Cuối năm, đầu năm là một, ai nấy đều tất bật. Cô kế toán tối mặt tính toán sao ra được con số lợi nhuận biết nói. Nhà doanh nghiệp đau đầu vì các khoản phải thanh toán xong trước Tết Âm lịch, lại thêm tính toán đầu vào cho năm mới.
Ngoài đường càng xôn xao, chen lấn, xô đẩy, ai cũng muốn tìm đường nhanh chân về nhà để sáng hôm sau lại tất bật ra đi, lao vào guồng áo cơm kiểu “ngày hết tết đến”.
Tuy nhiên, mới thấy rằng, còn (được) tất bật là hạnh phúc. Cuối năm, có những doanh nghiệp đìu hiu, buồn thiu. Trong làn sóng “khủng hoảng kinh tế” chung, cô kế toán cứ loay hoay với những con số không thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Ông chủ nhớ lại, giờ này năm ngoái bao nhiêu hợp đồng phải thanh lý, tối mặt… Tiếc thời vàng son càng thêm buồn, thêm lo… Thương trường luôn là chiến trường, hưng thịnh và ngã ngựa đều có thể xảy ra. Ăn hôm nay nghĩ ngày mai là thế! Làm ăn phải có kế hoạch, biết tính toán lâu dài là vậy!
- Xem thêm: Nghĩ cuối năm
Cuối năm, chồng bận bịu đầu tắt mặt tối ở cơ quan, việc nhà đương nhiên của vợ. Nhìn thấy chồng đi ra đi vô tưởng là rảnh rỗi, thế nhưng coi vậy chứ không phải vậy, đầu óc liên tục tính toán trăm phương nghìn kế. Thị trường này đã bão hòa, thị trường kia còn tiềm năng, thị trường nọ lắm đối thủ cạnh tranh…
Tết đến, trăm thứ bà lằng, lương nhân viên dứt khoát phải có; cả năm người lao động gắn bó cũng phải có chút tiền thưởng, không chỉ đem lại nụ cười mà còn là tình nghĩa, mong sang năm họ lại chung lưng với sếp, nỗ lực làm việc mang lại lợi nhuận cho công ty. Vợ hiểu ý chồng, chia sẻ nỗi lo chung. Làm ăn ngày càng khó, có người nản chí muốn bỏ cuộc, ai ngoài vợ lựa lời động viên chồng?
Có thể thấy một điều, người có “máu” làm ăn, ít khi chịu để thời gian chết, hết nghĩ cái này đến thực hiện cái kia, công việc luôn đặt hàng đầu. Họ coi đó là hạnh phúc và đôi khi quên cả chính mình. Tuy nhiên, có người dâu bể đã nhiều, nhận ra, suy cho cùng chỉ có sức khỏe là vốn quý, gia đình, con cái là tài sản.
Cuối năm, giật mình mới nhớ năm nay con trai thi đại học, con gái thi vào lớp 10. Một năm qua, chưa hề ngồi lại hỏi con trai liệu sức sẽ thi được bao nhiêu điểm, vô nổi trường đại học mà cha muốn con thi vào không, con gái tuy học giỏi nhưng đầu tư thế nào để đạt hiệu quả mong muốn…
Chồng lo làm ăn, giao hết cho vợ. Vợ đôi khi suy nghĩ một mình không thấu đáo nhưng không dám hỏi chồng vì sợ chồng phải lo thêm… Cứ thế, dần dà, đâm trách chỉ vì công việc, môi trường sống khiến mọi người ngày một xa nhau.
Thật ra, con cái rất cần sự quan tâm của cha mẹ. Con mong cha có lời hỏi han về chuyện học hành, trường lớp. Thời gian dần trôi, cha ngày càng ít chuyện trò với con, khoảng cách này sẽ dần rộng ra và đến lúc hai cha con ngồi với nhau sẽ không có điều gì để nói! Một ngày nào đó, cha nhận ra, tại sao mình có thể nói chuyện hàng giờ với nhân viên cấp dưới mà với con cái thì không thể gợi chuyện cho con mở lời?
- Xem thêm: Thành đạt
Giờ đây, người ta đánh giá tiêu chí thành đạt của người cha là mối quan hệ gia đình. Cha có thân thiện với con cái không? Con cái có coi cha là bạn có thể giãi bày những khúc mắc hay không? Điều này đã được chứng minh rằng, những ông bố thành đạt thường khoe con cái quý trọng cha, tâm sự với cha, có gì thắc mắc liền hỏi cha…
Đã qua rồi cái thời những ông chủ thích khoe “chiến tích tình trường”, “đô” bia rượu cao mà thay vào đó tiêu chí gia đình như một thang điểm đánh giá sự thành đạt và nhận được sự kính trọng của người chung quanh.
Mới thấy, dù hiện đại đến đâu thì những tiêu chí cổ điển vẫn là điểm mạnh để đánh giá một con người. Và, con cái luôn là tiêu chí đầu tiên khi nói về hạnh phúc và thành công của một ai đó! Thất bại trên thương trường có thể làm lại, thất bại về con cái là thất bại vĩnh viễn! Câu chúc: “Hạnh phúc, thành đạt” phải chăng là thế?