Chính thức gia nhập thị trường Việt Nam năm 1992, SCG – tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á về Xi măng – Vật liệu xây dựng, Bao bì và Hóa dầu – đã phát triển một mạng lưới rộng khắp với 20 công ty thành viên và liên tục tăng trưởng ổn định trong những năm qua.
Để đạt được thành quả này, Tập đoàn SCG đã áp dụng chiến lược trung thành với định hướng kinh doanh bền vững và thực hiện các dự án trách nhiệm xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm học bổng Chung một ước mơ – một dự án vì cộng đồng tiêu biểu của SCG tại Việt Nam, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành tập đoàn, đã có chuyến thăm và chia sẻ về chiến lược sắp tới của SCG tại Việt Nam.
SCG đạt doanh thu đầy tiềm năng tại Việt Nam trong những năm qua và tiếp tục tăng trưởng khả quan trong quý đầu năm 2016. Ông đánh giá thế nào về vai trò của thị trường Việt Nam đối với sự phát triển của tập đoàn?
Việt Nam và Indonesia là hai nước được SCG đầu tư nhiều nhất so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Với dân số khoảng 90 triệu dân và cấu trúc dân số trẻ, tôi đánh giá Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong tương lai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hấp dẫn các nhà đầu tư bởi nguồn nhân lực dồi dào, có khả năng đào tạo và phát triển. Tôi hy vọng SCG có thể đóng góp một phần vào sự phát triển này thông qua các hoạt động kinh doanh của mình.
Hiện nay, SCG đã phát triển đủ ba nhóm ngành kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam gồm Xi măng – Vật liệu xây dựng, Bao bì và Hóa dầu với mạng lưới hoạt động rộng khắp và hơn 6.900 nhân viên.
Trong những năm qua, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để đạt được mức tăng trưởng ổn định và bền vững. SCG đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh và hy vọng có cơ hội tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỉ đôla Mỹ vào cuối năm nay, so với con số khoảng 860 triệu đôla Mỹ hiện nay.
Chiến lược kinh doanh bền vững từ Tập đoàn SCG được triển khai và cụ thể hóa như thế nào tại Việt Nam để đạt được thành quả này, thưa ông?
Với tầm nhìn trở thành tập đoàn hàng đầu trong khu vực, SCG vận hành việc kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc về quản trị minh bạch, các tiêu chuẩn an toàn, từ đó tạo ra giá trị cho khách hàng, nhân viên, cổ đông. Chúng tôi muốn xây dựng hình ảnh của một doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế về phát triển bền vững.
Để làm được điều này, chúng tôi mang những tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế về môi trường và an toàn để áp dụng vào tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh. Những tiêu chuẩn khắt khe này đi trước một thế hệ với công nghệ hiện có, nhằm mang lại sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Nhờ đó, SCG còn được công nhận bởi tổ chức danh tiếng thế giới DJSI (Down Jones Sustainability Indices) là doanh nghiệp kiểu mẫu trong phát triển bền vững. Tập đoàn được bình chọn tám năm liên tiếp (từ 2008-2015) nằm trong Danh sách Vàng và năm năm liên tiếp được xếp hạng là Doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong ngành Vật liệu xây dựng.
DJSI là chỉ số đánh giá và xếp hạng hoạt động bền vững của các công ty và quỹ đầu tư hàng đầu thế giới. Những công ty được niêm yết trong bảng xếp hạng DJSI được chọn lọc dựa trên khả năng sinh lời bền vững cho nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, kế hoạch của chúng tôi cũng không nằm ngoài định hướng này. Chúng tôi mong muốn mang lại sự phát triển thịnh vượng trong tương lai cho các đối tác và người dân địa phương nơi SCG phát triển kinh doanh, trước hết, từ việc không ngừng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện nay, các sản phẩm SCG tại Việt Nam không chỉ đạt chuẩn về mặt chất lượng mà còn vượt sự mong đợi của người tiêu dùng. Với các đối tác trong mạng lưới, SCG tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đặc biệt là những tiêu chuẩn về môi trường và an toàn đạt chuẩn quốc tế để áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đó mang lại sự phát triển bền vững cho các đối tác.
