Trong sự kiện Azure Summit 2018, diễn ra vào ngày 24-5-2018 tại TP.HCM, khi nói chuyện với các doanh nghiệp tham dự, ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết, Microsoft đã sử dụng AI (Artificial Intelligence – trí tuệ nhân tạo, viết tắt là AI) cho nhiều lĩnh vực. Microsoft khai thác tính năng “học sâu” (Deep Learning) để giúp công cụ Microsoft Translator có các bản dịch chính xác hơn. Trong công cụ tìm kiếm Bing, AI tìm kiếm những kết quả chính xác theo yêu cầu của người dùng. Microsoft bắt đầu sử dụng AI trong chương trình “AI for Good Initiatives” (AI cho cộng đồng) trong đó dự án Farmbeat ứng dụng AI trong nông nghiệp để hỗ trợ nông dân canh tác và quản lý tài nguyên hữu hiệu hơn.
Sau sự kiện trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trường về những ứng dụng AI trên nền tảng Azure đang được đánh giá là công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp và cá nhân.
So với các dịch vụ điện toán đám mây hiện nay, đâu là những khác biệt của Microsoft Azure thưa ông?
Có đến 90% các công ty của nhóm Fortune 500 đã tin tưởng vào dịch vụ Microsoft Azure vì các lý do: Azure tuân thủ toàn diện với hơn 70 cam kết và là nhà cung cấp cloud đầu tiên cam kết tuân thủ các quy định chung về bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation – GDPR). Hơn nữa, Azure IP Advantage cung cấp bảo vệ sở hữu trí tuệ cao nhất cho các nhóm khách hàng. Ngoài ra, Microsoft sở hữu mạng lưới trung tâm dữ liệu rộng lớn trên toàn cầu. Khách hàng có quyền chọn trung tâm dữ liệu phù hợp mà không phải lo lắng về chất lượng và dịch vụ hỗ trợ từ phía Microsoft.
Azure hiện đang phục vụ khách hàng ở 140 quốc gia với các trung tâm dữ liệu đặt ở hơn 50 khu vực khác nhau trên toàn thế giới, riêng châu Á có 15 trung tâm dữ liệu.
Xin ông vui lòng chia sẻ nhiều hơn về mối liên hệ giữa AI và Azure?
Vài năm gần đây, thế giới bắt đầu nói nhiều hơn về AI khi nó được đưa vào điện thoại di động, mạng xã hội… Theo đó, các khái niệm IoT (Internet of Things) và cloud (đám mây) cũng được nói đến nhiều hơn.
Tại sự kiện Azure Summit 2018, chúng tôi đã cập nhật những thông tin mới về “Azure AI”. Có thể hiểu, đây là sự phối hợp giữa AI với các dịch vụ hiện có của Azure để các dịch vụ hiện hành của Azure thêm “trí tuệ” nhằm giúp tăng năng suất, lợi nhuận và tạo ra những giá trị mới cho khách hàng.
Cloud là hạ tầng cốt lõi trong việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Nếu không có đám mây, doanh nghiệp hay cá nhân sẽ không thể truy cập vào máy tính để phân tích dữ liệu từ nguồn Big Data. Và nếu không có phân tích dữ liệu, AI sẽ khó được gọi là “thông minh” vì thiếu nguồn dữ liệu.
AI trở thành hiện tượng khi ba yếu tố: cloud, Algorithm (các thuật toán) và Big Data phải cùng phát triển theo nguyên tắc cộng hưởng: sức mạnh khổng lồ của cloud, dữ liệu lớn để đào tạo các hệ thống AI, từ đó Azure sẽ ngày càng “thông minh” hơn để phục vụ mọi nhu cầu của con người.
Những công cụ của AI như nhận diện giọng nói, nhận diện hình ảnh cùng với khả năng nhận biết, hiểu ngôn ngữ, dịch thuật và tìm kiếm đã được xây dựng trên nền tảng Azure. Những tính năng này đã được khai thác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Như trong bán lẻ, khi bước vào cửa hàng thời trang, các công cụ AI sẽ nhận biết bạn là nam hay nữ, tuổi tác, cùng với những thông số để từ đó gợi ý những sản phẩm khách hàng có thể thích cũng như giúp nhà bán lẻ theo dõi xu hướng mua hàng, từ đó nâng cao trải nghiệm cho khách hàng và thu lợi nhuận cao hơn.
