Nhiều câu hỏi bức thiết về kỳ thi THPT quốc gia 2018, chọn ngành, nghề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã được học sinh tại các trường THPT đặt cho ban tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi 2018 – Cùng VTM định hướng tương lai. Chương trình do báo Giáo Dục TP.HCM, chuyên đề VTM online và Công ty Truyền thông NVV phối hợp tổ chức.
6 ngành nên chọn thời CMCN 4.0
Đi qua bốn trường THPT gồm THPT Nguyễn Thị Diệu, THPT Nguyễn Hữu Cảnh, THCS – THPT Tân Phú và THPT Dương Văn Dương, hầu hết học sinh đều có chung thắc mắc liên quan đến cuộc CMCN 4.0, điều này chứng tỏ các em đã có sự tiếp cận thông tin liên quan trước khi đặt bút đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018.
Trong đó, tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu, em Thùy Dung (lớp 12A9) bày tỏ: “Em đọc báo và được biết cuộc CMCN 4.0 đang bắt đầu tại Việt Nam, vậy chúng em nên chọn ngành học như thế nào để phù hợp với xu hướng việc làm sắp tới?”.
Giải đáp vấn đề của Thùy Dung, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: “Chúng ta đang có hệ thống đào tạo 366 ngành để đào tạo các em ra làm việc trong thị trường rộng lớn. Đất nước chúng ta đang hội nhập và tiến tới nền công nghiệp 4.0. Có tám nhóm ngành sẽ chi phối thị trường lao động trong tương lai. Đó là nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, thứ hai là nhóm ngành kinh tế tài chính hành chính pháp luật. Nhóm ngành thứ ba là nhóm ngành Khoa học tự nhiên – liên quan đến xây dựng – cấp thoát nước, nhóm ngành thứ tư là nhóm ngành Khoa học xã hội, trong đó thiếu nhất là nhân lực trong ngành quản trị du lịch và khách sạn, nhóm ngành thứ năm là nhóm ngành sư phạm. Riêng với cuộc CMCN 4.0, các nhóm ngành sẽ chiếm ưu thế và cần nhiều nhân lực hơn là công nghệ thông tin, công nghệ tự điện hóa, kỹ thuật xây dựng, công nghệ sinh học, quản trị dịch vụ và nghệ thuật”.
Học ngành gì để không thất nghiệp?
Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều em bày tỏ sự lo lắng khi có nhiều trường hợp học đại học xong vẫn không có việc làm, hay nhiều người phải làm việc trái ngành học. Chẳng hạn như Phạm Thị Kim Yến (lớp 12C13) chia sẻ: “Tại sao học ĐH vẫn thất nghiệp, giữa ĐH và CĐ lựa chọn nào tốt hơn để có cơ hội việc làm cao hơn, nhiều người chỉ học cao đẳng nghề nhưng lại có việc làm tốt hơn học ĐH…?
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM – nguyên Chuyên viên Tư vấn tuyển sinh VP2 – Bộ GD-ĐT tại TP.HCM khẳng định: “Một trong những nguyên nhân khiến sinh viên học xong không có việc làm đó là do các em khi lựa chọn ngành đã không thực sự biết mình cần gì và muốn gì. Ví dụ nhiều em chọn ngành do gia đình yêu cầu, chọn theo bạn bè, hoặc chọn những ngành đang có xu thế trong khi bản thân không yêu thích, chính vì lẽ đó dẫn đến quá trình học dễ nản lòng, học cho xong, thành tích không nổi bật, không tự trang bị được kỹ năng mềm cho bản thân… tất cả những yếu tố này khiến các em gặp khó khăn khi xin việc, dẫn đến thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành học. Do đó, việc lựa chọn ngành học từ bây giờ là vô cùng quan trọng, theo đó các em có thể dựa vào sở thích, năng lực cũng như xu hướng nghề nghiệp để lựa chọn, chỉ cần cân nhắc kỹ ba yếu tố này, các em sẽ dễ tìm được ngành học phù hợp với bản thân”.
Trong khi đó, là người làm công tác hướng nghiệp, dự báo nhân lực lâu năm, ông Trần Anh Tuấn chỉ ra điểm yếu của sinh viên dẫn đến thất nghiệp khi ra trường: “Nhiều em nghĩ rằng chỉ cần học ĐH là có việc làm, nhưng thực chất hiện nay, người tuyển dụng đã không chỉ còn nhìn vào bằng cấp của người lao động nữa. Họ chỉ xem xét em là lao động chất lượng cao, trung bình hay thấp dựa vào năng lực làm việc, tính kỷ luật và ngoại ngữ. Nếu em có bằng ĐH, nhưng tiếng Anh yếu, tính kỷ luật không cao, kỹ năng chuyên môn không có thì em vẫn chỉ được nhìn nhận như lao động chất lượng trung bình hoặc thấp. Đó cũng là lý do nhiều sinh viên ra trường không có được việc làm. Vì vậy, không quan trọng em học ĐH hay CĐ, việc của em là tăng giá trị của bản thân, trở thành lao động chất lượng cao, như vậy cơ hội việc làm luôn luôn rộng mở”.
Đây là năm thứ chín chương trình Tư vấn mùa thi 2018 – Cùng VTM định hướng tương lai tiếp tục được diễn ra. Chương trình sẽ đi qua 10 trường THPT trên địa bàn TP.HCM cùng với sự đồng hành của các nhà tài trợ: Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH; Trường Đại học Kinh tế Tài chính – UEF; Trường CĐ Việt Mỹ APC; Trung tâm Anh ngữ ACET; nhãn hàng kem EISROMA; và nhãn hàng MOTOROLA.
- Ảnh Nam Nguyễn