Đa số chúng ta có lẽ đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần câu “tiền không mua được hạnh phúc”. Thậm chí ngay cả khi không thường xuyên nghe điều này thì bạn cũng có thể thường xuyên đọc được trên báo chí, mạng xã hội, thông tin về những người giàu, người nổi tiếng gặp các vấn đề với chất kích thích, tệ nạn xã hội, trắc trở trong hôn nhân…
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cá nhân hay nói vui, rằng tiền không thể mua được hạnh phúc, bởi vì chúng ta đã mua không đúng chỗ.
Theo một nghiên cứu được hai chuyên gia tâm lý Hal Hershfield và Cassie Mogilner Holmes thực hiện và công bố gần đây, dựa trên việc nghiên cứu hơn 4.400 người trưởng thành ở Mỹ, có một điểm thú vị là nhóm người biết chi tiền cho thời gian, trải nghiệm và các mối quan hệ, sẽ có được mức độ hạnh phúc cao hơn nhóm người chi tiền cho những thứ khác.
“Có rất nhiều người nghĩ rằng người chi tiền cho thời gian, trải nghiệm và cho các mối quan hệ là người đã có sẵn rất nhiều tiền. Tuy nhiên không hẳn như vậy. Chúng tôi đã so sánh những người có mức thu nhập tương đương nhau trong số 4.400 người nghiên cứu, và nhận thấy những người chọn cách tiêu tiền hợp lý vẫn sẽ hạnh phúc hơn” – Hal Hershfield chia sẻ trên trang Inc.
Chi tiêu cho thời gian
Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời, bạn nhìn vào tài khoản ngân hàng, vào những tài sản mình đang nắm giữ, nhìn vào thu nhập thụ động hằng tháng và nhận ra mình đã có đủ tiền lo cho phần còn lại của cuộc đời. Lúc đó bạn sẽ làm gì?
Chắc chắn bạn sẽ không nghĩ về việc thực hiện các công việc hằng ngày, mà sẽ hướng tới những thứ mà bạn thực sự muốn và thích làm, như đi du lịch, mua sắm, xem phim, đọc sách…
Hal Hershfield và Cassie Mogilner Holmes nhận thấy rằng, khi có nhiều thời gian hơn, chúng ta thường nghĩ về việc dành thêm thời gian cho những điều khiến chúng ta vui. Ngược lại, khi nghĩ về việc có nhiều tiền hơn, chúng ta sẽ nghĩ về trách nhiệm, sức ép, điều chúng ta còn đang thiếu – những thứ chẳng thể giúp ta hạnh phúc.
“Nếu bạn tự do tài chính, thứ đầu tiên bạn nghĩ tới chính là thứ mà bạn đam mê nhất. Bạn có thể dùng đam mê đó để kiếm tiền. Còn nếu bạn không làm như vậy, bạn vẫn có thể lấy tiền để mua thời gian, để thỏa sức làm điều mình thích. Tất nhiên, bạn phải luôn có giới hạn, có sự điều độ, nếu muốn cảm nhận tốt nhất mọi thứ” – Hal Hershfield chia sẻ.
Chi tiêu cho những trải nghiệm
Đa số chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng sẽ là khôn ngoan hơn khi chi tiền cho những thứ đặc biệt, được mọi người đánh giá cao, chứ không phải những thứ bản thân đánh giá cao. Đơn cử, khi ta chi 50 triệu đồng để mua một chiếc điện thoại sang trọng, để khiến bản thân thỏa mãn hay được mọi người ngưỡng mộ, ta sẽ cảm thấy thích hơn là chi 1 triệu đồng để tham dự buổi trình diễn của một ban nhạc mình yêu thích.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được San Francisco State University công bố đã chỉ ra một điểm hoàn toàn trái ngược. Đó là thực sự thì việc chi cho những thứ đắt tiền không kéo dài sự hạnh phúc, dù chúng ta có từng thích chúng đến mức nào.
Bởi dù đa số mọi người tin rằng việc mua sắm vật chất nói chung sẽ làm cho họ hạnh phúc lâu dài, nhưng chính việc mua sắm những trải nghiệm, những điều mang giá trị tinh thần, mới giúp họ hạnh phúc và giữ được sự hạnh phúc lâu dài. Khi chúng ta chi tiền cho vật chất, cảm giác hạnh phúc, mãn nguyện chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và sẽ giảm dần qua thời gian (như khi chúng ta mua một chiếc điện thoại, thời gian đầu sẽ cảm thấy rất thích thú, thỏa mãn, nhưng càng về sau, cảm giác này càng giảm dần), trong khi đó, những trải nghiệm tuyệt vời lại là thứ khắc ghi trong trí nhớ chúng ta một thời gian dài, khiến chúng ta có thể vô cùng thích thú, hào hứng khi nhớ hay khi nhắc lại.
Chi tiêu cho những mối quan hệ
Con người ngay từ xưa đã sống theo hình thức quần thể. Chúng ta tồn tại và hoạt động dựa trên sự giao tiếp, trao đổi và các mối quan hệ. Do đó, tạo dựng các mối quan hệ lành mạnh, tích cực, luôn là một công việc gần như bản năng để giúp chúng ta có được sự hạnh phúc, thoải mái, vui vẻ trong cuộc sống. Cô đơn, lạc lõng luôn là cảm giác mà bất cứ ai cũng muốn tránh.
Hal Hershfield và Cassie Mogilner Holmes nhận thấy trong nghiên cứu của mình, những người thường sử dụng tiền để làm mới, xây dựng hay thỏa mãn các mối quan hệ được họ đánh giá là lành mạnh, như mối quan hệ với bạn bè, vợ/chồng, gia đình… sẽ làm cho họ cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn.
“Tôi biết rất nhiều chuyên gia tài chính sẽ không thích việc này, nhưng sự thật là khi bạn cho đi, bạn sẽ cảm giác hạnh phúc và thỏa mãn hơn là bạn nhận về. Tất nhiên, bạn phải biết cho ai và cho như thế nào, để tạo ra cảm giác hạnh phúc cho mọi người, chứ không phải tạo ra sự buồn bực, bất hạnh cho họ và cho bản thân bạn” – Hal Hershfield kết luận.