Trải dài trên một vùng đất Nam Mỹ rộng lớn, Bolivia được ví như chiếc hộp Pandora kỳ bí trong thần thoại Hy Lạp với những danh thắng tuyệt mỹ, nhiều tàn tích hàng ngàn năm tuổi vốn là di sản của một nền văn minh cổ đại rực rỡ cùng nhiều nền văn hóa bản địa sôi động.
Trước đây, Bolivia thường gây ấn tượng cho khách du lịch như một xứ sở có rất nhiều bí ẩn, đặc biệt là những mỏ bạc vẫn trầm mình hàng ngàn năm giữa các cánh rừng nhiệt đới thâm u. Ngày nay, con đường đến Bolivia đã dễ dàng hơn nhiều nhờ các sân bay lớn hoặc đường bộ xuyên biên giới từ các nước lân cận.
Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Bolivia vào khoảng cuối tháng 6 đến đầu tháng 9, khi mà tiết trời khô ráo và quang đãng, rất thích hợp để vui chơi ngoài trời, tham gia lễ hội và khám phá cảnh quan thiên nhiên tại các khu sinh thái khổng lồ, vùng cao nguyên thuộc dãy núi Andes hùng vĩ hay những vùng đất thấp thuộc các rừng nhiệt đới Amazon và Chaco. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn tuyến du lịch này.
“Cuộc đua kỳ thú” đến Samaipata
Sau một đêm khó ngủ trên chuyến tàu được mệnh danh là “giằn xác”, chúng tôi cũng đến được Santa Cruz – trạm trung chuyển để chuyển sang một chiếc taxi để đến Samaipata. Trong hai tiếng rưỡi đi đường, ai cũng ngỡ mình đang tham gia vào “cuộc đua kỳ thú” khi tài xế liên tục rú ga, lạng lách, vượt qua các xe khác trên con đường đầy ổ gà, đôi chỗ còn bị sạt lở mà không để ý đến hành khách trên xe phải vất vả bấu víu vào ghế trước hay thành xe.
Ấn tượng ban đầu về thị trấn Samaipata là những vách đá sa thạch khổng lồ nằm hai bên đường. Thị trấn nhỏ bé nhưng cũng có một con phố chính sầm uất với các cửa hàng, nhà nghỉ. Các bức tường được trang trí bằng những bức tranh nhiều màu sắc, còn các cổng vòm được chạm khắc rất ấn tượng. Khu di tích Fuerte de Samaipata nằm cách thị trấn Samaipata khoảng sáu cây số, bên dưới chân núi Andes, có tên gọi tắt “El Fuerte” là một địa điểm khảo cổ học.
Được xây dựng thời tiền Columbo bởi người Chane (tộc người có nguồn gốc từ Arawak thuộc nền văn hóa Inca) với dáng kiến trúc giống như pháo đài, nhưng thực tế El Fuerte lại là một địa điểm tôn giáo trong suốt ba thế kỷ, từ XIV đến XVI. Suốt một thời gian dài, người Inca và người Chane đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh với các bộ tộc khác để giữ gìn mảnh đất này.
Sau khi bị người Tây Ban Nha thống trị, một khu định cư được xây dựng gần ngôi đền. Khu định cư đó hiện nay cũng chỉ còn lại vài dấu tích là những công trình mang kiến trúc Ả Rập. Cả thế giới hiện nay chỉ có Fuerte de Samaipata là nơi lưu lại dấu tích của các nền văn hóa lớn, gồm Chane, Inca và Tây Ban Nha.
Di chỉ này được chia thành hai khu vực chính với cấu trúc khác nhau. Khu vực đầu tiên nơi chúng tôi đến là một địa điểm khảo cổ vô cùng quan trọng, được đánh dấu bằng một tảng đá dài 250 mét, rộng 60 mét trải dài trên một diện tích tới 1,2 hécta, trên ngọn đồi cao gần hai ngàn mét so với mặt nước biển.
Toàn bộ mặt khối đá được chạm khắc các hình động vật, hình học, thiên văn học. Ở đây có một vị trí rất đặc biệt là El Cascabel. Theo giải thích của anh hướng dẫn viên địa phương, người Inca đã đánh dấu vị trí này để nghiên cứu thiên văn. Họ đặt những viên đá thành đường song song. Từ vị trí chân của khối đá đã được sắp xếp đó, khi Mặt trời mọc ngày 20-8-1066, các nhà thiên văn người Inca cổ xưa đã quan sát được sao Kim và sao Mộc.
Không chỉ vậy, các nhà khoa học còn tin rằng các hình khắc này đã được người Inca khắc lên để kỷ niệm ngày sao chổi Halley đi qua, hồi tháng 3-1066. Đây là những minh chứng cho sự tiến bộ của nền văn hóa Inca và cho thấy con người đã nghiên cứu thiên văn học từ hàng ngàn năm trước.
