indonesia đang ở trong tầm ngắm của rất nhiều nhà đầu tư toàn cầu, với gần 50% dân sốở khu vực thành thị và 62% dân số trẻ hơn độ tuổi 35.
Cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh vẫn là một thách thức, nhưng chính phủ đang tiến hành các bước để giải quyết vấn đề này.
Nếu tính tỷ lệ với GDP, Việt Nam là nước lớn đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đông Nam Á sau Singapore.
Trong vài năm qua, hoạt động FDI vào Việt Nam chưa mang lại hiệu quả cao do lạm phát không ổn định và quản lý kém hiệu quả đối với nền kinh tế. Cho dù dòng vốn FDI chậm lại nhưng Việt Nam vẫn là một đất nước phát triển mạnh mẽ so với quy mô quốc gia.
Cụ thể Việt Nam vẫn có thị phần lớn trong thị trường sản xuất hàng hóa cần tay nghề thấp như dệt may và giày dép. Xuất khẩu của Việt Nam cũng đang gia tăng về giá trị do đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử của Hàn Quốc và Nhật Bản.
Một số công ty nước ngoài đã chuyển cơ sở sản xuất đến địa bàn mới, chủ yếu là sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam – quốc gia đã nhận được các dự án đầu tư quan trọng. Riêng Samsung đã mở rộng cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2,5 tỉ USD, đồng thời đang xây dựng thêm hai cơ sở sản xuất với tổng vốn đầu tư được công bố là 3,4 tỉ USD. Tất cả các cơ sở sản xuất này đều được xây dựng kể từ mùa hè năm 2013.
Thái Lan là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh cạnh tranh nhất ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia. Liên kết đến các thị trường khu vực của Thái Lan rất mạnh, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng khá, và trình độ tay nghề cao. Thái Lan được xem là một điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất Nhật Bản. Tuy nhiên rủi ro về chính trị, thiên tai, chi phí lao động cao và tỷ lệ tăng trưởng ở độ tuổi lao động giảm đang giảm sức hấp dẫn của quốc gia này. Philippines có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư, nhưng cần phải thực hiện nhiều cải cách cần thiết.
Hiện nay các công ty Nhật Bản đang chuyển dịch kinh doanh sang các nước Đông Nam Á để tìm kiếm nguồn nhân lực rẻ hơn. Gần đây tám công ty Nhật Bản đã bắt đầu triển khai hoạt động tại thị xã Savannakhet của Lào nằm bên bờ sông Mekong, trong đó có các thương hiệu lớn như Nikon chuyên sản xuất thiết bị chụp ảnh và hãng xe hơi hàng đầu thế giới Toyota.
Lào là một nước nghèo, có dân số 7 triệu người nhận viện trợ lớn nhất từ Trung Quốc, cũng trong tầm ngắm của các nhà đầu tư Nhật Bản. Khu công nghiệp mới mở tại Savannakhet là một phần trong kế hoạch lớn của Nhật ở Lào, bao gồm một cây cầu bắc qua sông Mekong sang Thái Lan và nâng cấp đường cao tốc dẫn tới biên giới Việt Nam. Ông Hiroshi Yamamoto, giám đốc một doanh nghiệp phụ trợ của Nikon, tin tưởng rằng Lào có thể trở thành trung tâm trung chuyển của tập đoàn này.
Đây là một ví dụ điển hình của việc Nhật Bản sử dụng viện trợ và vốn đầu tư để làm giảm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á. Giáo sư David Potter ở Đại học Nanzan, Nhật Bản, nhận định: “Rõ ràng việc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc đang trở thành ưu tiên trong chính sách viện trợ của Nhật Bản”
Với Việt Nam, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất trong các nước được Nhật viện trợở Đông Nam Á. Nhật Bản cũng đang bắt đầu tăng viện trợ cho Campuchia, Myanmar và Lào nhưng ở mức độ thấp hơn. Động thái này diễn ra trong thời điểm quan hệ Nhật – Trung đang xấu đi rõ rệt do các tranh chấp lãnh thổ và mâu thuẫn lịch sử.
Hiện lĩnh vực chế tạo và lắp ráp đã và đang được dịch chuyển đến Việt Nam và Indonesia. Campuchia cũng đang trở thành một “người chơi” nghiêm túc trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may cấp thấp. Myanmar đã sẵn sàng nổi lên trở thành nơi có nguồn lao động giá rẻ, nếu các cải cách được thực hiện theo kế hoạch. Với các ngành công nghiệp cao cấp hơn của Malaysia và Thái Lan, chủ yếu trong lĩnh vực thiết bị điện tử và phụ tùng ôtô, toàn bộ các chuỗi cung ứng có thể dịch chuyển vào các nước ASEAN, nếu Trung Quốc ngày càng bị xem là không thân thiện, thậm chí có rủi ro cao đối với các công ty nước ngoài.
Viết Đỉnh tổng hợp (DNSGCT)