Hiệp định thương mại đã trở thành một chủ đề chính trị nóng bỏng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của Nghị viện châu Âu, từ các cuộc tranh luận về an toàn thực phẩm đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Sự trỗi dậy của đảng Xanh cùng khái niệm “hiệu ứng Greta” – gọi theo tên của nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, cùng sự tham gia của đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào Nghị viện châu Âu (EP), có thể đưa chính sách thương mại của EU đi theo hướng phòng thủ hơn và đặc biệt xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu.
Cuộc bầu cử EP ngày 26/5 đã chứng kiến các đảng bảo thủ và xã hội chủ nghĩa truyền thống lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lâu nay đã mất hàng chục ghế mỗi đảng.
Do không còn giữ được đa số như trước đây nên khi thông qua luật châu Âu thì liên minh mới sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ từ Liên minh tự do và dân chủ châu Âu (ALDE) và đảng Xanh – cả hai đảng này đều giành được nhiều ghế hơn và do vậy có được một vị thế ngày càng vững chắc trong EP.
Phát biểu với báo chí tại Brussels, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne cho biết nếu nhìn vào kết quả của cuộc bỏ phiếu, người ta có thể thấy mong muốn của người châu Âu là được bảo vệ và vấn đề biến đổi khí hậu phải được quan tâm. Trong khi đó, Pháp chắc chắn sẽ tiếp tục gây áp lực nhằm hướng các chính sách của châu Âu phù hợp với chính sách thương mại của họ.
Các hiệp định thương mại đã trở thành một chủ đề chính trị nóng bỏng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của EP, từ các cuộc tranh luận về an toàn thực phẩm đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Kể từ khi các quy tắc được thay đổi vào năm 2009 với việc EP được trao thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại, cơ quan lập pháp này đã đưa nhiều hơn vào nội dung của chúng những biện pháp để thúc đẩy sự phát triển bền vững cùng những cải cách trong cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước.
Ngay cả khi những thay đổi trên được đưa ra, đảng Xanh vẫn bỏ phiếu chống lại các hiệp định thương mại tự do giữa EU với Canada, Nhật Bản và Singapore.
Với đảng Xanh, những thỏa thuận kiểu như vậy đặt quyền lợi của các doanh nghiệp lớn lên trước quyền lợi của người dân và người lao động, đồng thời chỉ tập trung vào việc bãi bỏ các quy định, bao gồm tự do hóa các dịch vụ tài chính.
Họ cho rằng điều đó có thể phá vỡ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn về môi trường cũng như đối với người tiêu dùng.
Các thỏa thuận thương mại trong tương lai có thể bao gồm thỏa thuận với khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), Australia, New Zealand, Indonesia và cũng có thể là với Anh sau khi nước này ra khỏi EU hay một thỏa thuận hạn chế với phía Mỹ.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết một cuộc đàm phán với Washington, không phải là một thỏa thuận đầy đủ, sẽ không đảm bảo các cam kết bổ sung về môi trường. Và tất nhiên, đảng Xanh không đồng ý về điểm này.
Phó Chủ tịch EC Jyki Katainen ngày 27/5 nhận định rằng đảng Xanh có nhiều khả năng tham gia liên minh với đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) và ALDE trong một liên minh đa số thân châu Âu tại EP mới.