Trong chương trình Tư vấn mùa thi 2018 – Cùng VTM định hướng tương lai, gần 10.000 học sinh đến từ 10 trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã được giải đáp những thắc mắc liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 và việc chọn ngành, nghề trong tương lai. Chương trình do báo VTM Online và Công ty Truyền thông NVV phối hợp tổ chức.
Có nhất thiết phải học đại học?
Tại Trường THPT Lương Văn Can, trong không khí thí sinh đang nô nức chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi, lựa chọn ngành học thì có không ít sĩ tử bày tỏ băn khoăn có nhất thiết phải học đại học khi năng lực không đủ hoặc do không phải ai sau khi học ĐH ra trường cũng có việc làm?
Cụ thể, Nguyễn Thành Trung (lớp 12A1) cho biết: “Ngoài những bạn học lực khá, giỏi, thì những bạn có học lực trung bình, yếu nên lựa chọn ngành nghề như thế nào? Bên cạnh đó, bản thân em có học lực khá giỏi nhưng cảm thấy học tại các trường ĐH khá gò bó và không phải ai ra trường cũng có việc làm, vậy em nên lựa chọn ra sao?”.
Chia sẻ với bạn Thành Trung, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường TP.HCM trả lời: “Hiện nay có rất nhiều cấp bậc học các em có thể lựa chọn, từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học, quan trọng là năng lực các em đến đâu và bản thân các em muốn gì? Còn về việc em cảm thấy học ĐH gò bó, thì ở bất cứ môi trường nào cũng đều có khuôn phép, kỷ luật chứ không riêng gì môi trường ĐH.
Nếu muốn tốt nghiệp sớm để đi làm, em có thể chọn bậc cao đẳng. Hiện nay, không phải cứ học dở, kém mới vào cao đẳng, mà có rất nhiều bạn học lực giỏi nhưng có nhu cầu ra trường sớm để đi làm, nâng cao tay nghề, họ vẫn chọn học cao đẳng. Những trường hợp học ĐH nhưng thất nghiệp là do bản thân người học không biết mình thích gì, muốn gì, không nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng mềm, do đó, nếu muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào, trước hết các em vẫn cần phải bổ sung kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng mềm cho bản thân”.
Cũng dành lời khuyên cho Thành Trung, Thạc sĩ Dương Trần Minh Đoàn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ cho biết hiện nay các bạn cảm thấy học ĐH gò bó, mông lung mà việc làm không như ý là bởi các bạn chưa biết học để làm gì, nhiều bạn cố gắng học để ra trường có tấm bằng giỏi nhưng thực chất lại chẳng biết vận dụng kiến thức đó để kiếm ra tiền.
Do đó, các bạn cần xác định rõ mục tiêu của mình. Nếu muốn học để ra trường có việc làm ổn định, kiếm được tiền thì chỉ cần tốt nghiệp THPT, sau đó lựa chọn một ngành nghề phù hợp năng lực để học và làm. Còn nếu các bạn muốn đi vào nghiên cứu chuyên sâu, thì có thể học ĐH, sau đó học cao hơn là thạc sĩ, hay tiến sĩ… Với những bạn còn chưa biết mình cần gì và muốn gì, có thể thi tốt nghiệp THPT sau đó thử Gap Year một năm để tìm hiểu cuộc sống, đi làm part-time tại một nơi nào đó để tích lũy kinh nghiệm, hãy nhớ việc học là để vận dụng kiến thức cho công việc, cho cuộc sống của mình, đừng lựa chọn ngành nghề mà học xong bạn chẳng biết làm gì hay không muốn làm.
Nhóm ngành Kinh tế vẫn chiếm ưu thế
Trong suốt thời gian diễn ra chuỗi chương trình tư vấn, những câu hỏi liên quan đến nhóm ngành Kinh tế như Quản trị kinh doanh, Kinh tế tài chính, Kinh tế Luật… được các em học sinh liên tục nêu ra với ban tư vấn. Trái với nhiều ý kiến cho rằng, nhiều ngành trong nhóm ngành Kinh tế đang bão hòa, thì với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những ngành này đang quay trở lại mạnh mẽ và cần thiết.
Thạc sĩ Trần Hải Nam – Phó trưởng phòng tuyển sinh – Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: “Trong những ngày tư vấn, nhiều em bày tỏ lo lắng về ngành Quản trị kinh doanh đang bão hòa, sợ sẽ thất nghiệp khi ra trường. Nhưng thực chất, hiện nay đây là một trong những ngành sau khi ra trường các em có thể làm được rất nhiều ngành nghề liên quan, đặc biệt nếu kết hợp với kiến thức về công nghệ thông tin thì các em thậm chí hoàn toàn có thể tự tin khởi nghiệp”.
Trong khi đó, nói về ngành Tài chính Ngân hàng rất được học sinh yêu thích, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên – Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông – Trường ĐH Kinh tế Tài chính – UEF chia sẻ: “Ngành Tài chính Ngân hàng là ngành chịu khá nhiều áp lực, nhiều em học sinh cũng không tự tin khi chọn ngành này như trước. Tuy nhiên, ngành này vẫn là ngành mà thị trường rất cần. Chỉ cần bổ sung thêm tiếng Anh và các kỹ năng mềm thì các em hoàn toàn có thể kiếm được một vị trí tốt trong các ngân hàng với mức lương cao”.
Đây là năm thứ chín chương trình Tư vấn mùa thi – Cùng VTM định hướng tương lai tiếp tục được diễn ra. Chương trình được tổ chức cho 10 trường THPT trên địa bàn TP.HCM cùng với sự đồng hành của các đơn vị: Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH; Trường Đại học Kinh tế Tài chính – UEF; Trường CĐ Việt Mỹ – APC; Trung tâm Anh ngữ ACET; nhãn hàng kem EISROMA; và nhãn hàng MOTOROLA.
– Ảnh Nam Nguyễn