Bên cạnh đó, SCG cũng dành một khoản đầu tư lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực, được xem là tài sản của tập đoàn, để giúp họ phát triển hơn nữa tay nghề và mang lại cơ hội thăng tiến trong tương lai. Về trách nhiệm xã hội, SCG cũng nỗ lực hết mình hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp công dân kiểu mẫu về phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ các dự án trách nhiệm xã hội mà SCG đã và đang triển khai để thực hiện mục tiêu này?
Cùng với tầm nhìn của mình, SCG cam kết liên tục đóng góp cho xã hội và cộng đồng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại địa phương nơi chúng tôi hoạt động. Tại Việt Nam, SCG hiện có rất nhiều sáng kiến trong lĩnh vực phát triển con người và bảo vệ môi trường.
Một dự án tiêu biểu, cũng là niềm tự hào của SCG, là chương trình học bổng Chung một ước mơ. Chương trình này được triển khai tại các nước Đông Nam Á, nơi SCG phát triển việc kinh doanh như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Myanmar và Lào. Chúng tôi tin rằng, giáo dục đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của cá nhân nói riêng và quốc gia nói chung. Đó cũng chính là lý do SCG nỗ lực duy trì hoạt động này để hỗ trợ thế hệ trẻ thực hiện ước mơ của mình.
Tại Việt Nam, Chung một ước mơ do SCG phối hợp với báo Tuổi Trẻ thực hiện từ năm 2007 đến nay đã tròn 10 năm tuổi. Trong quãng thời gian đó, chúng tôi đã trao học bổng cho gần 4.000 em học sinh, nhiều bạn trong số này đã tiếp tục học lên đại học và các bậc học cao hơn, có việc làm ổn định. Đối với chúng tôi, thế hệ trẻ đại diện cho niềm hy vọng và những cam kết của SCG hướng về một tương lai tươi sáng hơn cho Việt Nam.
Ngoài chương trình Chung một ước mơ, chúng tôi cũng triển khai nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của thanh thiếu niên như chương trình sân chơi Chung một ước mơ tại công viên Hoàng Văn Thụ, chương trình Chung ước mơ xanh (kết hợp với báo Mực Tím), chương trình Thực tập sinh quốc tế và chương trình Nhà lãnh đạo trẻ, cùng nhiều chương trình khác.
Không chỉ đẩy mạnh hoạt động trách nhiệm xã hội bên ngoài, chúng tôi cũng cam kết xây dựng môi trường lao động lành mạnh, đảm bảo an toàn, sức khỏe, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Điều này giúp nhân viên của SCG thêm tin yêu, gắn bó và phát triển cùng công ty.
Những năm gần đây, SCG đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới kinh doanh thông qua hoạt động mua bán – sáp nhập, chiến lược giúp SCG nhanh chóng có được vị trí dẫn đầu trên thị trường. Ông có thể chia sẻ kế hoạch đầu tư của SCG tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong hoạt động mua bán – sáp nhập?
Hiện nay, SCG đang xúc tiến những bước quan trọng để triển khai dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), dự án có vốn đầu tư đến 5 tỉ USD và bị trì hoãn trong một thời gian dài do một cổ đông lớn rút vốn.
Tuy nhiên, đây là dự án nền tảng cho sự phát triển các sản phẩm tiêu dùng và các ngành công nghiệp khác, sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai nên SCG sẽ tiếp tục kiên trì. Chúng tôi đang thống nhất tỷ lệ cổ phần của các cổ đông để triển khai gọi vốn. Nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch, việc khởi công xây dựng sẽ được tiến hành vào cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, SCG cũng đầu tư thêm các dự án hiện hữu như mở rộng nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp ở Bình Dương, đầu tư dây chuyền gạch men mới ở miền Bắc; chúng tôi cũng đang tìm hiểu các dự án tiềm năng trong ngành xi măng và vật liệu xây dựng, bao bì. Các dự án này sẽ đưa tổng tài sản đầu tư của SCG tại Việt Nam lên mức 1 tỉ USD vào cuối năm, từ mức 860 triệu USD như hiện nay.
Ngoài việc rót vốn đầu tư trực tiếp, SCG sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A). Dù với hình thức nào, chúng tôi cam kết phát triển bền vững cùng Việt Nam, đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường và các dự án trách nhiệm xã hội. SCG sẽ không bao giờ đánh đổi các nguyên tắc hoạt động vì môi trường, an toàn và sức khỏe cộng đồng cho mục đích lợi nhuận.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!