Du học từ bậc phổ thông trung học là lựa chọn mang đến nhiều băn khoăn và lo lắng cho các bậc phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những lựa chọn du học phổ biến nhất hiện nay vì khi du học từ sớm, học sinh sẽ có nhiều thời gian hơn để thích nghi với hệ thống giáo dục mới. Một trong các hình thức du học từ bậc phổ thông trung học phổ biến nhất hiện nay là chương trình Giao lưu văn hóa tại Mỹ. Chương trình được thiết kế đặc biệt dành cho học sinh vẫn còn ở bậc trung học để các bạn có sự hỗ trợ cần thiết mà vẫn đủ tự do để có thể học tập và trưởng thành.
Khởi đầu sớm cho hành trình du học
Chương trình Giao lưu văn hóa được thiết kế riêng cho các học sinh từ lớp 9-11. Chương trình kéo dài một năm nhưng đa phần học sinh đều chọn tiếp tục ở lại sau khi đã kết thúc chương trình. Trong vòng một năm này, học sinh sẽ được sắp xếp ở cùng với một gia đình bản xứ và theo học chương trình trung học như các học sinh ở đây. Thiết kế chương trình này giúp các học sinh có cơ hội trải nghiệm đời sống và văn hóa dưới góc độ của một người bản xứ.
Vì được ở cùng với gia đình bản xứ nên phụ huynh và học sinh phần nào bớt lo lắng. Gia đình bản xứ không chỉ đóng vai trò bảo hộ mà còn chính là gia đình thứ hai của các bạn trẻ. Hồng Ngọc, tham gia chương trình năm 2012, chia sẻ: “Tôi được sắp xếp ở cùng với một gia đình không có con tại bang Texas. Gia đình của tôi sống ở nông thôn nhưng chính điều đó mà tôi đã có rất nhiều trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ. Bố mẹ nuôi rất yêu thương tôi và luôn cố gắng hiểu tôi nhất có thể. Sau một thời gian, tôi đã có thể tâm sự với bố mẹ nuôi về tất cả mọi chuyện xảy ra ở trường. Hiện tại tôi đã chuyển đến Boston để học đại học nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc với bố mẹ nuôi và vẫn cố gắng về thăm nhà vào những dịp lễ. Có một điều thú vị nữa là bố mẹ nuôi của tôi tham gia chương trình này cũng nhiều năm nên tôi cũng có nhiều anh chị em lắm”.
Thời gian ở cùng với gia đình nuôi đối với nhiều học sinh là những kỷ niệm khó quên
Ngoài mục đích tìm hiểu về văn hóa và đời sống của người dân bản xứ, những bạn tham dự chương trình Giao lưu văn hóa thường có kế hoạch du học dài hạn. Một năm giao lưu văn hóa sẽ là bước đệm vững chắc cho cả một quá trình học tập về sau. Đi học trước ở bậc trung học, khối lượng và độ khó về kiến thức chắc chắn sẽ ít hơn nhiều so với bắt đầu ngay ở bậc đại học. Đây chính là bước đầu để làm quen với môi trường học tập cũng như hệ thống giáo dục tại đất nước đó. Nhiều học sinh sau khi đạt được kết quả học tập tốt đã dễ dàng tìm được học bổng cho bậc đại học. Nói về học bổng, có một thông tin mà các bậc phụ huynh rất quan tâm chính là hiện nay chương trình Giao lưu văn hóa có rất nhiều gói hỗ trợ, học bổng dành cho các học sinh có thành tích và kết quả cao trong kỳ thi kiểm tra.
Những điểm cần lưu ý
Tuy đây là một chương trình không đòi hỏi học sinh tham gia phải có quá nhiều kỹ năng, nhưng các chương trình Giao lưu văn hóa cũng có những đặc điểm riêng mà các phụ huynh và học sinh phải chú ý. Đầu tiên, vì đây là lần đầu tiên xa gia đình đối với nhiều bạn trẻ, lại mang tâm lý sẽ tiếp tục được gia đình bản xứ bảo bọc nên nhiều bạn vẫn có thói quen ỷ lại. Ở những nền văn hóa phương Tây, trẻ em đã quen với cách sống tự lập từ nhỏ. Bố mẹ vẫn thương con nhưng điều đó không có nghĩa là nuông chiều. Nhiều học sinh Việt Nam rất thích thú khi bố mẹ và con cái có vai trò bình đẳng trong gia đình nhưng lại sốc khi phải tự lập làm nhiều việc mà trước đây ở nhà chưa phải đụng tay vào. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng phải chuẩn bị tâm lý cho mình. Tâm lý “xót con” khiến cho nhiều bậc phụ huynh có phản ứng tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý và chính cuộc sống của con mình.
Ngọc Ánh chia sẻ: “Ngày đầu tiên đi học, bố mẹ nuôi đưa tôi đến tận trường và đón về tận nhà. Ngày thứ hai tôi rất sốc khi mẹ nuôi đưa cho hộp cơm trưa và nói tôi tự đi bộ đến trường theo con đường hôm qua. Tôi đi bộ mất hai mươi phút, rồi khi đi về mất thêm hai mươi phút nữa. Vì chưa bao giờ phải đi bộ nhiều nên về đến nhà thì chân tôi sưng phồng vì đau. Tối hôm đó tôi chat với gia đình ở Việt Nam. Gia đình xót quá nên nói tôi nhờ bố mẹ nuôi chở đến trường. Sáng hôm sau khi tôi nói như vậy, bố mẹ nuôi im lặng một lúc rồi cũng chở tôi đến trường. Nhưng chiều hôm đó thay vì về thẳng nhà, bố mẹ nuôi chở tôi đi mua một đôi giày thoải mái hơn và nói: “Con phải tập đi bộ đến trường thôi vì bố mẹ còn phải đi làm, không thể ngày nào cũng đưa con đi học được”. Dần dần tôi bắt đầu quen đi bộ hơn, nhiều khi đến trường chỉ mất chưa đến mười lăm phút và cũng chẳng bao giờ cần phải nhờ bố mẹ nuôi chở đến trường nữa”.
Câu chuyện của Ngọc Ánh không phải là hiếm, nhưng bạn còn may mắn khi đã kịp thời thích nghi và sửa đổi được nếp sống của mình. Có những trường hợp sau một thời gian không dung hòa được, gia đình nuôi đã phải trả các em về cho chương trình. Trong lần bị trả về đầu tiên, các em sẽ được sắp xếp để đến sống với một gia đình khác nhưng nếu lại bị trả về lần nữa, rất có nguy cơ học sinh đó sẽ phải dừng chương trình và về nước.
Hãy cố gắng hòa đồng với bạn học
Bí quyết để “được lòng” bố mẹ nuôi là các em phải cố gắng tập thói quen tự lập từ khi còn ở nhà. Ít ra là hãy cố gắng biết cách tự chăm sóc cho bản thân. Khi cùng sống với gia đình nuôi, hãy nghĩ là mình cũng là một thành viên trong gia đình và có trách nhiệm san sẻ công việc nhà với bố mẹ, anh chị. Hãy xung phong làm những việc dễ nhất có thể như xếp chén vào máy rửa chén, tưới cây, thậm chí là trổ tài nấu nướng. Hãy cố gắng quan sát những người xung quanh để có cách cư xử cho hợp lý: đừng dùng nhà vệ sinh quá lâu, chú ý có mặt vào những thời điểm cả gia đình cùng gặp mặt… Còn về phần các phụ huynh, điều quan trọng là phải giữ vững tâm lý để khuyên bảo và động viên con em mình. Nếu con em gặp phải khó khăn, hãy khuyên con em mình giữ bình tĩnh với thái độ tích cực. Đừng tỏ ra xót xa trước mặt con để làm các em bị xuống tinh thần và có những biểu hiện tiêu cực.
Ngoài ra, hòa đồng trong trường học cũng là một trong những điều cần quan tâm. Không giống như các trường đại học, những trường cấp ba thường có quy mô và sĩ số ít hơn. Trong một cộng đồng nhỏ như vậy, các em càng cần phải cố gắng để hòa đồng với các bạn. Không chỉ giờ học trên lớp, cách hòa đồng và kết bạn nhanh nhất chính là tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, thể thao. Và nếu có thời gian khi ở Việt Nam, hãy cố gắng học trước vài “tài lẻ” để có thể khoe với mọi người.
Nhật Hà