Thông tin từ một cuộc điều tra đáng tin cậy cho thấy chỉ có 20% người trả lời khảo sát hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước. Đồng thời, 47% số người trả lời bày tỏ lo ngại trước khoảng cách giàu nghèo tăng lên ở Việt Nam.
Số liệu trên đây được ghi nhận trong bản báo cáo mang tên “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và thị trường của người Việt Nam năm 2014” (CAMS 2014) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố sáng 23-7 tại Hà Nội. Cuộc khảo sát có sự tham gia của 1.600 cá nhân, trong đó bao gồm người dân, doanh nghiệp tư nhân, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI và các cơ quan chính phủ.
Kết quả khảo sát cho thấy, cứ năm người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường, thì cũng có gần bốn người cho rằng Việt Nam về cơ bản là nền kinh tế nhà nước. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI và là thành viên nhóm thực hiện CAMS 2014, điều này cho thấy ở Việt Nam, trên thực tế hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang là một nền kinh tế lưỡng thể.
Về tốc độ cải cách kinh tế, 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong năm năm qua là nhanh, trong khi 36% cảm thấy tốc độ này còn chậm.
Qua báo cáo này, 75% những người được hỏi cho biết họ vẫn muốn “có bàn tay can thiệp của Nhà nước để bình ổn giá cả những hàng hóa thiết yếu”, tăng 7% so với cuộc khảo sát ba năm trước đó. Có thể hiểu việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của Nhà nước.
Bên cạnh đó, chỉ 19% người trả lời khảo sát đánh giá cao mức độ đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước lớn vào nền kinh tế là tích cực/rất tích cực, trong khi tỷ lệ đánh giá tiêu cực ở mức 29%.
Tuy nhiên, điều tích cực là khảo sát CAMS 2014 cho thấy phần lớn người dân Việt Nam ủng hộ mô hình kinh tế thị trường, ủng hộ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, ủng hộ chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công…
Đáng chú ý là tỷ lệ hài lòng với nền kinh tế tại các cơ quan Quốc hội, các UBND và sở ngành cấp tỉnh, thành phố cao hơn (từ 26 – 27%) so với tỷ lệ tại các cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng như các tổ chức nghiên cứu (từ 4% – 6%).
Bên cạnh đó, chỉ 19% người trả lời khảo sát cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có đóng góp tích cực vào nền kinh tế, trong khi tỷ lệ đánh giá tiêu cực là 29%.
Độ minh bạch trong việc thực hiện chính sách cũng bị đánh giá thấp, với tỷ lệ đánh giá “có minh bạch” chỉ ở mức 14%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều ở các nhóm doanh nghiệp FDI và các tổ chức quốc tế, chỉ từ 3% – 4%.
Có đến 94% người tham gia khảo sát yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách, cao hơn mức 92% của năm 2011.
Gia Minh (DNSGCT)