Trong cuộc đua thể thao đầy kịch tính “Người Sắt” (VNG IRONMAN 70.3 Việt Nam) diễn ra vào tháng 5/2022, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ ông Lý Huy Sáng – Phó Tổng Giám đốc Minh Long I – người chế tác nên chiếc huy chương bằng sứ đầu tiên trong lịch sử “Người Sắt” Việt Nam. Những câu chuyện ẩn chứa về chiếc huy chương đặc biệt và bài học từ việc chơi thể thao “Người Sắt” áp dụng trong cuộc sống đã được ông chia sẻ!
Trước thềm cuộc đua diễn ra, người chế tác chiếc huy chương bằng sứ – con trai trưởng của gia đình “Vua Gốm Sứ Minh Long” mang phong thái của một nhà nghệ nhân gốm sứ, điềm đạm. Lần gặp gỡ chúng tôi, ông mặc áo thun màu nâu giản dị, từ tốn kể về trồng cây vườn: “Mỗi khi đi đâu, tôi lại xem giống cây đó có trồng được ở Việt Nam không, để mang về trồng”...
Sau khi tham gia cuộc đua với Bơi – Đạp – Chạy liên tục với tổng quãng đường 113 km về đích, vẫn phong thái điềm đạm, ông trò chuyện như người nghệ nhân đang chăm chú ngồi làm gốm sứ. Buổi trò chuyện về “Sứ – Lửa – Sắt”, về các cuộc đua “Người Sắt” mà ông tham gia. Mặc dù mọi nhịp trò chuyện đều mang nét an nhiên, điềm tĩnh, nhưng chúng tôi cảm nhận ẩn chứa sức mạnh của “lửa”, của chất nghệ nhân bền bỉ hiếm có.
SỨ – “Ôm” một nền văn hóa “ở mức độ cao”
Câu chuyện giữa “Sứ” và “Sắt” (Giải VNG IROMAN70.3) bắt đầu từ năm 2015 khi sự kiện thể thao quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Món quà “kỷ vật” của các mùa giải “Người Sắt” luôn có chiếc ly gốm sứ cao cấp Minh Long I. Sứ cũng là chất liệu được tôi luyện trong ngọn lửa đam mê. Trên chiếc ly bền chắc, khắc họa những cung đường Đà Nẵng mà “Người Sắt” trải qua.
Vào năm 2020, một hình ảnh tình cờ lướt qua đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của người viết. Đó là hình ảnh bộ sưu tập 5 chiếc ly gốm sứ có in biểu tượng cuộc đua “Người Sắt” trên Facebook của giáo sư Dương Nguyên Vũ – một người thầy lớn của nhiều thế hệ sinh viên tài năng trong nước và quốc tế. Trong những tháng ngày thành phố giãn cách bởi Covid-19, khi các sự kiện đều khép lại, thì hình ảnh chiếc ly gốm sứ “Người Sắt” cho chúng tôi nhớ về những chặng hành trình đầy nhiệt huyết của bao con người đam mê khám phá và vượt qua thử thách. Và sâu sắc hơn, đó còn là nỗi nhớ quê hương Việt Nam trên chính từng bức vẽ đậm màu văn hóa của ly gốm sứ.
Với hơn 50 năm tuổi đời trong ngành gốm sứ, những vật phẩm của Gốm sứ Minh Long I thường được lựa chọn để làm quà trong các dịp quan trọng, đặc biệt là dành tặng nguyên thủ quốc gia. Gốm sứ Minh Long I mang tầm văn hóa Việt Nam ở mức độ cao.
____
Chào anh Huy Sáng, anh có thể chia sẻ, vì sao gốm sứ mang biểu tượng sâu sắc của nền văn hóa?
Bạn có thể thấy tất cả các vật khảo cổ học còn lại trên thế giới này để biết được là nền văn minh trước đây thì người ta dựa vào rất nhiều đồ gốm sứ. Gốm sứ là vật liệu truyền tải, ghi chép lại các nền văn hóa khác nhau. Vì chỉ có gốm sứ mới có thể vượt qua thời gian so với vật liệu khác. Gốm sứ mấy ngàn năm vẫn còn nguyên, nhưng vật liệu khác (ngoài vàng) theo thời gian sẽ bị rỉ sét, mai một.
Chính vì vậy, những năm trước đây, Minh Long I đã đưa những cảnh đẹp của Đà Nẵng ghi chép lên ly gốm sứ trong sự kiện thể thao quốc tế VNG IRONMAN 70.3 Việt Nam. Sự tồn tại bền bỉ của ly gốm sứ cũng chính là minh chứng ghi lại lịch sử nền văn hóa Việt Nam.
LỬA đam mê: chế tác nên chiếc huy chương lần đầu tiên trong lịch sử “Người Sắt” Việt Nam
Năm 2022, sau những năm tháng dài giãn cách bởi đại dịch Covid-19, sự kiện thể thao VNG IRONMAN 70.3 Việt Nam chính thức quay trở lại tràn đầy năng lượng. Ông Lý Huy Sáng đã ghi dấu sự kiện ý nghĩa này bằng cách nâng cấp phiên bản chiếc ly “Người Sắt” trước đó trở thành những chiếc huy chương bằng gốm sứ đầu tiên có trong lịch sử IRONMAN thế giới.