Ông có thể chứng minh khách hàng sử dụng Azure AI như thế nào để cải thiện năng suất…
Microsoft tập trung vào Azure AI để giúp doanh nghiệp tăng năng suất, lợi nhuận và tạo ra những giá trị mới cho họ và cho cả khách hàng của họ. Tôi chỉ cần chứng minh qua câu chuyện về Tetra Pak. Đây là nhà cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm tại hơn 175 quốc gia đã kết nối các dây chuyền đóng gói với Microsoft Azure để thu nhập dữ liệu, từ đó dự đoán thời gian bảo trì máy móc. Máy móc sẽ được các kỹ sư dịch vụ của Tetra Pak, vốn đang sử dụng Microsoft Hololens, chẩn đoán và chỉnh sửa dù ở đâu trên trái đất này. Với cách thức này, Tetra Pak đã tiết kiệm chi phí đáng kể về thời gian hoạt động của máy, sửa chữa, bảo hành…
Azure AI có an toàn không thưa ông?
Năm năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tin tưởng khi gởi dữ liệu vào cloud tại hàng ngàn trung tâm dữ liệu của Microsoft trên toàn thế giới với những nguyên tắc nghiêm ngặt. Nhiều báo cáo cho biết, dẫn đầu là chính phủ Mỹ, kế tiếp là Microsoft… là những địa chỉ có nhiều “kẻ thù công nghệ” nhất trên trái đất này.
Microsoft hiểu rằng khách hàng đang giao phó cho chúng tôi những tài sản dữ liệu giá trị nhất vì họ tin sự “riêng tư” và dữ liệu của họ đang được bảo vệ với những nguyên tắc nghiêm ngặt nhất. Chúng tôi sử dụng thông tin của khách hàng chỉ để cung cấp cho các dịch vụ đã thỏa thuận, tuyệt đối không khai thác cho tiếp thị hay quảng cáo. Khi khách hàng dừng sử dụng dịch vụ, Microsoft tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để xóa dữ liệu ra khỏi hệ thống.
Mỗi năm Microsoft đầu tư hơn 1 tỉ USD cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ phục hồi mạng trên cloud, nơi mà hàng triệu mẫu dữ liệu đang được phân tích mỗi ngày, không chỉ ngăn chặn các cuộc tấn công hiện tại, mà còn dự đoán các mối đe dọa có khả năng xảy ra. Có những mô hình chia sẻ dữ liệu trực tiếp nhưng cũng có những giải pháp “lai” để bảo vệ thông tin theo mức độ bảo mật thông tin của từng tổ chức.
Vậy, liệu Azure AI có “lấy hết” công việc của con người không?
Theo tôi, đó chỉ là sự chuyển đổi. Một nghiên cứu về chuyển đổi kỹ thuật số ở châu Á được thực hiện trong năm 2018 cho thấy trong ba năm tới, 26% công việc mới sẽ được tạo ra từ chuyển đổi kỹ thuật số và 27% công việc sẽ được tự động hóa. Có thể khẳng định, tác động của kỹ thuật số trong lĩnh vực việc làm của con người được xem là cân bằng nhưng 85% công việc sẽ phải thay đổi!
Ở châu Á, Microsoft hợp tác với doanh nghiệp đào tạo lực lượng lao động. Riêng tại Việt Nam, dự án Con thuyền mơ ước giúp cho 35.000 học sinh vùng sâu vùng xa được học nhiều hơn về công nghệ.
Ông có thể cho biết Microsoft đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng AI như thế nào?
Chúng tôi tin rằng châu Á là khu vực quan trọng trong việc phát triển AI với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Microsoft đang đầu tư mạnh Azure AI vào châu Á, trong đó có Việt Nam, với những nội dung sau: tạo mối quan hệ đối tác với chính phủ và các tổ chức để phát triển AI vào những lĩnh vực: giáo dục, y tế, sản xuất, dịch vụ tài chính, bán lẻ…; ký kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) dùng công cụ Microsoft Azure AI để tiếp cận khách hàng…
Còn trong cuộc sống đời thường thì sao, AI sẽ hỗ trợ con người như thế nào, thưa ông?
Con người luôn học cái mới, nhưng dễ quên cái cũ. Còn với AI, học cái mới nhưng không bao giờ quên cái cũ để tạo ra Big Data, cơ sở để tạo ra AI. Công nghệ này sẽ đến rất nhanh và xuất hiện rất nhiều trong từng lĩnh vực của cuộc sống với mức độ chính xác ngày càng cao hơn.
AI là công cụ, còn dùng như thế nào là tùy năng lực của từng cá nhân, cho phép con người sáng tạo với nhiều phong cách khác nhau, mọi lúc mọi nơi. Tôi chỉ dẫn chứng một ứng dụng AI phục vụ những người mù hoặc thị lực kém có tên Seeing AI. Họ sẽ nhận được lời giải thích chi tiết về cuộc sống xung quanh, kể cả những biểu cảm trên khuôn mặt của những người xung quanh. Công cụ AI này còn dịch các cuộc trò chuyện để những người mù hoặc thị lực kém giao tiếp với nhau dễ dàng.
Cảm ơn ông đã dành thời gian để chia sẻ về những tiến bộ công nghệ mới của Microsoft.