Cuộc tranh cãi trên mạng xã hội liên quan đến chương trình giáo dục thực nghiệm – cụ thể là cách đánh vần tiếng Việt – dẫn đến nhiều lời đồn đoán đã khiến vấn đề được nêu ra trong phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-9 nhân bàn về Luật Giáo dục sửa đổi.
Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một số thí điểm trong giáo dục, nhất là thí điểm trong cải cách tiếng Việt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự cuộc họp cho rằng: “Giáo dục dù tốt thì vẫn luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm, nhưng tôi khẳng định Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vài năm tới”.
- Xem thêm: Những câu hỏi khó cho ngành sư phạm
Theo ông, giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, khi có một sự kiện thì cả cộng đồng góp ý và đó là điều rất tốt: “Gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1, trước đây là công trình nghiên cứu của nhà khoa học Bùi Hiền. Ngay lúc đó tôi đã nói Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, việc tranh luận vừa qua về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có ý kiến. Đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu dạy cách phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.
Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, giáo dục có phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội nên cần cẩn trọng khi quyết định thay đổi chính sách, nhất là liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình. Vì thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, một số chương trình thí điểm gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.
Thường trực Ủy ban đề nghị trước khi quyết định chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, cần làm rõ nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ GD-ĐT cho phát hành.
Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.
- Xem thêm: Chuyện của giáo dục đào tạo
Nhìn dưới góc độ ngân sách, câu hỏi mà Quốc hội đặt ra khi thảo luận về Dự thảo Luật Giáo dục là trong khi ngân sách đang mất cân đối, bội chi ngày càng cao, nợ công tăng thì sẽ xử lý nguồn lực cho chính sách mới về giáo dục như thế nào?
Với nhiều vấn đề còn ngổn ngang, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần thứ hai và dự kiến thông qua dự thảo luật này trong kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5-2019).
Theo báo cáo của Chính phủ thì dự thảo luật bổ sung hai chính sách mới.
Một là không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Khi thực hiện chính sách này, hằng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm 4.730 tỉ đồng.
Hai là nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỉ đồng, nếu thực hiện theo lộ trình năm năm thì mỗi năm chi chỉ khoảng 171,4 tỉ đồng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nghị quyết Quốc hội nêu rõ là trong một thời gian trước mắt thì không ban hành chính sách mới. Nếu ban hành chính sách mới thì phải cân đối được nguồn lực.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết số tiền dành miễn học phí và cấp bù hay hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách tại thời điểm mà Bộ này tính toán.
Về chi phí cho lộ trình nâng chuẩn giáo viên, Bộ trưởng cho biết tính ra mỗi năm mất 117 tỉ đồng trong sáu năm, mức này có thể tham mưu Chính phủ cân đối được.
Khẳng định tài chính giáo dục chi 20% ngân sách là rất tốt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi bàn tổng thể luật thì sẽ có một số nguyên lý của giáo dục phổ thông theo thế giới, trong đó có một nguyên lý là Nhà nước lo phần rất căn bản trở xuống, còn phân khúc cao thì chủ yếu được xã hội hóa rất nhiều.
Từ trước đến nay do chúng ta có rất nhiều chính sách, gần như các trường chuyên, lớp chọn chất lượng cao đều là công lập hết. Vì vậy, dù có đến 20% tổng chi ngân sách dành cho giáo dục, nhưng riêng khoản chi tiền lương cơ bản đã chiếm 80%, thậm chí nhiều nơi đến 90%.
Theo Phó thủ tướng cần phải tạo ra phân khúc, không thể tư nhân hóa được, nhưng huy động xã hội hóa bằng cách giao quyền tự chủ.
Tự chủ giáo dục phổ thông khác tự chủ đại học ở chỗ đại học không nhất thiết phải phân bổ mọi trường gần nhà sinh viên, nhưng phổ thông thì buộc phải phân bổ các trường gần nhà học sinh. Tất cả mọi người đều phải có cơ hội được đi học phổ thông.
Về lộ trình miễn học phí, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT tính toán kỹ, nếu phổ cập trung học thì một năm cần bao nhiêu tiền. Sau cùng Chính phủ quyết định đề nghị trình Quốc hội nguyên tắc như vậy, nhưng lộ trình thì phù hợp với trình độ phát triển và khả năng cân đối của ngân sách.
Thành phố Hồ Chí Minh có thể là nơi đi đầu trong việc miễn học phí bậc Trung học cơ sở (THCS) thuộc các trường công lập ở địa bàn thành phố.
Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính hôm 15-9, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh cho biết nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách của thành phố.
Mức học phí bậc THCS tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay là 85.000-100.000 đồng/tháng/học sinh tùy thuộc nhóm khu vực. Đây cũng là mức học phí thấp nhất trong tất cả các bậc học ở thành phố. Năm 2017, TP. Hồ Chí Minh thu được hơn 351 tỉ đồng tiền học phí từ bậc THCS.
Trước đó, vào ngày 10-9, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh nghe báo cáo về chủ trương miễn học phí cho học sinh bậc THCS. Sau khi nghe Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh báo cáo, ý kiến của các đơn vị dự họp, ông Nguyễn Thành Phong kết luận thống nhất với đề xuất này. Đồng thời, chỉ đạo sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ, Văn phòng UBND khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh thông qua tại cuộc họp gần nhất theo quy định.
Vào giữa tháng 8-2018, trong đợt làm việc về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019 với Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang tính toán và cân đối ngân sách để tiến tới miễn học phí cho học sinh bậc THCS, có thể thực hiện từ tháng 1-2019.
Miễn học phí bậc THCS nằm trong đề án Luật Giáo dục sửa đổi được Bộ GD-ĐT đề xuất, nhưng chưa được Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ chấp thuận. Chủ trương này cũng dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Trong thực tế hiện nay, học phí chỉ chiếm một phần nhỏ trong các khoản chi mà phụ huynh phải đóng. Đã có nhiều ý kiến gay gắt trong dư luận về tình trạng lạm thu nhân danh việc trang trải các chi phí được gọi là xã hội hóa, mà số tiền có khi gấp đôi học phí.
– Ảnh Hoàng Hùng