Nếu từng dành thời gian nghiên cứu các trường đại học ở các nước phương Tây, cụm từ Liberal Arts chắc hẳn không xa lạ với các bạn trẻ. Nhưng ý nghĩa thực sự của cụm từ này là gì và nguyên nhân vì sao cả một hệ thống trường đại học lại được gọi dưới cái tên này thì ít người để ý đến.
Liberal Arts là gì?
Để dịch ra tiếng Việt cụm từ “Liberal Arts” không dễ. Cụm từ này có nguồn gốc từ thời những nhà hiền triết của Hy Lạp cổ đại. Những môn học “Liberal Arts” được xem là thước đo cho một người có học thức trong xã hội. Những người trí thức phải có đủ kiến thức và kỹ năng để tham gia trong các cuộc thảo luận, tranh luận, tham gia vào các hội đồng, phục vụ trong quân đội… Vào thời điểm ấy, các môn Liberal Arts chỉ bao gồm ngữ pháp, hùng biện và logic, dần dần được mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như số học, hình học, thiên văn học và âm nhạc. Đến thời hiện đại, các môn Liberal Arts ngày càng được mở rộng nhưng vẫn giữ tinh thần từ thời cổ đại là giúp các cá nhân phát triển một cách toàn diện với kiến thức rộng và có đầy đủ kỹ năng để thành công trong cuộc sống. Các lĩnh vực chính của Liberal Arts hiện đại là:
- Nhân văn: bao gồm các môn nghệ thuật, văn học, ngôn ngữ học, triết học, tôn giáo, đạo đức, ngoại ngữ hiện đại, âm nhạc, sân khấu, ngôn ngữ cổ điển (Latin/Hy Lạp)…
- Khoa học xã hội: bao gồm lịch sử, tâm lý, pháp luật, xã hội học, chính trị, nghiên cứu về giới, nhân loại học, kinh tế, địa lý…
- Khoa học tự nhiên: bao gồm thiên văn học, sinh học, hóa học, vật lý học, thực vật học, khảo cổ học, động vật học, địa chất, khoa học trái đất…
- Khoa học chính thức: bao gồm toán học, logic, thống kê…
Ở Mỹ, có hàng trăm đại học Liberal Arts, tách biệt hẳn với nhóm đại học quốc gia hay đại học tổng hợp. Những trường đại học thuộc nhóm Liberal Arts quan tâm đến sự chủ động trong học tập của sinh viên cũng như đề cao sự tương tác giữa giảng viên – sinh viên. Trong khi các nhóm trường đại học khác thường ưu tiên nghiên cứu, các trường Liberal Arts hướng đến hình thức giảng dạy, dẫn dắt sinh viên nhiều hơn. Đa phần các trường đại học Liberal Arts đều có quy mô vừa và nhỏ, sinh viên cũng chuyển đến sống trong khuôn viên trường nên quan hệ thầy – trò rất gần gũi.
Tuy châu Âu là cái nôi của Liberal Arts từ thời cổ đại nhưng làn sóng phát triển của các trường đại học Liberal Arts lại bắt đầu chậm hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, các nước châu Âu đang dần bắt kịp với xu hướng này. Hiện có đến hơn nửa số nước tại châu Âu có các trường đại học Liberal Arts hoặc các chương trình Liberal Arts được tổ chức bởi một trường đại học tổng hợp như: Bỉ, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Lithuania, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Anh.
Tại sao lại chọn Liberal Arts?
Vậy làm sao để biết mình có phù hợp theo học một chương trình, hay một ngôi trường Liberal Arts hay không? Dưới đây là những lý do để lựa chọn một chương trình Liberal Arts
Chuẩn bị tất cả các kỹ năng có thể trong công việc: Khi có nhiều kỹ năng tổng hợp và các kiến thức trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn so với việc chỉ tập trung vào một lĩnh vực nhất định. Đặc biệt khi bạn định theo đuổi các ngành nghề cần đến sự linh hoạt, độc lập và các kỹ năng mềm. Sự phong phú của các môn học trong các chương trình Liberal Arts sẽ mang đến cho bạn khả năng thích ứng, biến đổi và tự trau dồi để có thể phù hợp với mọi thay đổi của ngoại cảnh.