Điểm thứ hai là khu vực dân cư và đền thờ cổ xưa, nơi có đền thờ thần Mặt trời lớn nhất của đế chế Inca. Tại đây còn lưu giữ rất nhiều xác ướp của các “trinh nữ mặt trời” được hiến tế cho thần Mặt trời mỗi khi đất nước gặp một tai họa nào đó nhằm xoa dịu thần. Gần đó là các hốc đá xưa kia đặt các tượng thần Inca bằng vàng, bạc. Tiếc rằng khu vực này đang bị xuống cấp nghiêm trọng do tác động của thiên nhiên và con người.
Mưa và nước trút xuống từ các ngọn núi xung quanh đã làm cho những biểu tượng, hình khắc trên các phiến đá ngày một mờ đi. Mặt khác, lượng du khách đông đảo hằng ngày đi lại trên phiến đá cũng càng làm mờ đi những hình khắc. Chính quyền đã phong tỏa và không cho khách du lịch đi lại trong khu vực di sản nữa. Theo quy định, họ không được sờ và dẫm lên các phiến đá.
Tấm gương soi bầu trời Salar de Uyuni
Từ biệt thị trấn Samaipata, chúng tôi bắt một chuyến xe bus đêm để trở về Sucre và từ đó lại bắt tiếp một chuyến bus khác đến Uyuni thuộc vùng Tây Nam Bolivia, gần biên giới Chile. Trên đường đến Uyuni, xe đi ngang Potosi – thành phố lớn và giàu có nhờ các mỏ bạc và thiếc.
Nghe nói tại đây có nhiều tour thám hiểm hầm mỏ chỉ dành cho những du khách táo bạo muốn tìm cảm giác của người thợ mỏ phải chui trong hầm tối với khối thuốc nổ đeo trên lưng. Khách được mời uống rượu mạnh để có đủ can đảm hoàn tất việc cài thuốc nổ vào vách hầm, đeo mặt nạ an toàn và chứng kiến các vách mỏ rung lên rồi sập xuống xung quanh!
Salar de Uyuni là cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới, được hình thành do sự vận động của vỏ trái đất. Hàng ngàn năm trước, khu vực này là một phần của hồ nước mặn Minchin. Sau đó hồ cạn, tạo nên hai cánh đồng muối lớn. Người ta còn gọi nơi này là sa mạc muối, bởi muối ở đây mịn như cát. Trong những tháng mùa đông, khu vực này hoàn toàn khô ráo, xe cộ có thể chạy trên cánh đồng. Mùa hè đến thì cánh đồng lại luôn ngập nước, biến thành tấm gương soi khổng lồ.
Ngày nay, Salar de Uyuni đã trở thành địa danh nổi tiếng, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Lái xe dọc suốt sa mạc muối Salar de Uyuni là một trong những trải nghiệm thú vị nhất ở Nam Mỹ vì trong hành trình khám phá khu vực này, du khách được chiêm ngưỡng những cảnh tượng thiên nhiên kỳ bí nhất, tưởng chừng như chỉ có ở hành tinh khác.
Đó là những tảng đá có hình thù khác thường, núi đỏ, suối nước nóng, xương rồng khổng lồ, hồ màu đỏ hoặc xanh lục. Nơi đây còn là một thế giới thiên nhiên hoang dã đa dạng sinh vật, nổi trội nhất là những bầy hồng hạc, lạc đà không bướu. Lạc đà không bướu được coi là động vật quốc gia của Bolivia, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân đi lại, vận chuyển đồ đạc. Những con lạc đà không bướu được đeo tua len đỏ trên tai như cách đánh dấu để khẳng định quyền sở hữu của một gia đình nào đó.
Sự quyến rũ của Salar de Uyuni không chỉ từ cảm giác thú vị khi được chiêm ngưỡng những hình ảnh phản chiếu kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ mà còn là địa điểm tuyệt vời để du khách đến với các môn thể thao như golf, trượt ván hoặc đua khinh khí cầu.
Xung quanh cánh đồng muối có nhiều nhà nghỉ, khách sạn đặc biệt mà chất liệu và vật dụng được làm từ muối. Để nghỉ mỗi đêm trong phòng Khách sạn Salt Palace, du khách phải trả khoảng 142 USD.
Được trải nghiệm cảm giác hư thực, huyền ảo giữa thiên nhiên kỳ thú của Bolivia hoàn toàn xứng đáng với công sức và chi phí đã bỏ ra bởi nhóm “tín đồ mê xê dịch” như chúng tôi.