Phối hợp với Sunrise Events, nhà thiết kế Agnes Thierry, Minh Long I là đơn vị chế tác để tạo nên chiếc huy chương (medals) cho năm 2022. Bản thiết kế thể hiện những đường cong uốn lượn, đại diện cho từng con sóng mà các vận động viên sẽ phải vượt qua, đồng thời cũng là cung đường uốn lượn ở Đà Nẵng – thành phố biển đáng tự hào của Việt Nam. Quá trình chế tác chiếc huy chương công phu, tượng trưng cho hành trình tập luyện của các vận động viên trên con đường đến đích vinh quang.
____
Chiếc huy chương lần đầu tiên có trong lịch sử “Người Sắt” Việt Nam với thiết kế tầng tầng lớp lớp các vòng xoáy uốn lượn… Đây là thử thách đối với ngành gốm sứ Việt Nam. Anh có thể cho biết 3 yếu tố thử thách khó nhằn trong quá trình chế tác?
Thứ nhất, việc thể hiện ý tưởng trên sản phẩm gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt đối với vật liệu gốm sứ – vật liệu có độ giãn nở cao trong quá trình sản xuất. Làm sao để chế tác ra các chiếc huy chương tròn, phẳng, đồng nhất khi nhìn ngang, trong khi vật liệu gốm sứ là vật liệu có độ giãn nở ko đều nhau? Gốm sứ là vật liệu có nhiều kỹ thuật chế tác rất khác biệt. Ví dụ, trong quá trình sản xuất, vật liệu sứ có độ giãn nở rất cao, còn vật liệu khác có hệ số giãn nở thấp. Chính sự giãn nở cao khi sản xuất khiến cho tất cả các khâu tạo thành phẩm bị bất đồng nhất. Nếu không có giải pháp thì các chiếc huy chương sẽ có độ dày khác nhau, hình dáng, hình thù không đối xứng nhau…
Yếu tố thử thách thứ hai là công đoạn nhà thiết kế muốn khoét một lỗ hổng xoáy trên bề mặt huy chương – điều này đòi hỏi người chế tác phải vô cùng tỉ mỉ vì lỗ khoét tròn giãn nở không đều sẽ tạo vết nứt xung quanh dẫn đến hư hỏng sản phẩm.Tuy nhiên, Minh Long I nỗ lực thực hiện được ý tưởng này để chiếc huy chương truyền tải được thông điệp. Vòng tròn xoáy ở giữa huy chương là biểu trưng của sự thăng hoa trong cảm xúc, trong vinh quang và trong sự thành công sau những năm tháng miệt mài rèn luyện.
Thứ ba là việc sản xuất công nghiệp số lượng lớn đối với chiếc huy chương sứ cần quá nhiều công phu chế tác và cần sự linh động tinh chỉnh của con người. Rất nhiều phương án, kỹ thuật khác nhau đã được thực hiện. Thậm chí, chúng tôi chế tạo 100 chiếc nhưng chỉ chọn sử dụng được 20 chiếc hoàn chỉnh như mong muốn.
Cả một hành trình ngày đêm miệt mài, vắt óc, tăng ca sản xuất, vật lộn rất nhiều để chế tạo, tưởng chừng bế tắc,… Thế nhưng, sự bền bỉ, kiên trì đã giúp Minh Long I chế tác thành công những chiếc huy chương bằng sứ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
“NGƯỜI SẮT”: Bất cứ điều gì đều có thể
____
Anh có thể chia sẻ câu chuyện mà anh đã vượt qua được khó khăn trong quá khứ, thiết lập lại, cho thấy được tinh thần trong cuộc đua “Người Sắt”: Bất cứ điều gì đều có thể.
Có rất nhiều câu chuyện cho thấy điều này. Tôi sẽ nói về chuyện đi leo núi Kilimanjaro ở Nam Phi,chinh phục độ cao hơn 5 895 mét. Tôi nhỏ người nhất trong những anh em đi cùng đoàn. Sau khi leo núi 7 ngày, tới ngày cuối – khi gần lên tới đỉnh núi, tôi bị trúng thực rất nặng. Mọi người khuyên tôi ở lại, đừng đi, nguy hiểm, họ nghĩ rằng tôi không thể làm được. Ở độ cao đó, rất nhiều người bỏ mạng vì kiểm soát sức khỏe không tốt. Trước tình huống thử thách này, tôi phải đưa ra quyết định. Đối với tôi, điều quan trọng nhất vẫn là sự an toàn là trên hết. Lắng nghe cơ thể mình, tôi cảm nhận được sức khỏe mình đủ để tiếp tục leo tới đỉnh núi. Một phần vì ngày thường tôi có nền tảng tập luyện thể thao, nên cơ thể hồi sức tương đối nhanh sau khi trúng thực. Tôi quyết định nói với đoàn rằng tôi có thể làm được. Rốt cuộc, tôi đã hoàn tất tốt.
Trong cuộc sống, tôi cũng thường xuyên gặp các tình huống rất thử thách. Thử thách sẽ rèn luyện cho bản thân tinh thần tự tin, hồi sức và ứng phó nhanh. Tinh thần được tôi luyện mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta vượt lên trên những khó khăn mà ngỡ không thể vượt qua được.
____
Trong tình huống thời Covid-19, tinh thần đón nhận thử thách “Bất cứ điều gì đều có thể” được anh áp dụng như nào trong công việc?
Trong trận Covid-19 vừa qua, có rất nhiều đơn hàng mà mọi người nghĩ rằng sẽ không thể giao được, chắc chắn bị trễ, và sẽ giải thích dựa vào cớ vì Covid-19, vì trên toàn thế giới cũng không thể làm được gì khác.
Về phần khách hàng của chúng tôi, họ cũng vấp phải tình huống khó khăn trong thị trường của họ. Họ cũng cần hàng để giao như đã cam kết với khách.
Đối diện với thử thách đó, chúng tôi xác định phải nghĩ mọi cách để làm cho bằng được và làm đúng đơn hàng.
Chúng tôi áp dụng giải pháp sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) sớm nhất, áp dụng trước khi Covid-19 lan tràn. Kết quả, chúng tôi đã hoàn thành những đơn hàng xuất khẩu kịp thời gian, tiến độ cho khách.
Trong tình huống ngỡ không thể, nhưng ngược lại, chúng tôi có thể làm được cho khách hàng, chúng tôi giải quyết được khó khăn cho họ. Nhờ đơn hàng chúng tôi xuất khẩu kịp, họ đã giao được hàng và được nâng cao vị trí trên thị trường.
____
Là người chế tác chiếc huy chương bằng sứ thành công đầu tiên trong lịch sử “Người Sắt” Việt Nam, anh muốn gửi gắm điều gì trong chiếc huy chương bằng sứ này đến mọi người?
Rất nhiều doanh nghiệp nghĩ đến sự thành công của công ty là nhanh phát triển rộng lớn, kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng quên đi bản thân sức khỏe của họ mới là điều quan trọng.
Dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền, công ty lớn bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng bạn không đủ sức khỏe để giải quyết các vấn đề công ty đó. Cuối cùng, tài sản công ty đó không thuộc về bạn. Rốt cuộc, mục đích sống của bạn là gì. Đến một ngày, bạn phải lấy hết tài sản mình đang có để đi khắc phục vấn đề sức khỏe.
Trong cuộc sống, ngoài việc phát triển công ty, phải phát triển về sức khỏe. Nếu để mất cân đối thì đối với tôi, đó không phải là cuộc sống hạnh phúc, không phải sự phát triển bền vững.
Điều mà chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp: sức khỏe là điều rất khó để đạt được, nhưng rất dễ để mất đi. Khi mất sức khỏe và không lấy lại được. Vì vậy, chúng ta phải trân quý nó, như trân quý huy chương bằng sứ – rất khó để làm, nhưng cũng rất dễ để vỡ.
____
Anh có quá trình luyện tập thể thao chịu khó, bền bỉ nhiều năm qua. Sáng dậy 4h để tập, và có hôm tập lúc 10h đêm sau khi làm việc. Vậy, mục tiêu anh tham gia các cuộc đua thể thao để đạt tới điều gì?
Mục tiêu là làm tốt hơn chính bản thân mình trước đây và hoàn thành cuộc thi. Thể thao là sức khỏe. Đương nhiên ai chơi cũng muốn hoàn thành, chiến thắng. Nhưng phải biết đâu là mục tiêu ưu tiên nhất, đâu là điểm dừng. Cần biết lắng nghe cơ thể, đừng đẩy quá ngưỡng khi chúng ta chưa luyện tập khoa học để vượt qua ngưỡng ấy. Đừng để vui được một đợt, nhưng đợt sau không chơi được. Chạy có thể chậm, về thua mọi người, nhưng sức khỏe duy trì tốt, năm sau vẫn có thể chơi tiếp được.
____
Bài học từ việc đặt mục tiêu trong thể thao được anh áp dụng trong việc đặt mục điều hành công việc như thế nào?
Tôi quan điểm rằng tất cả là cuộc chơi sinh tồn. Vì vậy, khi xây dựng công ty, mục tiêu Minh Long I đặt ra là để công ty được trường tồn, chứ không phải phát triển quá nhanh, tăng trưởng nóng, rồi sau đó lụi tàn. Đội ngũ chúng tôi làm từng bước một, bước nào chắc chắn bước đó, có thể chạy không quá nhanh, không quá rầm rộ, nhưng mục tiêu cốt lõi là để Gốm sứ Minh Long I tồn tại bền vững, giá trị tạo ra lâu dài mãi.
____
Cảm ơn anh đã chia sẻ trải nghiệm. Chúng tôi tin rằng, với sự đam mê bền bỉ, với lòng yêu nghề và yêu sức khỏe, Minh Long I sẽ chế tạo ra nhiều tác phẩm gốm sứ giá trị, giàu ý nghĩa đến cộng đồng.