Trung tuần tháng 4-2015, nhà chức trách thành phố New York, Mỹ, vừa tịch thu một lượng tác phẩm nghệ thuật trị giá 107 triệu USD đã bị cướp từ Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Toàn bộ khối lượng cổ vật gồm 2.622 món bị phát hiện trong những nhà kho ở quanh thành phố, được coi là số cổ vật bị tịch thu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ và là một phần trong cuộc điều tra liên quan đến một người Mỹ chuyên mua bán tác phẩm nghệ thuật đang chờ ra tòa tại Ấn Độ. Theo nhận định của các chuyên gia về cổ vật, những món đồ tịch thu được tại Mỹ có nguồn gốc từ Iraq và Syria và thủ phạm không ai khác hơn là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đang phá hủy nhiều pho tượng và có thể cướp đoạt nhiều cổ vật nhỏ dễ mang đi. Theo Tess Davis thuộc tổ chức Liên minh Cổ vật (Antiquities Coalition), hiện tượng cướp cổ vật đang diễn ra thường xuyên tại khu thành cổ Dura-Europos ở Syria và ở hai bên bờ sông Euphrates chảy qua Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Davis cho biết thêm là dân sưu tập cổ vật và giới mua bán cổ vật bất hợp pháp rất kiên trì, họ sẵn sàng ém hàng trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên, chờ thời cơ thuận lợi để tung ra thị trường. Bà đã nghiên cứu việc cướp phá cổ vật trong cuộc nội chiến tám năm ở Campuchia và nhận thấy chúng tương tự những vụ cướp phá đang diễn ra tại Iraq và Syria.
Hiện nay, nhiều vụ mua bán bất hợp pháp tại Trung Đông là nguồn cung cấp tài chính cho IS. Các hình ảnh do vệ tinh truyền về cho thấy nhiều di tích lịch sử ở Syria đang bị cướp phá hằng ngày. Trong khu vực bao quanh phế tích cổ Apamea, gần thị trấn Hama, chỉ trong một năm, bọn cướp phá cổ vật đã đào trên 15 ngàn hầm hố. Theo Kathryn Hanson, nhà khảo cổ học thuộc Trung tâm di sản văn hóa Trường Đại học Pensylvannia, Mỹ, Apamea là Di sản Thế giới nổi tiếng, thu hút mạnh mẽ sự chú ý của bọn cướp phá và buôn bán cổ vật. Những sự kiện trên đòi hỏi thế giới phải lên tiếng và đưa ra những biện pháp phù hợp để bảo vệ phần còn lại của những nền văn minh đã trở thành quá khứ. Đầu năm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới cấm đoán các hình thức mua bán cổ vật xuất phát từ những vụ cướp phá ở Iraq và Syria. Về phần mình, các luật gia Mỹ cũng đang bàn đến nhiều biện pháp mới nhằm chặn đứng việc nhập khẩu bất hợp pháp cổ vật vào nước Mỹ và ngăn chặn nguồn tiền chảy vào túi tổ chức IS. Mặt khác, cần có những chiến dịch lên án thị trường cổ vật bất hợp pháp như cách làm của các nhà hoạt động bảo vệ đời sống hoang dã trong tổ chức Wild Aid. Chừng nào còn những người chịu bỏ tiền ra mua và sưu tập cổ vật bất hợp pháp, không quan tâm đến cái giá phải trả của những đất nước bị thiệt hại thì khi ấy bọn tội phạm có tổ chức còn có điều kiện tiếp tục cướp phá cổ vật để tung ra thị trường đen.
Hiện nay đã có nhiều luật và công ước quốc tế nhằm bảo vệ di sản văn hóa của thế giới, trong đó có công ước Hague 1954 (nước Mỹ phê chuẩn năm 2009) và công ước UNESCO 1970, trong đó có một phần bổ sung quan trọng được thông qua năm 2003, đề cập đến việc bảo vệ cổ vật tại Ai Cập. Tuy nhiên, khoảng cách giữa luật pháp quốc tế và hiệu quả thực tế của chúng vẫn luôn là một vấn nạn mà cả thế giới cần phải giải quyết.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)