Từ quyết định của ông Zoellick, các nhà bình luận cho rằng nếu Hội đồng Quản trị WB lựa chọn một chủ tịch không phải là người Mỹ thì đó sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong việc tổ chức và điều hành định chế tài chính này. Từ ngày được thành lập (27-12-1944) đến nay, WB luôn được điều hành bởi một chủ tịch là người Mỹ theo thỏa thuận ngầm giữa chính quyềnWashingtonvà các nước châu Âu, đổi lại việc châu Âu được đề cử chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sau gần 68 năm, từ 44 nước hội viên sáng lập, WB nay có đến 187 thành viên, thế giới cũng đã trải qua những đổi thay sâu sắc với sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ,Brazil, Nam Phi, và nhất là Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì thế hơn bao giờ hết, sức ép cải tổ về mặt nhân sự của hai định chế tài chính hàng đầu thế giới là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Tuy nhiên, trong năm qua, khi scandale nổ ra với nguyên chủ tịch IMF Dominique Strauss Kahn, người thay thế ông vẫn là một người châu Âu: bà Christine Lagarde, nguyên Bộ trưởng Tài chính Pháp. Điều này buộc mọi người phải dè dặt hơn khi đề cập đến người sẽ thay thế ông Zoellick trong cương vị chủ tịch WB. Thậm chí còn có lời đồn đoán rằng hai người Mỹ (đương kim Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Bộ trưởng Ngân khố Lawrence Summers) sẽ là những ứng viên sáng giá nhất, cho dù bàClintonđã tuyên bố không quan tâm đến cương vị này. Về phần ông Zoellick, người ta chưa rõ ông sẽ về đâu, có thể là một khu vực tư nào đó, nơi ông từng là cố vấn cao cấp của công ty đầu tư Goldman Sachs ở phố Wall. Cũng có thể ông sẽ giữ một cương vị quan trọng nếu đảng Cộng hòa thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay, vì ông từng giữ các chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao và Đại diện thương mại của chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Bush.
Điều đáng nói là trong thời gian qua, với một ngân sách cao kỷ lục 247 tỉ USD, Ngân hàng Thế giới dưới sự lãnh đạo của ông Zoellick đã góp phần không nhỏ trong việc đưa nền kinh tế thế giới vượt qua cơn suy thoái hiểm nghèo, giúp cải thiện nhiều cơ cấu hạ tầng quan trọng: khu vực tư nhân, lĩnh vực nông nghiệp, tài chính thương mại, mạng lưới an sinh xã hội, giáo dục, y tế và môi trường. Ông Zoellick và các đồng sự cũng đã làm thay da đổi thịt chính WB: trong số các viên chức cao cấp của ngân hàng, 50% thuộc phái nữ và gần phân nửa số viên chức đến từ các nước đang phát triển, trong đó có chuyên gia kinh tế cao cấp Lâm Nghị Phu từ Trung Quốc. Trong thời gian ngắn ngủi còn tại chức, chủ tịch Zoellick tiếp tục theo đuổi nhiều chương trình đã vạch ra hay đang thực hiện, đáng chú ý là chủ trương mở rộng tiếng nói của các nước đang phát triển tại WB, nhất là sẽ có thêm một chiếc ghế trong Hội đồng Quản trị WB dành cho khu vực châu Phi hạ Sahara. Cuối tháng 2 này, ông Zoellick cũng sẽ giúp khởi động một cuộc nghiên cứu phối hợp giữa Trung Quốc và WB về cấu trúc tương lai của mô hình phát triển của Trung Quốc, từ đó rút ra kinh nghiệm cho các nước có thu nhập trung bình khác.
Lê Nguyễn tổng hợp