Anh Nguyễn Triệu Đào, một trí thức người Việt ở Paris (Pháp) vừa cho biết cuộc triển lãm tranh đầu tiên ở ngoại thành Paris của con gái anh, Thanh Thủy đã thành công. Bước đầu đã có bảy bức tranh được bán, gia đình anh quyết định trích tiền bán tranh để tặng các quỹ từ thiện và nhân đạo quốc tế và Việt Nam, cũng như góp phần tu bổ đình chùa, lăng mộ tổ tiên ở Việt Nam (làng Kim Bài – Hà Nội quê nội và làng Phù Lưu – Bắc Ninh quê ngoại của Thanh Thủy).
Điều đặc biệt của triển lãm này: Tác giả là một cô gái không bình thường.
Năm nay, Thanh Thủy đã ở tuổi của một người trưởng thành, nhưng đời sống và tính cách của cô vẫn là của một cô bé, do hậu quả của chứng Trisomie 21 (ở Việt Nam quen gọi là chứng Down). Tuy nhiên, những ai được xem tranh do cô vẽ đều phải bất ngờ và thán phục. Mấy chục tác phẩm màu nước thể hiện cảm nhận độc đáo về cảnh vật và nhiều tâm trạng phong phú, có thể nói là tinh tế, trong một bảng màu tài hoa và không thiếu sự điêu luyện – kết quả của một quá trình học, rèn nghiêm chỉnh. Người ta nói nghệ thuật là sản phẩm của trực giác, bản năng hòa hợp với sự điêu luyện. Những người có khiếm khuyết về hệ thần kinh nhiều khi lại mạnh về trực giác, bản năng.Trên thế giới đã có những cuộc triển lãm tranh của những người bệnh tinh thần được trị liệu bằng họa pháp.Chắc Thanh Thủy không phải là ngoại lệ.Còn sự điêu luyện mà cô có được là nhờ gia đình – lòng thương yêu, sự kiên nhẫn, đức hy sinh của gia đình cô xứng đáng là tấm gương cho những bậc cha mẹ sinh ra đứa con không được bình thường. Điều không ngờ là việc gia đình cô cho con gái học vẽ như một liệu pháp, một sự nỗ lực để con có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường (bên cạnh học piano, học chữ, học bơi, học Aikido…) lại đem đến cho xã hội một cây cọ thực thụ.
Mẹ của Thanh Thủy, nha sĩ Hoàng Thị Ngọc Dung, cũng là nội tướng của một gia đình trí thức gốc Hà Nội rất có ý thức trong việc bảo vệ, duy trì nếp gia phong của ông cha hài hòa với nếp sống văn minh hiện đại của thủ đô nước Pháp. Chính nền tảng văn hóa vững chắc ấy đã tạo nên sức mạnh và sự sáng suốt của bố mẹ Thanh Thủy khi phải đối mặt với thử thách ghê gớm nhất dành cho các bậc làm cha làm mẹ. Đó là khi người mẹ nhận thông báo của bác sĩ sản khoa: người ta đã phát hiện ở cháu bé những dấu hiệu của hội chứng Down-Trisomie 21. Nhưng người mẹ được sự an ủi rất lớn nhờ thái độ chấp nhận đầy thương yêu của cả gia đình, từ người chồng, đến cha mẹ chồng và sự chia sẻ của hai đứa con trai đầu, rồi hai cô con dâu sau đó.
Trong tai ương, người mẹấy lại thấy “sự may mắn cho Thủy được sinh ra trong một gia đình hòa hợp, tận tụy và gắn kết trong thử thách, và sự may mắn cho hai anh vì có thể tự rèn giũa và cống hiến một phần cuộc đời của mình cho những người khác… Và phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là được nghe hai cậu con trai bảo đảm với cha mẹ rằng chúng luôn luôn chăm lo đầy đủ cho tương lai của Thủy… Các cô cháu gái nội của chúng tôi rất chú tâm đến người cô của chúng.Đứa cháu lớn, ngay từ lúc lên năm đã hiểu nỗi đau của chúng tôi trước bệnh tật của Thủy.Một hôm chúng tôi thật xúc động và thỏa mãn khi tình cờ nghe câu chuyện cháu nói với đứa em gái.Cháu giải thích cho em rằng không phải khi nào vui thích mới yêu thương cô, mà đó cũng là bổn phận của hai chị em”.
Chị Dung đã dành hầu như toàn bộ thời gian và sức lực của mình cho việc chăm sóc đứa con gái thiệt thòi, ngoài bổn phận với người bệnh ở phòng nha. May mắn nữa cho chị là gặp được các bác sĩ chuyên khoa và những người thầy dạy chữ, dạy vẽ, dạy đàn… có nghiệp vụ cao và tấm lòng tuyệt vời đối với trẻ khuyết tật, trong đó nổi bật là Sáng hội (Fondation) Lejeune chuyên nghiên cứu về chứng Down-Trisomie 21.
Kết quả là Thanh Thủy đã phát triển được nhiều khả năng không quá thua kém những đứa trẻ bình thường. Cô học được những kiến thức căn bản ở trình độ Sơ yếu 1 (tương đương lớp 3), bơi sải rất đẹp, chơi được những bản đàn nhỏ cho piano, biết sử dụng internet và liên lạc email với các anh… Nhưng trên hết là khả năng hội họa. Dần dà, vẽ tranh đã trở thành niềm vui và cách gửi gắm mọi cảm xúc của Thanh Thủy, hội họa trở thành một thế giới trong đó cô được sống với chính mình.
Trên website của Thanh Thủy, mẹ của cô đã chia sẻ: “Các bức tranh của cháu bộc lộ những tình cảm bên trong. Khi thì rực rỡ sắc màu, từ xanh lam thắm sang hồng thắm, khi âm thầm màu xám hay đen thể hiện những ngôi nhà trơ trọi với cửa ra vào và cửa sổ đóng kín bưng, hay những nét cọ màu đen xáo động. Nhưng bao giờ cũng rất biểu cảm.Phản chiếu những trạng thái tâm hồn từng lúc, tranh của cháu gây xúc động bởi sự sống động, giàu tình cảm, và ngay cả sự ngây thơ”.
Thành quả mà Thanh Thủy đạt được ngày nay thật sự nằm ngoài sự chờ đợi của gia đình và bè bạn. Cái gốc của thành quảấy chính là một nền tảng văn hóa hòa hợp cái tinh hoa của truyền thống Việt, tình gắn kết, yêu thương trong gia đình với văn minh phương Tây – tôn trọng con người cá nhân, giáo dục dựa trên cơ sở con người cá nhân.