Được nhà tuyển dụng coi trọng: Tại Mỹ, 74% số CEO được hỏi đều cho biết sẽ khuyên sinh viên nên chọn các chương trình học Liberal Arts. Các nhà tuyển dụng đều đã nhận thấy các kỹ năng và khả năng thích ứng của sinh viên theo học các chương trình Liberal Arts là rất cần thiết trong một nền kinh tế có nhiều biến đổi và phát triển không ngừng như hiện nay.
Tạo nền tảng cho các khóa học nâng cao: Có thể nói, sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình Liberal Arts có nhiều lựa chọn hơn khi học cao học. Vì với vốn kiến thức phong phú trải dài trên nhiều lĩnh vực, sau một thời gian đi làm và trải nghiệm thực tế để tìm ra được đam mê thật sự của mình, sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình Liberal Arts có rất nhiều lựa chọn rộng mởở bậc cao học.
Mang đến thuận lợi trong nhiều hoạt động khác nhau: Không khác gì với tư tưởng từ thời Hy Lạp cổ đại, các kỹ năng Liberal Arts là cần thiết để một cá nhân có thể chứng tỏ được vị thế của mình. Ngoài các kiến thức căn bản cần thiết cho nghề nghiệp, các môn học Liberal Arts giúp các cá nhân trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau trong cộng đồng.
Cơ hội nghề nghiệp
Thay vì chọn ngay một ngành vào thời điểm bắt đầu học đại học, sinh viên theo học Liberal Arts dành thời gian tìm hiểu thế giới cũng như thử nghiệm các lựa chọn của mình càng nhiều càng tốt. Cũng có một số ngành cần sinh viên phải theo học chương trình sau đại học. Dưới đây là một số lựa chọn ngành nghề phổ biến nhất của sinh viên Liberal Arts
- Học thuật: Nếu muốn theo đuổi các ngành như nghiên cứu, giảng dạy… thì Liberal Arts chính là nền tảng mà bạn cần.
- Nghệ thuật: Nhiếp ảnh, nghệ thuật thương mại, hội họa, nội thất, thiết kế đồ họa và hình ảnh.
- Giáo dục.
- Marketing: Cho dù chọn quảng cáo, promotion, quan hệ công chúng, báo chí, biên tập tin tức hoặc copywriting, các môn học nhân văn sẽ giúp bạn nâng cao khả năng giao tiếp, đạt được nhiều thành công hơn trong nghề nghiệp này.
- Khoa học chính trị: Lĩnh vực này bao gồm luật, chính sách công, chính trị, kinh doanh, và làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện.
- Các ngành khác: Sinh học (y tế, trợ lý phòng thí nghiệm, trợ lý nghiên cứu), kinh doanh (doanh nhân, quản lý cửa hàng, nhân viên bán hàng), lập kế hoạch sự kiện, môi trường (bảo tồn, chính sách công), tài chính (ngân hàng, kế toán, phân tích tài chính), thực thi pháp luật, nghiên cứu phân tích (kết hợp thống kê và tâm lý), và các dịch vụ xã hội (như tư vấn hoặc điều trị).
Các nhóm kỹ năng quan trọng của ngành Liberal Arts:
- Kỹ năng phân tích, kỹ năng tư duy phê phán và sáng tạo;
- Kỹ năng giao tiếp, nói và viết hiệu quả;
- Kỹ năng giải quyết vấn đề;
- Khả năng học hỏi và tổng hợp những ý tưởng mới;
- Kinh nghiệm trong việc phân tích dữ liệu định lượng và định tính;
- Kỹ năng đọc hiểu và phản xạ;
- Kỹ năng số;
- Kỹ năng nghiên cứu hiệu quả;
- Kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian;
- Khả năng thích nghi dễ dàng với các tình huống;
- Có khả năng làm việc theo nhóm;
- Sự tự tin và tự nhận thức;
- Khả năng nhạy cảm với tâm lý và nhu cầu của những người khác;
- Kỹ năng ngoại ngữ và kiến thức giao thoa văn hóa.
Nhật Hà (DNSGCT)