Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến cuối quý I-2018, tăng trưởng tín dụng đạt mức 3,5% và tính đến 20-6-2018 thì mức tăng này là 6,35% so với cuối năm 2017 – thấp hơn hẳn mức tăng 9,01% của cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng riêng trong quý II đã có xu hướng chậm lại so với quý I với mức tăng chỉ 2,85%. Diễn biến này cho thấy chủ trương điều hành tín dụng chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặc biệt với các lĩnh vực như bất động sản, giao thông. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay là 16 – 17% – giảm so với mức 18,2% của năm 2017.
M2 tăng cao hơn tín dụng
Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 4,01% trong quý I và tính đến ngày 20-6-2018 thì mức tăng này là 7,96% so với cùng kỳ năm 2017 – cao hơn nhưng không quá vượt trội so với mức tăng 6,89% của cùng kỳ năm ngoái. Việc M2 tăng trưởng cao hơn cùng kỳ xuất phát chủ yếu từ động thái bơm tiền đồng của NHNN để mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối trong sáu tháng đầu năm (hiện đạt mức kỷ lục tại 63,5 tỉ USD).
Việc tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh hơn tín dụng đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái dồi dào trong phần lớn thời gian của hai quý vừa qua. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn như qua đêm, một tuần và hai tuần chỉ có diễn biến căng thẳng vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 (khoảng thời gian Tết Nguyên đán khiến nhu cầu thanh toán gia tăng) còn sau đó đã liên tục giảm và có thời điểm xuống mức rất thấp (dưới 1%/năm).
Ngoài ra, M2 tăng tốt, thanh khoản hệ thống ngân hàng tích cực cũng đã phần nào hỗ trợ cho hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) của Kho bạc Nhà nước (giá trị gọi thầu trong sáu tháng đầu năm gần 74,2 nghìn tỉ đồng, dù giá trị trúng thầu chỉ hơn 34,1 nghìn tỉ đồng). Lãi suất trúng thầu TPCP đã chạm đáy vào thời điểm cuối quý I trước khi bật tăng trở lại (nhưng không đáng kể) kể từ đầu quý II trở lại đây.
Mặt bằng lãi suất trong sáu tháng đầu năm nhìn chung ở mức ổn định. Lãi suất huy động nội tệ (kỳ hạn dưới sáu tháng) duy trì dưới mức trần do NHNN quy định, thậm chí giảm nhẹ ở một số ngân hàng. Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,6 – 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng; 4,3 – 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng; 5,3 – 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 – 7,8%/năm.
Lãi suất cho vay cũng chủ yếu có xu hướng đi ngang, không giảm thêm. Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 – 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 – 6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 – 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5 – 6%/năm.
Chính sách tiền tệ sẽ chặt chẽ hơn
Một trong những rủi ro lớn nhất của kinh tế vĩ mô Việt Nam trong nửa cuối năm 2018 chính là lạm phát sẽ tăng cao trở lại. Dù rủi ro lạm phát trong thời điểm hiện tại chưa đến mức tạo ra nguy cơ quá lớn hay có thể tăng mạnh như các năm 2008 và 2011 nhưng không thể phủ nhận áp lực tăng đối với CPI là không nhỏ. Áp lực tăng này đến từ hai nhóm hàng chính là: hàng ăn, dịch vụ ăn uống và giao thông. Ngay trong tháng 7 này, Chính phủ dự kiến sẽ tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung (từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng).
Theo đó, giá mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng, dầu diezen là 500 đồng và dầu hỏa tăng 1.100 đồng/lít. Theo tính toán, việc tăng thuế này sẽ khiến giá nhóm hàng giao thông tăng khoảng 5% và tác động làm chỉ số CPI chung tăng khoảng 0,2% riêng trong tháng 7. Mức tăng này cũng chưa tính đến những tác động lan tỏa vòng 2 lên các nhóm hàng khác do xăng dầu gần như là đầu vào của mọi hoạt động kinh tế.
Theo nhiều dự báo, lạm phát trung bình trong năm nay có thể sẽ dao động quanh mức 4% trong khi lạm phát YoY có thể lên mức gần 5% – cao hơn hẳn so với mức 2,6% của năm 2017. Về cơ bản, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc, đặc biệt trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định đang ngày một gia tăng trên thế giới (chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Mỹ – EU; Fed đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất; ECB sẽ dừng chương trình QE vào quý IV-2018).
Do vậy, nhiều khả năng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ được điều hành theo hướng thận trọng hơn. Tăng trưởng M2 có thể sẽ chậm lại trong khi tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong sáu tháng tới nhưng về cơ bản mức tăng trưởng của cả M2 và tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn khoảng 1 – 2% so với năm 2017, tức chỉ ở khoảng 16 – 17%. Theo đó, lãi suất VND (huy động và cho vay) sẽ khó có điều kiện giảm, nhất là khi kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị VND, ổn định tỉ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại.