TP.HCM, ngày 21/09/2024 – Chợ Tốt (chotot.com), nền tảng trao đổi và mua bán đồ cũ hàng đầu Việt Nam, tham gia sự kiện GRECO 2024 – Không gian tăng trưởng xanh TP.HCM lần thứ hai, để chia sẻ nỗ lực thúc đẩy lối sống bền vững và bảo vệ môi trường.
Theo RedSeer Strategy Consultants, thị trường trao đổi hàng hóa đã qua sử dụng tại Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 5,1 tỷ USD vào năm 2026. Báo cáo “The Carousell Recommerce Index” năm 2021 cho thấy 83% người Việt đã từng mua đồ cũ và sẵn sàng tiếp tục mua thêm. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường, đặc biệt khi thế hệ Gen Z ngày càng quan tâm đến lối sống xanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Cùng với các chính sách và cam kết của Chính phủ, xu hướng này góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030, tầm nhìn 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ đang thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. TP.HCM triển khai nhiều hoạt động thiết thực, điển hình là GRECO 2024, diễn ra từ ngày 21/09 đến 25/09, nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn.
Tham gia GRECO 2024, Chợ Tốt mong muốn nâng cao ý thức về kinh tế tuần hoàn và lối sống xanh tại Việt Nam. Tại sự kiện, Chợ Tốt giới thiệu mô hình kinh doanh của mình, giúp người dùng trao đổi và mua bán sản phẩm đã qua sử dụng, từ đó kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu rác thải và tiết kiệm tài nguyên.
Chợ Tốt cũng nhấn mạnh những con số đáng chú ý: hơn 10 năm qua, người dùng Chợ Tốt và các nền tảng thuộc Carousell Group đã kéo dài vòng đời cho hàng triệu sản phẩm, tiết kiệm hàng chục ngàn tấn tài nguyên và giảm hàng trăm ngàn tấn khí thải mỗi năm.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc vận hành Chợ Tốt, cho biết: “Thông qua GRECO 2024, Chợ Tốt mong muốn lan tỏa tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững, khuyến khích người tiêu dùng chọn mua đồ đã qua sử dụng thay vì mua mới, và đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 12 của Liên Hợp Quốc về tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm.”